Thành công chống dịch trong năm 2020 đã khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á chủ quan, nên gục ngã trước làn sóng ca mắc Covid-19 tăng mạnh lúc này.
Các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương như thể đang sống trong câu chuyện có chung một kịch bản. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, nhiều nước châu Á được coi là hình mẫu chống dịch, thành công nhờ kỷ luật thép cùng ý chí chính trị sắt đá.
Châu Á đã kiểm soát dịch bệnh thành công nhờ những biện pháp nhanh chóng, hiệu quả, dù có nguồn lực khiêm tốn hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây.
Nhưng tình hình một năm sau đó hoàn toàn khác, Nikkei Asia nhận định.
Lạc quan quá sớm
Có ba yếu tố dẫn tới làn sóng dịch bệnh thứ hai chết chóc ở Ấn Độ, theo ông Rajinder K. Dhamija, trưởng khoa thần kinh Đại học Y tế Lady Hardinge ở New Delhi.
“Virus đột biến, một biến chủng mới xuất hiện. Hành vi của người dân thay đổi, họ bắt đầu tới những địa điểm đông đúc, không chấp hành quy định phòng dịch. Các chính trị gia cũng thay đổi thái độ, họ tin rằng đại dịch đã qua, cho phép tổ chức các sự kiện tôn giáo và vận động chính trị”, ông Dhamija nói.
Hàng loạt hoạt động tập trung đông người được tổ chức ở Ấn Độ trong tháng 3 và 4. Đó là lễ hội Kumbh Mela, nơi hàng triệu tín đồ tụ tập bên bờ sông Hằng. Đó là các cuộc vận động cử tri với hàng nghìn người tham dự.
Và rồi biến chủng Delta xuất hiện. Loại biến chủng siêu lây nhiễm lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ hiện đã lan ra 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ấn Độ bị nhấn chìm trong làn sóng dịch bệnh chết chóc cuối tháng 4 và suốt tháng 5. Hỗn loạn bao trùm, các bệnh viện quá tải, người dân tuyệt vọng tìm kiếm nguồn dưỡng khí. Các lò hỏa thiêu cháy đỏ rực suốt ngày đêm.
Các chính trị gia Ấn Độ đã khiến đất nước trả giá cho sự lạc quan sai lầm của họ.
Trong khi các ca bệnh có dấu hiệu tăng nhanh cuối tháng 3, đảng Bharatiya Janata cầm quyền vẫn tiếp tục tổ chức hàng loạt chiến dịch vận động tranh cử.
Không giống như trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, khi làn sóng thứ hai ập đến, có một khoảng thời gian các lãnh đạo Ấn Độ “hoàn toàn im lặng”, dù khi đó hệ thống y tế đã bên bờ vực sụp đổ.
Thái Lan và dấu hỏi tiêm chủng
Thái Lan từng là một câu chuyện thành công về Covid-19 năm 2020, khi mạnh tay kiểm soát chặt biên giới và cách ly các ổ dịch. Đã có nhiều tháng Thái Lan không ghi nhận bất cứ ca lây nhiễm cộng đồng nào.
Nhưng cái giá đi kèm thành công chống dịch là nền kinh tế suy thoái 6,1%, và Thái Lan đã không thể tiếp tục kiên nhẫn.
Làn sóng dịch bệnh thứ ba bùng phát ở Thái Lan đến từ cả hai đầu của nền kinh tế. Ổ dịch đầu tiên là khu chợ hải sản ở Samu Sakhon, ngoại ô thủ đô Bangkok, nơi sử dụng nhiều người nhập cư từ Myanmar.
Ổ dịch thứ hai là các hộp đêm sang trọng tại khu vực Thonglor, trung tâm Bangkok được phép mở lại. Nhiều quan chức chính phủ, quan chức ngoại giao nước ngoài, cảnh sát đã mắc Covid-19 từ ổ dịch này.
Số ca mắc Covid-19 mới và tử vong trong ngày ở Thái Lan liên tục phá kỷ lục. Các khoa chăm sóc tích cực ở Thái Lan đã kín bệnh nhân.
Bất chấp tỷ lệ tử vong cao chưa từng có trong tháng 6, Thủ tướng Prayuth Chanocha vẫn tuyên bố Thái Lan sẽ mở cửa hoàn toàn vào tháng 10.
Sự lạc quan ấy đến từ số đơn đặt hàng vaccine Covid-19 mà chính phủ Thái Lan đã ký với các nhà sản xuất, bảo đảm tới tháng 10 mỗi người dân sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Nhưng chiến dịch tiêm chủng của Thái Lan, dù khởi động cách đây 4 tháng, hiện vẫn rất chậm chạp. Tới ngày 7/7, mới chỉ khoảng 10,7 triệu liều vaccine được tiêm ở đất nước có dân số lên tới gần 70 triệu.
“Nhiều vấn đề xảy ra trong chiến dịch tiêm chủng ban đầu là bởi chính phủ và bộ máy hành chính quan liêu. Nhiều bác sĩ không muốn liều lĩnh ký vào giấy cấp phép sử dụng vaccine, họ không muốn ngồi tù”, một nhà quan sát cho biết.
Thành công của chiến dịch tiêm chủng ở Thái Lan sẽ phụ thuộc lớn vào công ty dược phẩm Siam Bioscience, đơn vị nắm giữ bản quyền sản xuất vaccine AstraZeneca ở nước này.
Siam Bioscience đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu liều vaccine mỗi tháng. Nhưng trong tháng 6, Siam Bioscience chỉ có thể cung cấp 5,37 triệu liều. Công suất cũng sẽ không vượt 6 triệu liều trong tháng 7. Đó là chưa kể Siam Bioscience cũng có nghĩa vụ xuất khẩu vaccine, theo thỏa thuận ký với AstraZeneca.
Trong khi nguồn cung vaccine khan hiếm, nhiều người có địa vị trong xã hội tìm mọi cách chen hàng để sớm được tiêm chủng.
“Có những người lợi dụng quan hệ để giành lấy vaccine cho họ và người thân. Đó không phải là tin đồn, nhiều người công khai khoe khoang trên cả Facebook”, một nhân viên công vụ cho biết.
Đài Loan: Hậu quả của thành côngCho tới giữa tháng 5, Đài Loan (Trung Quốc) chỉ có khoảng 1.000 ca mắc Covid-19, đa phần là từ nước ngoài nhập cảnh. Nhưng chỉ trong hơn 1 tháng sau đó, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng lên hơn 14.000 trường hợp.
Một trong các ổ dịch lớn nhất bắt nguồn từ các phi công thực hiện cách ly tại một tòa nhà khách sạn ở sân bay không được cấp phép phục vụ cách ly. Virus từ đó mà lây lan cho nhân viên khách sạn và gia đình họ.
Chính quyền Đài Loan bị chỉ trích vì giảm số ngày cách ly bắt buộc đối với phi công chưa tiêm chủng từ 5 ngày xuống 3 ngày bắt đầu từ giữa tháng 4.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Đài Loan sau đó quyết định tái áp đặt thời gian cách ly 5 ngày với thành viên phi hành đoàn chưa tiêm chủng. Đến 1/7, thời gian cách ly tăng lên 7 ngày.
CDC cho biết Đài Loan từng kiểm soát hiệu quả biên giới, nhưng giờ là lúc cần cải thiện hệ thống phòng dịch ở nội địa.
“Bởi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả trước đây, chúng ta không tiến hành tầm soát diện rộng, vì vậy không thể phát hiện các ca mắc bệnh không có triệu chứng. Ngoài ra, người dân nhìn chung không sẵn sàng tiêm vaccine”, CDC Đài Loan cho biết.
Yang Sen Hong, chuyên gia y tế công cộng của Đài Loan, cho biết chiến lược kiểm soát virus của hòn đảo “tương đối thành công, nhưng một số người đã không tuân thủ quy định”. Nhiều người không trung thực khi khai báo lịch sử di chuyển.
Trong tháng 5, nhiều ca bệnh xuất hiện liên quan tới các phòng trà nhỏ ở Đài Bắc, nơi giải trí dành cho đàn ông.
“Với ổ dịch này, đa phần người có liên quan không muốn công khai dính dáng tới các phòng trà, họ không hợp tác điều tra, khiến công tác truy vết nguồn lây nhiễm thêm khó khăn”, CDC cho biết.
Hệ thống y tế Campuchia bị đẩy tới giới hạn
Tương tự Thái Lan và Đài Loan, đợt bùng phát dịch bệnh ở Campuchia cũng vấp phải khó khăn trong truy vết.
Cho tới trước sự kiện ngày 20/2, Campuchia chỉ ghi nhận chưa đầy 500 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong.
Tới ngày 20/2, hai phụ nữ dương tính với virus corona tiếp nhiều khách tại một câu lạc bộ đêm N8 tại Phnom Penh, dẫn tới một chuỗi lây nhiễm chưa từng có ở quốc gia Đông Nam Á này.
Hai người này thuộc nhóm 4 phụ nữ Trung Quốc từ Dubai tới Campuchia hành nghề mại dâm. Nhóm này hối lộ lính gác khách sạn Sokha ở Phnom Penh để được sớm rời khỏi khu cách ly trước khi hết thời hạn quy định.
Tới nay, 55.000 ca mắc Covid-19 và 750 người chết được cho là có liên quan tới sự kiện siêu lây nhiễm ngày 20/2.
Một quan chức y tế Campuchia mới đây cảnh báo nước này sắp vượt qua “giới hạn đỏ” trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan rộng, sau khi ngày càng nhiều công nhân trở về từ Thái Lan mang theo biến chủng Delta.
Hệ thống y tế Campuchia đã bị đẩy tới giới hạn quá tải. Campuchia tuần trước liên tiếp ghi nhận những ngày có ca mắc Covid-19 cao kỷ lục với đỉnh điểm là 1.130 trường hợp.
Michael Thigpen, chuyên gia dịch tễ của CDC Mỹ làm việc ở Phnom Penh, cho biết dịch bệnh có dấu hiệu lan nhanh bên ngoài các khu đô thị, nơi thiếu thốn nguồn lực ứng phó.
“Điều đáng lo ngại là ngày càng có nhiều ca mắc Covid-19 ở các khu vực nông thôn”, ông Thigpen nói.
Điểm yếu trong tiêm chủng
Trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những hành động quyết đoán từng giúp kiểm soát hiệu quả virus. Nhưng chính phủ các nước đã không thể biến thành công ban đầu thành khả năng sớm tiếp cận vaccine.
Trong nhiều trường hợp, chính những kết quả chống dịch ban đầu lại khiến các nước chậm trễ thu mua vaccine.
Nhật Bản là một ví dụ. Không giống nhiều quốc gia, hệ thống pháp luật cứng nhắc của Nhật Bản không cho phép cấp phép sử dụng khẩn cấp các loại vaccine.
Điều này có nghĩa các loại vaccine dù đã được WHO khuyến cáo sử dụng vẫn phải được thử nghiệm một lần nữa ở Nhật Bản, trong đó có cả Pfizer và Moderna của Mỹ.
Người mắc bệnh sau khi tiêm vaccine tại Nhật Bản có thể khởi kiện chính phủ, hay thậm chí quan chức phụ trách của Bộ Y tế. Vì vậy, việc cấp phép sử dụng vaccine tiềm ẩn rủi ro, và không ai muốn chịu trách nhiệm.
Nhà chức trách nhiều nước đối mặt khó khăn từ tâm lý nghi ngại của người dân đối với vaccine.
Thậm chí, một số chính phủ ban đầu còn thờ ơ trước hiệu quả của vaccine. Hồi tháng 2, một quan chức thuộc cơ quan phòng chống Covid-19 của Thái Lan tuyên bố vaccine “không có ý nghĩa với người Thái” bởi đeo khẩu trang cũng đủ để bảo vệ người dân nước này.
Thành công chống dịch cũng khiến một số nước khó tiếp cận nguồn vaccine. Bộ trưởng Tài chính Australia Simon Birmingham hôm 1/7 tuyên bố nước này gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung bởi “các công ty dược phẩm ưu tiên những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao”.
Điều này khiến các quốc gia như Australia và New Zealand “đứng cuối bảng” ưu tiên nhận tiếp nhận vaccine.
Lúc này, đa phần quốc gia chống dịch thành công nhất là các nước tiêm chủng nhanh nhất. Nhưng thành công cũng là tử huyệt ươm mầm cho sự tự mãn.
Ví dụ, Anh đã tiêm chủng đầy đủ cho 50,6% dân số, trong khi tỷ lệ người nhận ít nhất một liều vaccine là 68%. Giờ đây, Anh đang đối mặt làn sóng dịch bệnh mới, dù tỷ lệ nhập viện và tử vong được duy trì ở mức thấp.
Chính phủ Anh dự kiến dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch vào 19/7. Các chuyên gia cảnh báo bước đi này có thể một lần nữa khiến số ca mắc Covid-19 bùng nổ.
Duy Anh
Theo Nikkei Asia
Theo: Cánh cò