Hiện nay, nhiệt độ trên khắp Châu Âu đang ở mức cao kỷ lục, số người chết và các vụ cháy rừng do nắng nóng tiếp tục gia tăng. Đáng lo ngại, Châu Âu vẫn còn 2 tháng mùa hè nữa. Vậy câu hỏi được đặt ra là, tại sao Châu Âu lại đang phải trải qua một mùa hè “thảm họa” như vậy?
Hai tháng trước, Pháp đã trải qua tháng 5 nóng nhất từ trước đến nay, với mức nhiệt cao kỷ lục được ghi nhận ở một số thành phố. Trong tháng 6, quốc gia này lại tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng mùa xuân, lan rộng sang các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Italy…
Đến tháng 7 này, Ba Lan và các khu vực khác của Đông Âu phải hứng chịu một đợt nắng nóng thậm chí còn khắc nghiệt. Tất cả cho thấy, nhiệt độ trên khắp Châu Âu đang tăng vọt trở lại, bằng hoặc gần gấp 3 lần con số từ Tây Ban Nha đến Quần đảo Anh và lan rộng về phía Đông. Cháy rừng do sức nóng đang bùng phát ở nhiều quốc gia và phần lớn lục địa cũng là vấn đề khiến các quốc gia Châu Âu đau đầu.
Các nhà khoa học cho biết, tình trạng nắng nóng khắc nghiệt kéo dài trong năm nay nằm trong xu hướng biến đổi thời tiết trên toàn cầu. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng ở Châu Âu dường như đang gia tăng về tần suất và cường độ với tốc độ nhanh hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giới, bao gồm miền Tây nước Mỹ.
Thực chất, nguyên nhân một phần của hiện tượng trên là sự nóng lên toàn cầu, do nhiệt độ trung bình lúc này đã cao hơn 1,1 độ C so với cuối thế kỷ 19, thời điểm trước khi phát thải CO2 và các loại khí nhà kính khác trở nên phổ biến. Do đó, cái nóng cực đoan có xuất phát điểm cao hơn.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác liên quan tới hoàn lưu khí quyển và luân chuyển hải lưu cũng có thể là nguyên nhân khiến Châu Âu trở thành điểm nóng của sóng nhiệt.
Thông thường, không có hai sóng nhiệt nào hoàn toàn giống nhau. Nhiệt nóng như “lò thiêu” ở Anh và xứ Wales hôm 18/7 một phần do một vùng không khí áp suất thấp ở tầng trên đã bị ngưng trệ ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha trong nhiều ngày.
Theo Tiến sĩ Kornhuber, nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia cho biết, các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng về tần suất và cường độ trong 4 thập kỷ qua và gắn sự gia tăng này một phần với những thay đổi do biến đổi khí hậu đang dần đạt mức đỉnh điểm.
Hạn hán và các đợt nắng nóng ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn trong bối cảnh Trái Đất nóng lên, khiến một tia lửa nhỏ cũng có thể tạo ra một hỏa ngục.
Hơn nữa, hạn hán và các đợt nắng nóng gắn liền với biến đổi khí hậu đã làm cho cháy rừng trở nên khó dập hơn, vì điều kiện khiến chúng dễ dàng lây lan nhanh chóng. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn, khiến cháy rừng thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn, bao gồm các đám cháy lớn đến mức chúng gần như không thể dập tắt.
Không chỉ biến đổi khí hậu, chính con người cũng đang dồn bản thân phải chịu “hỏa ngục” như hiện tại. Johann Goldammer, người đứng đầu Trung tâm Giám sát Hỏa hoạn Toàn cầu, một cơ quan cố vấn của Liên Hợp Quốc, cho biết các khu vực rừng ngập tràn vật liệu dễ cháy, gồm thân cây chết, cành cây gãy và khô, lá chết và cỏ khô.
“Đây là lý do chúng ta đối mặt nguy cơ cháy rừng chưa từng có, vì chưa bao giờ trong lịch sử – như trong 1.000 hoặc 2.000 năm qua – lại có nhiều vật liệu dễ cháy xung quanh như vậy”, ông nói.
Thực chất, nắng nóng và cháy rừng diện rộng cho thấy nhân loại đang “tự sát tập thể” nếu tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch, tàn phá môi trường. Và Châu Âu đang là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quá trình biến đổi khí hậu khắc nghiệt này.
Lan Hoa
Theo: Cánh cò