Mới đây, thông tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sắp ra nước ngoài lần đầu sau gần 3 năm tạm dừng và dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Đông Nam Á đã khiến truyền thông quốc tế được dịp dậy sóng.
Theo dự đoán, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp gỡ tại Đông Nam Á
Mới đây, trang The Wall Street Journal đã dẫn các nguồn thạo tin cho hay, giới chức Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Đông Nam Á và gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nếu được xác thực, đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Tập sau gần 3 năm chỉ ở trong nước vì đại dịch Covid-19 và đây cũng sẽ là lần đầu tiên ông gặp trực tiếp Tổng thống Joe Biden kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ nhậm chức. Cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) vào ngày 15-16/11 tới đây.
Nhà Trắng hiện từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên, một quan chức cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận khả năng gặp trực tiếp trong cuộc điện đàm mới đây, và đồng ý để các bộ phận phụ trách về cụ thể. Tuy nhiên, quan chức này cũng từ chối cung cấp chi tiết về thời gian hay địa điểm của cuộc gặp.
Vị thế địa lý Đông Nam Á
Tuy nhiên, thông tin Đông Nam Á là điểm đến đã khiến truyền thông vô cùng “nhấp nhỏm”. Vậy đâu là lý do Đông Nam Á có thể được lựa chọn là điểm gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới?
Theo nhận định của The Wall Street Journal, thời gian tới, cạnh tranh giữa hai quốc gia này sẽ trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là sau chuyến thăm đầy tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Và khu vực Đông Nam Á tiếp tục trở thành “vũ đài” mới và là “điểm nóng” của cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, với quan điểm và lập trường nhất quán, ASEAN vẫn giữ được vị thế trung tâm trong cấu trúc ở khu vực, đồng thời đảm bảo hài hòa về lợi ích trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Thực tế hiện tại, các nước trong khu vực vẫn luôn tìm cách giải quyết cả ở khía cạnh song phương cũng như trên cả phương diện đa phương.
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tại Phnom Penh (Campuchia).
Trước hết, cần nhận thức rằng, Mỹ và Trung Quốc có cạnh tranh gay gắt với các cường độ khác nhau nhằm gia tăng ảnh hưởng, tìm cách chi phối Đông Nam Á thì nhu cầu đối thoại, hợp tác giữa các nước này đều thông quá các cơ chế đa phương trong khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á… là rất cần thiết.
Hiện tại, ASEAN hiện có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, có quan hệ thương mại hài hòa với cả Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, ASEAN được xem là nhân tố kết nối các đối tác với nhau bằng việc tạo ra các diễn đàn và xây dưng tiến trình hợp tác trong khu vực.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng giống như cây cầu nối để liên kết hợp tác, đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Các chuyên gia cho rằng, nhân tố ASEAN như một liều “gia vị” để trung hòa các mâu thuẫn, khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đến nay, qua nhiều giai đoạn của cuộc đối đầu Mỹ – Trung, ASEAN vẫn vừa hợp tác với cả hai nước, vừa sẵn sàng lên tiếng, bày tỏ quan điểm “đúng”, “sai” trong các vấn đề liên quan, có tác động đến khu vực. ASEAN luôn nhấn mạnh, các nước có thể cạnh tranh nhưng cạnh tranh đó không được tác động, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Đối với các quốc gia trong khu vực, ứng xử linh hoạt, khéo léo trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc còn được xem là đòn bẩy giúp các nước thích ứng với môi trường, cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc này. Điều đó sẽ giúp các nước điều tiết trong quan hệ Mỹ – Trung, không bị rơi vào thế phải chọn bên, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.
Vấn đề an ninh biển trong đó có Biển Đông được đề cập trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ.
Về vấn đề Biển Đông, xét trên khía cạnh ngoại giao, hai nước lớn này đều chia sẻ quan điểm chung rằng, những xung đột hàng hải cần được giải quyết một cách hòa bình, thông qua đàm phán và tham vấn. Hai nước trước truyền thông luôn ủng hộ mạnh mẽ quá trình đàm phán để có được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Tuy nhiên, từ quan điểm chiến lược, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong nửa năm qua và nhấn mạnh động thái này sẽ gây căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Về phần mình, Trung Quốc liên tục lên tiếng trấn an các nhà lãnh đạo ASEAN rằng, những hoạt động của Trung Quốc không gây nguy hại tới tự do hàng hải, hàng không trong vùng biển tranh chấp.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc hy vọng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể xây dựng được lòng tin chiến lược đối với Mỹ, giúp giảm căng thẳng tại Biển Đông khi ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để có được COC thông qua vai trò điều phối của Singapore. Có thể sau đó, Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác với Mỹ để cùng giải quyết các vấn đề khác như tình hình hình tại Đài Loan hay xung đột Nga – Ukraine hiện tại.
Lan Hoa (Theo The Wall Street Journal)
Nguồn: Cánh cò