Ngày 12/4/1936, Charlie Chaplin (1889 – 1977), người được công chúng tôn vinh là “Vua hề Charlot”, nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng thế giới của Mỹ, đưa vợ mới cưới là diễn viên Paulette Goddard cùng mẹ vợ và một người Nhật giúp việc cập bến Sài Gòn trên chuyến tàu Aramis của Hãng Messagerie Maritime đến từ Singapore.
Trong cuốn bút ký nổi tiếng Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, bác sĩ quân y Hocquard, người đã theo đạo quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ đã chụp ảnh in hình (bản khắc) một người Việt Nam trẻ tuổi tên là Ngô Đại.
Đây là chuyến đi trăng mật của của đôi nghệ sĩ nổi tiếng này đến thăm Đông Dương kéo dài hơn 3 tuần, tới 5/5/1936.
Hành trình được ghi nhận: Sau khi đến Sài Gòn trú tại Khách sạn Continental, gia đình Charlie đi thăm Angkor Vat của Cao Miên rồi lên Đà Lạt ngày 19/4, sau đó là Tuy Hòa, Quảng Ngãi và đến Đà Nẵng ngày 22/4. Charlie thăm kinh đô Huế từ 24 đến 27/4, trú tại Khách sạn Morin. Tại đây gia đình nghệ sĩ đến thăm Bảo tàng Khải Định, ngắm Sông Hương từ Đồi Vọng Cảnh, sau đó ra Vinh.
Vợ chồng Chaplin trong mùa trăng mật
Ngày 29/4, đến Hà Nội, trú tại Khách sạn Metropole, vợ chồng Charlot thăm phố phường, mua sắm mấy món hàng tơ lụa và may vài bộ áo dài Việt Nam tại hiệu Tây Hồ ở 46 Hàng Trống để mang về Mỹ làm kỷ niệm.
Ngày 2/5, vợ chồng Vua hề Charlot xuống Hải Phòng, thăm Vịnh Hạ Long (3/5) rồi ngày 5/5/1936, xuống tàu Canton qua lãnh thổ Hong Kong.
Charlie Chaplin và người vợ mới cưới đã có mặt ở Huế
Trong chuyến thăm, mặc dầu tránh tiếp xúc với báo chí, nhưng Charlie Chaplin cũng có một vài cuộc phỏng vấn bày tỏ những ấn tượng về xứ sở Viễn Đông này và hầu như không thấy ảnh đăng trên báo.
Nữ nghệ sĩ Paulette Godard, vợ Vua hề Charlot, thích thú với chiếc nón xứ Huế
Trả lời Hà Thành ngọ báo (1/5/1936), Charlie Chaplin nói cảm tưởng: “Đông Dương gây cho tôi một cảm tưởng rất sâu xa và trong mắt tôi xứ sở này khác hẳn với những xứ mà tôi đã từng du lịch… Những nơi tôi vừa đi qua, Java chẳng hạn cảnh vật tuy đẹp nhưng không có vẻ sâm u như tại Đông Dương. Vẻ sâm u đó là chỗ đặc biệt của xứ này mà không bao giờ tôi quên được”.
Vào thời điểm này, một số bộ phim về “Vua hề Charlot” đã được chiếu ở Việt Nam, nhưng chuyến đi của danh hài nổi tiếng này diễn ra khá kín đáo, riêng hình ảnh thì hiếm hoi. Một vài hình ảnh kèm theo đây là lấy ở trên mạng (https://photo.charliechaplin.com/images?asset_search%5Bfull_search%5D=Rnroute+to+Indo+China&button=) xin được giới thiệu với bạn đọc.
Trên đường từ Huế vào Đà Nẵng, Vua hề Charlot ngồi trong khoang thuyền của người bản địa
Trong chặng du lịch lên Đà Lạt, vợ và bà nhạc của Chaplin tiếp xúc với những người dân thiểu số Tây Nguyên
Các vị khách lạ lẫm với những chiếc xe kéo rất phổ biến ở Việt Nam
Tại Sài Gòn, Charlie Chaplin đang vít lá cờ hiệu của các đại lý bán thuốc phiện, lúc đó đang được bán công khai theo chính sách độc quyền của chính quyền
Tại Hà Nội, Charlie Chaplin tiếp xúc với những người làm tờ báo “Đông Pháp Thời báo”
(Còn tiếp)
QXN
Tài liệu tham khảo:
– Hà Thành ngọ báo từ số 2575 (11/4/1936) đến (6/5/1936)
– Charlie Chaplin à Hué 1936 – blogparishue.fr, 15/12/1920
– L’Avenir Du Tonkin, 22/4/1936, 27/4/1936