Saturday, November 23, 2024

Đưa TP HCM trở lại cuộc sống ‘bình thường mới’ sau 15 ngày

Việc thực hiện Chỉ thị 16 “đang đi đúng hướng”, sau 15 ngày phải đưa TP HCM cơ bản trở lại cuộc sống bình thường mới, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Sáng 11/7, phát biểu tại cuộc giao ban với lãnh đạo TP HCM về phòng chống dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội và những giải pháp lớn khác, cho thấy thành phố đã đi đúng hướng. “Ưu tiên lúc này là phải giữ đúng khoảng cách trong tất cả các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, tổ chức tiêm vaccine, sản xuất kinh doanh, chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021…”, ông nói.

Phó thủ tướng nhắc lại mục tiêu quan trọng nhất là sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, TP HCM phải xác lập được những quận/huyện, phường/xã, những khu vực an toàn vững chắc, đẩy lùi dần “giặc Covid-19” vào những khu vực nhỏ, để phần lớn địa bàn cơ bản quay lại cuộc sống bình thường mới.

Hoan nghênh các cơ quan đã tổ chức tốt hoạt động lưu thông, phân phối hàng hoá những ngày qua, Phó thủ tướng nói kể cả những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ, thành phố cũng phải tiếp tục lưu ý như hướng dẫn người dân khi mua hàng làm sao để tránh lây nhiễm nếu thanh toán bằng tiền mặt.

“Đặc biệt chăm lo đời sống người dân, nhất là người nghèo, người cơ nhỡ, không để ai thiếu bữa”, ông nhấn mạnh.

Đưa TP HCM trở lại cuộc sống ‘bình thường mới’ sau 15 ngày
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi về biện pháp chống dịch với lãnh đạo TP HCM, sáng 11/7. Ảnh: Đình Nam

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM khẩn trương đánh giá lại công tác theo dõi sức khỏe, điều trị F0 không có triệu chứng để có sự điều chỉnh phù hợp; tiếp tục triển khai cách ly F1 tại nhà bảo đảm an toàn.

Ông cho biết đã nhận được nhiều phản ánh của người dân mong muốn được thăm hỏi y tế, hướng dẫn kịp thời (có thể qua điện thoại) đối với những trường hợp F1 cách ly tại nhà, những trường hợp F0 trong lúc chờ được đưa đi điều trị.

TP HCM cần bảo đảm vật tư, thiết bị y tế cho tất cả bệnh viện trên địa bàn, không chỉ máy móc hiện đại mà cả những thứ đơn giản, trong nước đã sản xuất được và có sẵn như đồ bảo hộ, bình oxy, máy hỗ trợ hô hấp đơn giản. “Không vì cơ chế tự chủ mà để các bệnh viện gặp khó khăn thủ tục mua sắm. Thành phố cần hỗ trợ để lực lượng y tế tập trung vào chuyên môn”, Phó thủ tướng nói.

Về vaccine, Phó thủ tướng cho biết Trung ương sẽ ưu tiên cho TP HCM, tuy nhiên thành phố phải lập kế hoạch tổ chức tiêm chi tiết. Các điểm tiêm thực hiện nghiêm quy định, đặc biệt là bảo đảm khoảng cách, không được tập trung đông người.

Ông nêu rõ tinh thần “hiệu quả là trên hết”. Những hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế nếu chưa phù hợp với thực tiễn thì thành phố mạnh dạn vừa làm, vừa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp báo cáo cấp trên để kịp thời tháo gỡ.

Đưa TP HCM trở lại cuộc sống ‘bình thường mới’ sau 15 ngày
UBND phường 9 (quận Phú Nhuận) lập chốt phụ nhằm kiểm soát chặt đi lại của người dân, ngày 10/7. Ảnh: Quỳnh Trần.

Về công tác xét nghiệm, Phó chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu nói các cơ quan chức năng đã đưa hoạt động này theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đi theo từng khu vực với các mức độ khác nhau như nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ…; đồng thời cân đối khả năng xét nghiệm, lấy mẫu của các trung tâm đảm bảo ăn khớp, trả kết quả sớm.

Thành phố tập trung chấn chỉnh từng khâu trong xét nghiệm, không chạy theo số lượng, các lực lượng khẩn trương lấy mẫu trường hợp F1 trong các khu phong tỏa và khu vực lân cận; tổ chức các đội lấy mẫu lưu động… Trong 24 giờ qua, thành phố đã lấy 29.053 mẫu, trong đó, làm xét nghiệm nhanh là 16.086 mẫu, 2.221 mẫu đơn và 4.385 mẫu gộp Realtime RT-PCR.

Những ngày tới, TP HCM tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nhưng làm đến đâu chắc đến đấy, xác định những khu vực trọng điểm, nguy cơ tập trung F0 cao để hướng dẫn rất kỹ cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện có kế hoạch xét nghiệm ở những nơi nguy cơ cao theo nguyên tắc “rõ, nghiêm, hiệu quả”; chuẩn bị 50.000 giường thu dung, điều trị Covid-19; yêu cầu các doanh nghiệp ở khu chế xuất, khu công nghệ trọng điểm cung cấp danh sách công nhân, người lao động (kể cả làm việc thời vụ) và có phương án xử lý khi phát hiện ca F0, F1; định kỳ xét nghiệm cho các trường hợp này.

Hiện lượng hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cơ bản đầy đủ, giá cả ổn định, một số địa điểm do hàng về chậm thành phố đã kịp thời tháo gỡ; hướng dẫn người dân mua hàng trực tuyến.

Thành phố cũng phân luồng riêng cho các phương tiện có giấy nhận diện “luồng xanh” ra vào địa bàn. Tình hình ùn tắc giao thông tại các chốt cửa ngõ đã giảm mạnh. Lưu thông hàng hoá thuận lợi.

Về chăm lo cho người lao động không có hợp đồng, lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM nói đến nay đã hỗ trợ 45.000 người với kinh phí 10 tỷ đồng; ước tính tổng kinh phí cho công tác này lên tới gần 900 tỷ đồng.

Về các khu cách ly tập trung, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu khắc phục ngay những bất cập, bất hợp lý, đảm bảo các yêu cầu cần thiết cho người dân, đặc biệt liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe, bữa ăn hàng ngày…

Để đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, TP HCM đã thành lập Trung tâm mua sắm thiết bị phục vụ cho chiến dịch gồm 2 nguồn, từ xã hội hóa và ngân sách nhà nước. Bí thư Nên nói UBND thành phố đẩy nhanh hơn nữa để trung tâm mua sắm, đủ tư cách pháp nhân và thẩm quyền.

Trưa nay 11/7, Bộ Y tế ghi nhận thêm 600 ca nhiễm Covid-19 tại TP HCM, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 12.658, cao nhất cả nước trong đợt dịch thứ tư.

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã lan ra hầu khắp cả nước. Các chiến sĩ áo trắng đang căng mình chống dịch trong mùa hè oi bức. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình “Tiếp sức cho tâm dịch”. Xem chi tiết tại đây.

Viết Tuân

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG