Phát biểu trong chương trình diễn thuyết trên truyền hình mang tên Richard Dimbleby, giáo sư Gilbert (Viện Jenner thuộc Đại học Oxford) bình luận: “Đây sẽ không phải là lần cuối cùng virus đe dọa mạng sống và sinh kế của chúng ta. Sự thật là một đại dịch sắp tới có thể nghiêm trọng hơn. Nó có thể dễ lây nhiễm hơn hoặc dễ gây chết người hơn, hoặc cả hai“.
Giáo sư Gilbert kêu gọi không được để mất đi những tiến bộ khoa học đạt được đến nay trong hoạt động nghiên cứu phòng ngừa các virus gây chết người, cũng như những kiến thức đạt được về vấn đề này.
Bà nhắn nhủ: “Chúng ta không thể cho phép xảy ra tình hình mà chúng ta từng trải qua và sau đó nhận ra rằng những thiệt hại kinh tế to lớn (do tác động của đại dịch Covid-19) mà chúng ta gánh chịu đồng nghĩa là vẫn không có kinh phí để ứng phó với đại dịch”.
Nhận định về biến thể Omicron, giáo sư Gilbert cho biết sự gia tăng protein của biến thể Omicron có chứa đột biến này đã được cho là làm tăng khả năng lây lan của virus. Những biến đổi này có nghĩa là kháng thể được tạo ra nhờ tiêm vắc xin hoặc do nhiễm các biến thể khác sẽ mang lại ít hiệu quả hơn trong phòng chống biến thể Omicron.
Giáo sư Gilbert nhấn mạnh các nước cần nâng cao cảnh giác và áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron cho đến khi có kết quả nghiên cứu sâu hơn về biến thể mới này.
Bà Sarah Gilbert là nhà khoa học có đóng góp rất lớn vào việc ổn định sự khan hiếm vaccine và cứu mạng hàng trăm triệu người trong đại dịch Covid-19. Ít ai biết rằng, mỗi liều vaccine Covid-19 do Oxford/AstraZeneca phát triển hiện chỉ có giá khoảng 3 USD là nhờ vào bà Sarah Gilbert.
Bà Gilbert sinh vào tháng 4.1962 tại hạt Northamptonshire của nước Anh.Bà Gilbert lấy bằng cử nhân ngành sinh học tại Đại học East Anglia rồi tiếp tục học tiến sĩ hóa sinh chuyên ngành di truyền học tại Đại học Hull. Lúc đó, bà nhận ra rằng mình không thích chuyên ngành đã chọn và có ý định từ bỏ. May mắn thay cho thế giới, bà Gilbert đã không làm vậy và vẫn tiếp tục con đường nghiên cứu của mình. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, bà làm việc tại trung tâm nghiên cứu bia và tập trung vào cách kiểm soát men bia rồi mới chuyển sang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người.
Bà Gilbert chưa từng có ý định trở thành một chuyên gia về vaccine. Tuy vậy, vào giữa những năm 1990, bà nghiên cứu về bệnh sốt rét tại Đại học Oxford. Cơ duyên này đã dẫn đến việc bà Gilbert bắt đầu nghiên cứu vắc xin sốt rét với giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner.
Năm 2014, bà dẫn dắt cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên ngừa Ebola. Và khi dịch MERS-CoV (hội chứng hô hấp Trung Đông) bùng phát, bà Gilbert đến Ả Rập Xê Út để phát triển một loại vaccine cho loại virus corona này.
Tuy nhiên, vaccine MERS chỉ mới thử nghiệm lần thứ hai thì đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 ở Trung Quốc. Bà Gilbert nhanh chóng nhận ra rằng mình có thể tạo ra vaccine Covid-19 tương tự cách đã làm với MERS.
“Chúng tôi đã hành động nhanh chóng”, Giáo sư Teresa Lambe, đồng nghiệp của bà Gilbert tại Oxford, cho biết. Chỉ trong một tuần sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của loại virus mới, nhóm của bà Gilbert đã thiết kế xong vaccine Covid-19.
Tình hình khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới khiến bà Gilbert phải tăng giờ làm việc. Giáo sư Lambe cho biết bà Gilbert làm việc từ sáng sớm đến tận tối muộn. Đôi khi, bà Lambe nhận được email bà Gilbert gửi lúc 4 giờ sáng.
Thử nghiệm đạt kết quả tốt, bà Gilbert và nhóm của mình đứng trước cơ hội kiếm hàng triệu USD. Tuy vậy, bà Gilbert và nhóm nghiên cứu tại Oxford chọn từ bỏ bằng sáng chế vaccine để có thể cứu sống hàng chục triệu người trên thế giới.
Nhờ vậy mà, khác với các loại vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer và Moderna sản xuất đang được bán với giá gần 20 USD/liều, các nước có thể mua vaccine của Oxford/ AstraZeneca với giá chưa đến 3 USD/liều. Công ty AstraZeneca cũng hứa sẽ không thu lợi khi đại dịch đang diễn ra, giúp các nước đang phát triển và nước nghèo có thể tiếp cận vaccine.
Hạnh Nhân
Theo: Cánh cò