Phía Trung Quốc khẳng định “không nghe nói gì về yêu cầu hỗ trợ của Nga”.
Lời cầu viện Trung Quốc
Ngày 13/3, tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng “Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự và hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine” sau khi Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu chiến dịch đặc biệt vào ngày 24/2 vừa qua.
Theo một quan chức, Nga cũng đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ kinh tế bổ sung, để giúp chống lại nguy cơ nền kinh tế bị tàn phá do các lệnh trừng phạt quy mô lớn mà Mỹ và nhiều đồng minh áp đặt.
New York Times cho biết các quan chức Mỹ giữ bí mật về các phương tiện thu thập thông tin tình báo theo yêu cầu của Nga, từ chối mô tả thêm về loại vũ khí quân sự hoặc viện trợ mà Moscow đang đề nghị. Các quan chức Mỹ cũng từ chối thảo luận về bất kỳ phản ứng nào của Trung Quốc đối với các yêu cầu này.
Trong khi đó, trả lời đài CNN, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ khẳng định ông chưa bao giờ nghe nói về yêu cầu hỗ trợ của Nga.
“Tôi chưa bao giờ nghe nói về điều đó. Trung Quốc vô cùng quan ngại và tiếc nuối về tình hình Ukraine. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng tình hình xung đột sẽ lắng xuống và hòa bình sẽ sớm trở lại”, ông Lưu cho biết.
“Tình hình hiện tại ở Ukraine thực sự đáng lo ngại. Cần hết sức nỗ lực để hỗ trợ Nga và Ukraine tiến hành các cuộc đàm phán nhằm đạt được hòa bình dù tình hình có khó khăn”, ông Lưu nói thêm.
Dù vậy, đây không phải lần đầu tiên báo Mỹ đề cập tới việc Trung Quốc hỗ trợ Nga chống lại các lệnh trừng phạt.
Tuần trước, Nhà Trắng đã xác nhận rằng Trung Quốc “nhìn chung đang tuân thủ các lệnh trừng phạt”. New York Times cho biết các quan chức Mỹ đang theo dõi chặt chẽ Trung Quốc để xem liệu nước này có đáp ứng bất kỳ yêu cầu viện trợ nào từ Nga hay không.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, dự kiến sẽ gặp ông Dương Khiết Trì tại Rome vào ngày 14/3.
Ông Sullivan dự định cảnh báo ông Dương về bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai của Trung Quốc nhằm hỗ trợ Nga trong cuộc chiến này hoặc làm ảnh hưởng xấu tới Ukraine, Mỹ và các đối tác của họ.
“Chúng tôi đang trao đổi trực tiếp, riêng tư với Bắc Kinh rằng chắc chắn sẽ có hậu quả đối với các nỗ lực trốn lệnh trừng phạt quy mô lớn hoặc hỗ trợ Nga để lách qua chúng”, ông Sullivan nói trên CNN.
Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó tiếp diễn hay cho phép có một cánh cửa nào cho Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế từ bất kỳ quốc gia nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới”.
Ông Sullivan không đề cập chi tiết đến khả năng hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc.
Ông Lưu Bằng Vũ nói thêm: “Tình hình hiện tại ở Ukraine thực sự đáng lo ngại. Cần hết sức nỗ lực để hỗ trợ Nga và Ukraine tiến hành các cuộc đàm phán nhằm đạt được hòa bình dù tình hình có khó khăn hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Mỹ giám sát Trung Quốc
Chính quyền ông Biden đang gửi đi những tín hiệu cho Trung Quốc về những hậu quả của việc “liên kết với Nga” và các hình phạt mà nước này sẽ phải chịu nếu tiếp tục hoặc tăng cường hỗ trợ cho Moscow.
Cố vấn Nhà Trắng Sullivan nói rằng Trung Quốc “đã biết trước chiến dịch sẽ diễn ra hoặc ít nhất ông Vladimir Putin đang lên kế hoạch gì đó”, nhưng nói thêm rằng Trung Quốc có thể không biết toàn bộ kế hoạch của nhà lãnh đạo Nga.
Ông Tập đã gặp ông Putin 38 lần với tư cách là các nhà lãnh đạo quốc gia, nhiều hơn bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác và cả hai quốc gia này đều có mối quan hệ không tốt đẹp với Mỹ trong những năm gần đây.
Các quan chức hiện tại và cựu quan chức Mỹ nói rằng cuộc họp ở Rome là quan trọng, xét đến vấn đề tại cuộc chiến Ukraine và khả năng Nga và Trung Quốc trở thành liên minh chống lại Mỹ và các đồng minh trong những năm tới.
Evan Medeiros, giáo sư Đại học Georgetown, từng là giám đốc cấp cao về châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền ông Obama, cho biết: “Cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng và có thể là thời điểm quyết định trong mối quan hệ chính trị”.
Hôm 4/2, Trung Quốc và Nga đã đưa ra tuyên bố chung dài 5.000 từ nói rằng quan hệ đối tác của hai bên là “không có giới hạn” khi ông Putin gặp ông Tập trước lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò