Saturday, November 23, 2024

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung: Cái bắt tay có thể cứu tất cả

Ở thời điểm mà cả thế giới đang lao đao vì Covid-19, cuộc gặp gỡ trực tuyến giữa 2 nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ – Trung mở ra hy vọng mới cho sự vực dậy của những nền kinh tế lớn nhất vốn đang vô cùng trì trệ, không có động lực phát triển.

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung diễn ra trong bầu không khí thân thiện.

Khi những “người bạn cũ” chào nhau

Đương kim Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã có nhiều cuộc gặp gỡ trong quá khứ khi còn ở trên những cương vị khác nhau. Mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới hiện nay, vì thế, có thể được đánh giá là gần gũi. Ngay khi ông Joe Biden thắng cử, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng và tỏ rõ mong muốn sớm được gặp ông Biden trên cương vị mới. Ông Biden từ lâu chuẩn bị cho cuộc này trong một nỗ lực mà ông gọi là “cài đặt lại” mối quan hệ với Trung Quốc. Giới quan sát quốc tế, do đó, cũng rất chờ đợi cuộc gặp chính thức giữa hai bên.

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đã trở thành hai đối thủ xứng tầm của nhau trên bàn cờ quốc tế. Từ lâu, quan hệ Mỹ – Trung đã trở thành ưu tiên quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của cả Washington lẫn Bắc Kinh. Những căng thẳng trong giai đoạn trước đó, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt với Trung Quốc đã làm tổn hại quan hệ song phương cũng như những mối quan hệ hợp tác quốc tế khác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Vì thế, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo này được cho là sẽ đem đến một cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, khi mà quãng thời gian ngồi ở vị trí lãnh đạo của cả hai vị nguyên thủ đều còn rất dài. Một cuộc gặp mà tầm ảnh hưởng của nó phủ bóng lên mọi sự kiện quốc tế khác ở cùng thời điểm.

Sau rất nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp khác nhau giữa hai nước suốt 10 tháng trước đó để hoạch định lộ trình cho cuộc gặp thượng đỉnh này, sáng 16-11-2021 (giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung đã chính thức diễn ra, với sự tham dự của một loạt nhân vật quan trọng bậc nhất trong chính quyền của hai bên. Phái đoàn Mỹ gồm Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Phía Trung Quốc tham gia hội đàm trực tuyến có Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong và Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đinh Tiết Tường.

Cuộc hội đàm giữa những nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đã diễn ra trong khoảng hơn 3 giờ đồng hồ, khoảng thời gian không hề ngắn đối với một cuộc gặp song phương. Điều đó cho thấy, đã có rất nhiều những vấn đề được đưa ra bàn thảo, bao gồm không ít những vấn đề khúc mắc cần được tháo gỡ giữa hai nước. Qua những thông báo đầu tiên của Bộ Ngoại giao hai nước, chúng ta có thể có những hình dung cơ bản về cuộc gặp có tính chất quan trọng này.

Sự niềm nở và thân mật giữa hai nhà lãnh đạo có thể coi là một tín hiệu đáng mừng đầu tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ động gọi ông Joe Biden là “người bạn cũ” để gợi nhớ những cuộc gặp trong quá khứ của hai người. Sự thân thiện này đã giúp “phá băng” mối quan hệ đầy trắc trở giữa hai bên trong 4 năm trước đó.

Những lời lẽ sau đó giữa hai nhà lãnh đạo được thuật lại cũng khá hòa nhã. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Washington hành động để tránh một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. Theo đó, ông Tập cho rằng có đủ cơ hội để cả hai nước hợp tác cùng phát triển và không nên vướng vào những trò chơi “có tổng bằng 0”. Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh trách nhiệm của hai nhà lãnh đạo là “phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nước không dẫn tới xung đột”, theo đó “hai nước sẽ cạnh tranh một cách thẳng thắn”.

Trong hơn 3 giờ đồng hồ, lãnh đạo hai nước đã bàn thảo nhiều vấn đề từ kinh tế, chính trị, môi trường cho đến những điểm nóng trên thế giới cũng như những “khúc mắc” giữa hai bên. Sẽ chưa thể có ngay giải pháp cho các vấn đề nhưng rõ ràng, khi mà cả hai nhà lãnh đạo đều đã muốn “cài đặt lại” mối quan hệ song phương thì chỉ điều đó đã là một bước tiến đáng chờ đợi.

Điều này hoàn toàn khác biệt với những “khó khăn” thường thấy trong các hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung gần đây. Từ cuộc gặp trực tuyến này, cả Tổng thống Joe Biden lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình đều khẳng định mong muốn sẽ sớm gặp lại nhau trực tiếp.

Thắt lại những mối liên hệ kinh tế

Trong rất nhiều vấn đề khúc mắc giữa hai bên lúc này, có lẽ, vấn đề cấp thiết nhưng lại dễ tìm ra lời giải nhất là ở lĩnh vực kinh tế. Với chính sách “kiềm chế Trung Quốc” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã áp đặt hàng hàng loạt lệnh cấm cùng các mức thuế lên doanh nghiệp và hàng hóa Trung Quốc. Những quyết định này đã làm ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của cả hai nước, cũng như tác động mạnh tới kinh tế thế giới.

Một cái bắt tay kinh tế lúc này có thể giúp cả hai nước rất nhiều để vượt qua khủng hoảng.

Đại dịch COVID kéo dài tới năm thứ hai làm cho hệ thống thương mại toàn cầu nhận thêm những cú sốc mới. Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện tại, cả hai quốc gia trở thành những nạn nhân hàng đầu của cuộc khủng hoảng này.

Về phía Mỹ, nền kinh tế sau khi lao dốc thì lúc này lại đang đứng trước nguy cơ mất động lực phục hồi. Không chỉ đối đầu với nguy cơ lạm phát, các doanh nghiệp Mỹ đang lao đao khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khiến hàng hóa, nguyên liệu sản xuất thiếu thốn. Những khoản thuế khổng lồ mà Chính phủ Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc lại cũng chính là một trở lực với họ. Bỏi vậy, ngay từ trước khi bắt đầu hội nghị, phía Mỹ đã đánh tiếng về việc sẽ loại bỏ thuế quan trừng phạt đối với một số hàng hóa Trung Quốc. Đây có thể coi là tín hiệu nhượng bộ để tạo không khí tích cực cho cuộc hội đàm đồng thời cũng là cách để tân chính quyền Mỹ cởi dây trói cho mình. Bởi khi kinh tế bị đình trệ, sức ép chính trị lên chính quyền cũng sẽ gia tăng.

Ở chiều ngược lại, kinh tế Trung Quốc vừa có quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dưới mức dự báo. Chỉ số PMI (chỉ số đại diện cho ngành sản xuất) tháng 10-2021 giảm xuống còn 49,2 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 2005. Cùng với đó là cuộc khủng hoảng bất động sản và năng lượng như hai lưỡi dao kề cổ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Các nhà sản xuất Trung Quốc rõ ràng cảm thấy “nhớ” thị trường Mỹ, trong khi đó Chính phủ Trung Quốc cũng chưa quên rằng trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ vào năm 2017, Mỹ từng là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của mình. Họ có thể sẽ lại một lần nữa cần nguồn năng lượng đó từ bạn hàng cũ.

Từ góc độ chiến lược, những nhà lãnh đạo hai nước đều hiểu rõ hai nền kinh tế đã trở nên phụ thuộc vào nhau lớn đến như thế nào. Không phải ngẫu nhiên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đều nằm trong số các thành viên tham dự cuộc họp thượng đỉnh này. Đây là hai nhân vật quan trọng trong điều hành kinh tế của hai chính quyền. Những nỗ lực hợp tác ở tầm vĩ mô sẽ là vô cùng cần thiết.

Sự kết nối giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào lúc này cũng vậy. Giá cả ổn định của hàng hóa Trung Quốc sẽ là giải pháp cho những nền kinh tế đứng trước nguy cơ lạm phát rất cao ở Mỹ và châu Âu hiện nay. Và, nếu những rào cản thương mại Mỹ – Trung được dỡ bỏ, dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ có cơ hội được khơi thông trở lại.

Đó sẽ là tin mừng đối với nền kinh tế toàn cầu giữa thời điểm khó khăn này. Một cái bắt tay sẽ cứu được tất cả, ít nhất người ta có thể hy vọng như vậy.

Minh Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG