Ngày 24/4, hàng ngàn sinh viên đại học Sri Lanka kéo đến bao vây nhà Thủ tướng Mahinda Rajapaksa để đòi ông từ chức, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế của đảo quốc ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều tháng mất điện triền miên, lạm phát cao kỷ lục và tình trạng thiếu nhiên liệu, lương thực trầm trọng làm tăng sự bất mãn của người dân Sri Lanka. Nước này đang đối phó với đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948.
Trong cuộc biểu tình ngày 24/4, các sinh viên trèo qua cả hàng rào quanh khu nhà ở của Thủ tướng Rajapaksa ở Colombo, sau khi cảnh sát dựng rào chắn trên nhiều tuyến phố ở thủ đô để ngăn chặn các đám đông biểu tình gộp vào nhau.
“Các ông có thể chặn đường, nhưng không thể ngăn cuộc đấu tranh của chúng tôi cho đến khi toàn bộ chính phủ giải tán”, một thủ lĩnh sinh viên giấu tên cho biết khi đang đứng trên rào chắn.
Một số người mang theo biểu ngữ “Về nhà đi Gota”. Gota là biệt danh của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai của Thủ tướng Mahinda.
Cảnh sát cho biết ông Mahinda Rajapaksa không có mặt trong khu dinh thự đó khi người biểu tình bao vây, và đám đông cuối cùng đã giải tán trong hoà bình.
Trong suốt 2 tuần qua, hàng ngàn người biểu tình đã cắm trại bên ngoài văn phòng nhìn ra biển của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa để yêu cầu 2 anh em ông từ chức.
Trong tuần qua, một người bị bắn chết khi cảnh sát nổ súng ở khu trung tâm Rambukkana. Đây là thương vong đầu tiên kể từ khi biểu tình bắt đầu vào tháng trước.
Kinh tế Sri Lanka bắt đầu khủng hoảng trầm trọng sau khi đại dịch COVID-19 làm mất nguồn thu quan trọng từ du lịch và kiều hối.
Quốc gia này không thể chi trả các loại hàng hoá nhập khẩu cơ bản, khiến gạo, sữa bột, đường, bột mì và thuốc thiếu hụt. Tình trạng lạm phát khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Tình trạng mất điện kéo dài triền miên, mỗi sáng đều có hàng người rồng rắn xếp hàng trước các trạm xăng dầu.
Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry đang ở Washington để đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế về một gói cứu trợ. Ông cảnh báo tình hình kinh tế của Sri Lanka sẽ càng xấu đi.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò