Trong nhiều năm qua, chiêu trò tự ứng của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã được các đối tượng xấu, cơ hội chính trị sử dụng như một thủ đoạn, chiêu trò nhằm chống phá bầu cử. Các đối tượng này thừa biết bản thân không đủ điều kiện, không đủ tư cách để trở thành ứng cử viên tham gia vào Quốc hội và HĐND, nhưng đợt bầu cử nào cũng cố bày trò cũ. Nó chẳng phải là một sự “cố đấm ăn xôi”, cũng không phải là một sự “ngây thơ chính trị”. Cần thấy rõ, nó chính là một thủ đoạn chính trị, được lên kế hoạch từ trước, thực hiện hết sức bài bản để chống phá bầu cử, tấn công chính quyền, công kích chế độ.
Vạch trần chiêu bài ứng cử
Pháp luật Việt Nam quy định rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Bất kỳ ai cũng có quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp để đại diện cho tiếng nói, quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên, để đảm bảo những người được bầu là ưu tú nhất, đủ năng lực, trí tuệ, đạo đức và tư cách đại diện cho nhân dân trước nghị trường, hồ sơ các ứng cử viên sẽ được sàng lọc một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng.
Lợi dụng các quyền về bầu cử và ứng cử, các “nhà dân chủ” thời gian vừa qua ồ ạt tiến hành “tự ứng cử”. Nhìn vào những màn “tự ứng cử”, chúng ta dễ dàng có thể thấy nó được đạo diễn, lên kế hoạch hết sức chi tiết.
Bước đầu tiên, các “nhà dân chủ” sẽ lên mạng xã hội để rêu rao về việc bản thân sẽ tiến hành tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Đi liền với đó, một số đối tượng sẽ tung ra cái gọi là “chương trình hành động” và tiến hành “chiến dịch vận động” ủng hộ. Dĩ nhiên, người bình thường và có hiểu biết cơ bản về pháp luật, chính trị sẽ chẳng ai quan tâm đến trò hề nêu trên. Chỉ có các “nhà dân chủ” trong cùng ê-kíp với nhau là sẽ tích cực “lăng-xê”, cổ vũ, kêu gọi ủng hộ cho màn “tự ứng cử” này.
Sau khi “đánh tiếng” sẽ tham gia ứng cử, một số đối tượng “dân chủ” sẽ tiến hành nộp hồ sơ ứng cử theo quy định, một số đối tượng khác lại không tiến hành nộp hồ sơ mà lên mang khóc nóc ỉ oi, vu khống rằng các cơ quan chức năng chèn ép, gây khó khăn; một số khác lại tung ra luận điệu cho rằng vì bầu cử tại Việt Nam không dân chủ nên sẽ không tiếp tục tranh cử. Dĩ nhiên, đi liền với đó là những bài viết được cập nhật “đều như vắt tranh” trên các trang mạng xã hội, thậm chí là cả các trang báo nước ngoài như BBC, VOA, RFA v.v…
Cuối cùng, sau các vòng Hiệp thương, khi mà các “nhà dân chủ” bị vạch trần bộ mặt thật và bị loại khỏi danh sách ứng cử viên, tất cả những chiếc loa “dân chủ” sẽ được mở hết công suất để vu khống quy chế bầu cử tại Việt Nam, rêu rao rằng chỉ có những ai “theo phe đảng” mới được tranh cử.
Hiệp thương: “Kính chiếu yêu” vạch trần những người không đủ tiêu chuẩn
Để lựa chọn được những ứng cử viên thực sự có đức, có tài, có đủ uy tín, sau khi tiếp nhận hồ sơ của những người tham gia ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp, hội nghị hiệp thương sẽ được diễn ra.
Gần đây, các “nhà dân chủ” đang đẩy mạnh việc tuyên truyền những thông tin sai lệch về công tác hiệp thương trước bầu cử. Nhiều luận điệu sai trái được xuyên tạc Hội nghị Hiệp thương, tô vẽ Hiệp thương như “hỏi giá ở chợ, ngã giá, chốt giá”. Thực chất, chính vì Hiệp thương là nơi sẽ vạch trần thủ đoạn của chúng, cho nên phải “ra sức” xuyên tạc là thế.
Cần phải hiểu, Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở Trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Các bước tiến hành lựa chọn ứng cử viên trải qua các bước gồm: (1) Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. (2) Tổ chức giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người của các đơn vị hành chính cấp dưới, của thôn, tổ dân phố để đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. (3) Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. (4) Lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. (5) Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Một thực tế diễn ra trong hầu hết những năm vừa qua là các nhà “dân chủ mạng” tiến hành tự ứng cử nhưng không thể qua vòng lấy ý kiến cử tri nơi cư trú (vòng 4), nên bị loại bỏ khỏi danh sách ứng cử viên. Như vậy rõ ràng việc các “nhà dân chủ” bị loại khỏi danh sách ứng cử viên không phải “tại vì Đảng” như rêu rao, mà nó là kết quả phản ánh, nhận định, đánh giá của chính những người hàng xóm thân quen với các “nhà dân chủ mạng”. Cũng chính vì vậy nên thời gian qua, chúng ta cũng được nghe một số luận điệu hết sức nực cười đến từ các “nhà dân chủ mạng” đó là đòi không phải lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, chỉ cần tập hợp đủ chữ ký nhất định thông qua mạng xã hội là đủ điều kiện ứng cử…
Chẳng hiểu vì lý do gì mà các những vị “tự ứng cử” làm đại diện người dân mà lại “sợ” hàng xóm của mình đến thế? Trả lời câu hỏi này, hy vọng các vị “tự ứng cử” có thể trả lời một cách rõ ràng, mạch lạc cho dân hiểu.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Theo: Hội Cờ đỏ