Thương nhân ở các chợ cá của Seoul (Hàn Quốc) và một số chính trị gia đang kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc hành động, sau khi Nhật Bản tuyên bố xả nước thải đã xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Hôm 13-4, Nhật Bản thông báo sẽ thải hơn 1 tỉ tấn nước thải đã xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau hai năm nữa.
Sau thông tin này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã yêu cầu các quan chức Hàn Quốc tìm hiểu cách kiện Nhật Bản ra tòa án quốc tế vì quyết định xả lượng nước thải này ra biển. Trung Quốc cũng chỉ trích quyết định này của Nhật Bản là “vô cùng tắc trách”.
Trong khi đó, các thương nhân tại chợ cá lớn nhất thủ đô Seoul, Noryangjin, cho rằng đây không phải là tin tốt cho ngành buôn bán thủy hải sản.
“Tôi lo lắng rằng dòng nước đó sẽ chảy đi khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi không thể yên tâm được. Chợ của chúng tôi đã liên tục thực hiện kiểm tra nồng độ phóng xạ. Điều đó giúp chúng tôi an tâm một chút, nhưng tôi vẫn lo lắng”, tiểu thương 72 tuổi Kim Hyo Bin cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ 8 tỉnh gần Fukushima của Nhật Bản từ năm 2013. Hồi năm ngoái, Seoul cũng mở rộng việc kiểm tra nồng độ phóng xạ từ 1 lần/năm lên 4 lần/năm.
“Tôi rất lo lắng. Đó là những thứ chúng tôi ăn vào… Chính phủ cần ngăn họ làm ô nhiễm đại dương. Nếu biển bị ô nhiễm, tôi sẽ không dám ăn cá nữa”, cụ ông 80 tuổi Kim Ki Suk nói.
Reuters cho biết nhiều cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp tục diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul.
“Chúng tôi có mặt trước Đại sứ quán Nhật Bản để thể hiện sự giận dữ của người dân trước quyết định của phía Nhật.
Họ nói rằng chúng tôi có 2 năm. Nhưng chúng tôi kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng làm việc cùng các quốc gia láng giềng – những bên cũng lo lắng về việc xả thải, đồng thời thực hiện các động thái pháp lý, kinh tế và ngoại giao cần thiết” – bà Kim Jae Yeon, một đại diện từ Đảng Cấp tiến Hàn Quốc (Progressive Party), nói.
Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch lọc và loại bỏ hầu hết phóng xạ như strontium, cesium. Tuy nhiên, nước này vẫn còn tritium vốn ít gây hại hơn ở nồng độ thấp và sẽ được làm loãng theo quy chuẩn quốc tế. Tokyo cho biết nước thải tương tự vẫn được xả ra hằng ngày ở khắp nơi trên thế giới.
Thế nhưng, nhiều người lo ngại về cả rủi ro an toàn thực phẩm lẫn việc ngành thủy hải sản có thể bị người tiêu dùng quay lưng vì thông tin này.
VŨ NGUYÊN
Theo: Cánh cò