Sau thời gian đứng nhìn Ukraine lâm trận, ngày 26/2, Thủ tướng Đức cho biết nước này sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho Ukraine.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng hết mình để giúp Ukraine phòng thủ trước đội quân của Nga”, AFP dẫn lời Thủ tướng Olaf Scholz khi chính phủ nước này phê duyệt việc chuyển giao lô vũ khí sát thương lớn cho Ukraine.
Ông cho biết thêm cuộc tấn công của Nga đánh dấu một “bước ngoặt trong lịch sử”, “đe dọa toàn bộ trật tự thời hậu chiến”.
Berlin đã thay đổi chính sách từ cấm xuất khẩu vũ khí sang các khu vực xung đột, và cam kết chuyển 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger cho Ukraine.
Nước này cũng đã thông qua việc chuyển giao 400 bệ phóng tên lửa chống tăng qua Hà Lan cho Ukraine vào hôm 26/2.
Các bệ phóng tên lửa chống tăng đã được Hà Lan mua từ Berlin, do đó, chính quyền Hague đã yêu cầu Đức bật đèn xanh để giao chúng cho Kyiv.
Tương tự, yêu cầu từ Estonia về việc chuyển 8 xe lựu pháo cũ sang Ukraine đã được chấp thuận.
Bên cạnh vũ khí, 14 xe bọc thép sẽ được bàn giao cho Ukraine, và “sẽ phục vụ cho việc bảo vệ nhân viên, có thể cho mục đích sơ tán”, một nguồn tin chính phủ cho biết.
Ngoài ra, 10.000 tấn nhiên liệu cũng sẽ được gửi qua Ba Lan tới Ukraine. Nguồn tin cho biết thêm rằng “các dịch vụ hỗ trợ có thể có khác đang được xem xét”.
Đức cũng tăng cường đáng kể sự ủng hộ với Ukraine trong trận chiến chống lại Nga thông qua việc đồng ý hạn chế quyền tiếp cận của Moscow vào hệ thống liên ngân hàng SWIFT.
Theo người phát ngôn chính phủ Đức, biện pháp trừng phạt mới, với sự nhất trí của Mỹ, Pháp,. Canada, Italy, Anh và Ủy ban châu Âu, cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rúp của ngân hàng trung ương Nga. Bên cạnh đó, những cá nhân và thể chế tại Nga và các nước khác ủng hộ Moskva trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.
Người phát ngôn chính phủ Đức khẳng định các nước phương Tây đã nhấn mạnh sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không dừng hành động quân sự ở Ukraine để từ đó vãn hồi trật tự hòa bình châu Âu.
Theo đài RT, các nước phương Tây loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Đây là một hệ thống trao đổi thông tin tài chính an toàn giúp thực hiện nhanh chóng các giao dịch xuyên biên giới. Mỗi ngày, hệ thống này chuyển hàng tỉ USD giữa hơn 11.000 ngân hàng và các tổ chức tài chính trên thế giới Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ bị ngăn triển khai dự trữ quốc tế nhằm làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này sẽ chuyển thêm nhiên liệu và thiết bị quân sự cho Ukraine trong lúc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại đây. Pháp chưa công bố chi tiết loại thiết bị quân sự sẽ được chuyển cho Ukraine.
Tổng thống Macron cũng cho biết sẽ đưa ra “các biện pháp quốc gia đóng băng tài sản tài chính của Nga”, cùng “các biện pháp mới được thực hiện với các đối tác châu Âu liên quan đến hệ thống liên ngân hàng SWIFT”.
Các nước phương Tây cũng đã từng xem xét lựa chọn loại Nga khỏi SWIFT vào năm 2014, khi Nga tấn công và sáp nhập Crimea của Ukraine vào nước này. Khi đó, Nga tuyên bố rằng việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ tương đương với một lời tuyên chiến.
Phạm Hùng
Theo: Cánh cò