Friday, November 22, 2024

Hiểm họa từ “chiến tranh” Nga – Ukraine

Trang CNN cho biết, giá dầu và khí đốt có thể tiếp tục tăng khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine leo thang nhưng năng lượng không phải là lĩnh vực duy nhất bị tác động. Kinh tế, lương thực.. gần như cũng chịu gián đoạn mạnh mẽ.

Căng thẳng Ukraine cho thấy châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng từ Nga, quốc gia cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt tự nhiên cho lục địa già.

Lo ngại đang gia tăng về những gì sẽ xảy ra với nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu nếu Nga tấn công Ukraine và sau đó cắt nguồn xuất khẩu khí đốt tự nhiên để trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Mối nguy càng lớn khi kho dự trữ của châu Âu đã ở mức thấp. Mặc dù Mỹ đã cam kết hỗ trợ bằng cách thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng Washington không đủ sức thay thế Nga.

Tất cả đang khiến châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, với lượng khí đốt đang bị cạn kiệt bởi một mùa đông lạnh giá vào năm 2021.

Thực tế là giá cả tăng chóng mặt, đẩy các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh vào cảnh khốn khổ.

Hơn nữa, các tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới có nguy cơ gián đoạn hoạt động kinh doanh một khi phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt “chưa từng có” nhằm vào Moscow.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng như lúa mì, lúa mạch, đồng đến niken có thể bị gián đoạn khi cuộc khủng hoảng diễn ra theo chiều hướng tồi tệ hơn bởi Nga và Ukraine là những nhà cung cấp kim loại và hàng hóa lớn.

Châu Âu phụ thuộc phần lớn vào lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen được sản xuất từ Ukraine. Ông Alan Holland, Giám đốc điều hành Công ty Keelvar (Ireland), nhận định trên thực tế, không chỉ Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng nếu căng thẳng leo thang, gián đoạn nguồn cung có thể tác động đến an ninh lương thực ở nhiều quốc gia Trung Đông và châu Phi, nơi nhập khẩu phần lớn lúa mì và ngô của Ukraine.

Ông Holland cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung khí đốt cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng như phân bón và điều đó gây tiêu cực cho nông nghiệp hơn nữa.

Thị trường toàn cầu trong tuần này đã hỗn loạn do ảnh hưởng từ diễn biến căng thẳng ở châu Âu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đưa quân vào 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine.

Chứng khoán châu Âu hôm 23/2 tăng điểm trở lại, với chỉ số Stoxx 600 đã tăng 1,1% trong đầu phiên giao dịch. Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương cũng phục hồi hôm 23-2 trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo CNN, kết thúc phiên giao dịch tại thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ số Shanghai composite (Thượng Hải) tăng 0,93% trong khi Shenzhen component (Thâm Quyến) tăng 1,902%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,47% trong khi chỉ số S&P/ASX 200 tại Úc kết thúc phiên giao dịch hôm 23-2 tăng 0,62%.

Tại thị trường châu Á, giá dầu Brent giảm còn 96,65 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ có lúc giảm còn 91,72 USD/thùng. Giá vàng tiếp tục được giao dịch ở mức cao trong 9 tháng qua, hôm 23-2 duy trì quanh mốc 1.900 USD/ounce.

Ông Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty môi giới Pepperstone, nhận định: “Thị trường nhận thấy các biện pháp trừng phạt hạn chế và có lẽ không mạnh mẽ như lo ngại”.

Trong khi đó, ông Alex Holmes, nhà kinh tế học về thị trường mới nổi tại Công ty Capital Economics ở Singapore, nói rằng hầu hết nền kinh tế châu Á có quan hệ thương mại và tài chính tương đối hạn chế với Nga cũng như Ukraine.

Theo chuyên gia này, cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang đáng kể mới có thể gây tác động ở cấp vĩ mô và trong trường hợp xấu nhất, giá dầu có thể tăng lên 120 – 140 USD/thùng.

Ông Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại Công ty quản lý đầu tư AMP Capital ở Úc, cho hay nhìn chung, các nhà đầu tư đang lo lắng về một cú sốc đình lạm (hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao) đối với châu Âu và ở quy mô nhỏ hơn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tại Mỹ lần lượt giảm 1,42%, 1,01% và 1,23%. Các nhà phân tích cho rằng triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong tháng 3 có thể trở nên kém rõ ràng hơn nếu Nga vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng. Khả năng này có thể xảy ra do căng thẳng Ukraine đã làm tăng giá dầu và khí đốt, mặt hàng chủ yếu của nhiều người Mỹ và chi tiêu cho tiêu dùng đóng góp đến 70% kinh tế Mỹ.

Giá dầu và nhiều loại hàng hóa khác đã không ngừng tăng bởi những lo ngại về việc Nga điều quân vào Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước đồng minh có thể khiến cho nguồn cung dầu bị hạn chế.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Moody’s Analytics, nhận xét: “Lạm phát Mỹ hiện ở mức 7,5%, giá các sản phẩm năng lượng tăng cao sẽ khiến mọi chuyện tệ hơn thế. Quan điểm của tôi là nó thực sự làm khó những nỗ lực kiềm chế lạm phát và tạo việc làm của FED”.

Các chuyên gia ước tính kịch bản giá dầu tăng vọt lên 150 USD/thùng ít có khả năng xảy ra nhưng phía trước vẫn là “một viễn cảnh đen tối”.

Bảo Trâm (Theo CNN)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG