Tổng thống Ukraine thốt lên cay đắng khi bị phương Tây bỏ rơi. Thế nhưng NATO và châu Âu có lý do để lo ngại khi đứng lên hành động phản ứng với Nga lúc này.
Ukraine bị bỏ rơi?
Trong lúc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhà lãnh đạo nước này thừa nhận rằng đất nước ông đang bị các đối tác phương Tây bỏ rơi.
“Ai sẵn sàng đảm bảo Ukraine trở thành thành viên NATO? Thành thật mà nói, ai cũng sợ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video sáng nay.
“Tôi biết ơn từng quốc gia đã giúp chúng ta một cách cụ thể, không chỉ bằng lời nói. Nhưngchúng ta đã bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ai sẵn sàng chiến đấu cùng chúng ta? Thành thật mà nói, tôi chẳng thấy ai”.
“Hôm nay, tôi đã trực tiếp hỏi 27 lãnh đạo châu Âu liệu Ukraine có được gia nhập NATO hay không. Mọi người lo sợ, không trả lời. Nhưng chúng ta không sợ, chúng ta không sợ bất cứ điều gì”, lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh.
Đến lúc này, phản ứng trái ngược của Mỹ và NATO với những cam kết sát cánh cùng Ukraine trong trường hợp Nga hành động đã gây ra những ý kiến trái chiều.
Người chỉ trích phương Tây đã thất hứa, trong khi có lời giải thích cho rằng chuyện đơn giản chỉ là Kiev không phải thành viên liên minh, mọi sự hỗ trợ sẽ chỉ ở mức hạn chế. Không những vậy, mỗi thành viên trong NATO đang có những lo ngại khác nhau khi nhìn thấy Nga phô trương sức mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, một chiến tuyến mới của cuộc xung đột đang hình thành ở châu Âu, với mức độ rủi ro được nâng cao, đặt ra câu hỏi về việc liệu NATO sẽ, hoặc thậm chí có thể ứng phó hiệu quả hay không.
Sau khi tiến hành chiến dịch ở Ukraine và triển khai quân đội ở Belarus, Nga đã bất ngờ mở rộng sức mạnh quân sự của mình tới biên giới của một số quốc gia NATO, bao gồm cả các quốc gia Baltic.
Nếu Nga thành công trong việc kiểm soát tình hình ở Ukraine và duy trì các căn cứ ở Belarus, như nhiều chuyên gia dự đoán lực lượng nước này sẽ kéo dài từ biên giới Baltic và Ba Lan tới Slovakia, Hungary và phía bắc Romania, khiến NATO khó bảo vệ sườn phía đông của mình.
Chỉ có một hành lang mỏng dài khoảng 60 dặm giữa Lithuania và Ba Lan là thứ ngăn cách lực lượng Nga ở Belarus khỏi Kaliningrad, lãnh thổ của Nga trên Biển Baltic, nơi được trang bị tên lửa dễ dàng có khả năng phóng tên lửa đầu đạn hạt nhân vào trung tâm châu Âu.
“Mức độ rủi ro đối với NATO đột ngột tăng lên rất nhiều. Khả năng xảy ra xung đột với các lực lượng Nga ở châu Âu hoặc những nơi khác, như Biển Đen, Sahel, Libya hoặc Syria, có thể nguy hiểm và sẽ là một vấn đề trong nhiều năm tới”, Ian Lesser, người đứng đầu văn phòng Brussels của Quỹ Marshall Đức, cho biết.
“Điều này thay đổi mọi thứ đối với NATO”, Ian Bond, người đứng đầu chính sách đối ngoại tại Trung tâm Cải cách Châu Âu, nhận định.
Ai dám đưa quân?
NATO đã đáp trả một cách nhỏ giọt trước sự tăng cường của Nga, gửi thêm một số binh sĩ và máy bay đến các quốc gia thành viên gần Nga nhất.
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết: “Các hành động của Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực châu Âu – Đại Tây Dương và sẽ gây ra những hậu quả địa chiến lược”.
“Chúng tôi đang triển khai thêm lực lượng phòng thủ trên bộ và trên không tới phần phía đông của liên minh, cũng như các công cụ hàng hải bổ sung”.
Nhưng nỗ lực nghiêm túc để ngăn chặn một nước Nga chiến ý lên cao sẽ không đơn giản như vậy, Benjamin Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, hiện làm việc tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết.
Việc di chuyển quân và thiết bị ở châu Âu ngày nay đã trở nên cồng kềnh hơn rất nhiều, với một số cây cầu và đường sắt không còn đủ khả năng vận chuyển thiết giáp hạng nặng.
NATO cũng thiếu các hệ thống phòng thủ tên lửa và đường không đáng kể cho một cuộc chiến trên không hiện đại, như ở Ukraine, khi chiến dịch bắt đầu bằng việc đánh vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, đường bộ và đường sắt,.
Giờ đây, mối quan tâm là Hành lang Suwalki, một dải đất hẹp nối Ba Lan với Lithuania, nếu bị chiếm đoạt, sẽ chia cắt ba quốc gia Baltic với phần còn lại của NATO.
“Mối đe dọa hiện nay đối với Ba Lan trở nên nghiêm trọng hơn, và khuyến nghị Mỹ nhanh chóng điều hai tiểu đoàn hạng nặng ở Ba Lan. Việc triển khai ở ba quốc gia Baltic cũng cần được tăng cường”, Bond nói.
Các nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine bằng đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ có thể bị quân đội Nga ngăn chặn hoặc cản trở, ngay cả khi các lô hàng được giao bởi các nhà thầu chứ không phải binh sĩ NATO.
Và quốc gia nào sẽ dám hỗ trợ một cuộc tấn công khi biết rằng quân đội Nga đang ở bên kia biên giới?
Nhìn chung, không thể loại trừ khả năng xảy ra các cuộc đối đầu tình cờ dẫn đến leo thang trong bầu không khí căng thẳng như vậy.
Các nhà phân tích mô tả sự việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015. “Lúc đó không leo thang, nhưng ngày nay thì rất có thể”, Lesser kết luận.
Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25/2 cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với Kyiv nếu quân đội Ukraine đầu hàng, trong bối cảnh lực lượng Nga tấn công thủ đô nước láng giềng.
“Chúng tôi sẵn sàng thương lượng vào bất cứ lúc nào, miễn là lực lượng vũ trang Ukraine lắng nghe lời kêu gọi của chúng tôi và hạ vũ khí xuống”, ông Lavrov nói trong một buổi họp báo ở Moscow.
Trong cuộc điện đàm hôm nay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích phương Tây, đồng thời cho biết Nga “sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với Ukraine”.
“Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lâu nay phớt lờ những lo ngại an ninh hợp lý của Nga, liên tục không giữ các cam kết và tiếp tục đẩy mạnh triển khai quân sự về phía đông, thách thức ranh giới cuối cùng trong lợi ích chiến lược của Nga”, ông Putin nói trong cuộc điện đàm, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Theo RIA, Ukraine đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Nga về tình trạng trung lập, nhưng phải nhận được sự đảm bảo an ninh. Một cố vấn cho người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine xác nhận thông tin này.
Tùng Anh
Theo: Cánh cò