Chiến thuật cứng rắn của Đài Loan với Bắc Kinh trong “cuộc chiến quả dứa” đạt được nhiều thành công bước đầu, khi đơn đặt hàng nông sản này liên tục đến với hòn đảo. Đài Loan trở thành nền kinh tế mới nhất phải chịu chính sách chèn ép thương mại từ phía Trung Quốc, sau những nước trong khu vực như Hàn Quốc, Philippines và Australia. Tuy nhiên, phản ứng cứng rắn từ chính quyền nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cùng sự giúp sức của các bạn hàng quốc tế là dấu hiệu cho thấy sự răn đe của Bắc Kinh sẽ khó gây thiệt hại lớn cho Đài Loan.
Sức ép chính trị sau đòn đánh kinh tế
Sự việc bắt đầu từ khi cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố lệnh cấm nhập khẩu với quả dứa của Đài Loan hôm 26/2. Lý do mà nhà chức trách Trung Quốc đưa ra là phát hiện “sinh vật có hại” trong sản phẩm từ Đài Loan, có nguy cơ đe dọa nền nông nghiệp của đại lục.
Dứa là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp Đài Loan, chiếm 40% giá trị hoa quả xuất khẩu. 90% sản lượng dứa xuất khẩu của Đài Loan được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Theo dữ liệu của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan cho biết, năm 2020, hơn 41.600 tấn dứa được hòn đảo này xuất khẩu sang đại lục. Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu lưu ý thời điểm Bắc Kinh công bố lệnh cấm vào đúng dịp cao điểm thu hoạch dứa ở Đài Loan. Phản ứng trước lệnh cấm bất ngờ từ Trung Quốc, Đài Loan khẳng định sản phẩm dứa của mình an toàn, cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng hoa quả làm công cụ để chèn ép hòn đảo.
Bà Thái Anh Văn viết trên Twitter: “Sau rượu vang Australia, Trung Quốc giờ tấn công dứa của Đài Loan. Nhưng điều đó sẽ không cản bước chúng ta. Dù là sinh tố, bánh hay những lát cắt tươi, dứa của chúng ta luôn thơm ngon số một. Hãy ủng hộ người nông dân và thưởng thức hoa quả tươi ngon của Đài Loan”. Lãnh đạo Đài Loan cáo buộc Trung Quốc một lần nữa áp dụng thực tiễn thương mại bất bình đẳng, như cách Bắc Kinh từng làm với rượu vang từ Australia, bất chấp 99,79% số dứa từ Đài Loan nhập khẩu vào đại lục vượt qua khâu kiểm dịch. Chính quyền của bà Thái Anh Văn khẳng định Bắc Kinh có một quyết định “đơn phương” và hoàn toàn “không thể chấp nhận được”. Đài Loan kêu gọi người dân và các bạn hàng quốc tế ăn “những quả dứa tự do” (ý nói thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc) để hỗ trợ ngành sản xuất dứa của hòn đảo. Trong khi đó, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc khẳng định lệnh cấm đối với quả dứa từ Đài Loan “hoàn toàn có lý và cần thiết”, nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ cây trồng bên ngoài xâm nhập đại lục. Nhà chức trách Bắc Kinh tuyên bố đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà Thái Anh Văn “không có ý chí cũng như năng lực để giải quyết các vấn đề thực tế” và đảng này chỉ có thể “vu khống đại lục” nhằm trốn tránh trách nhiệm.
“Dứa Đài Loan mạnh hơn tiêm kích”
Ngay sau khi lệnh cấm dứa nhập khẩu được Trung Quốc đưa ra, chiến dịch “quả dứa tự do” được ông Ngô Chiêu Tiếp, lãnh đạo cơ quan đối ngoại Đài Loan, phát động trên Twitter hôm 26/2. Cùng ngày, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cũng đăng đàn trên Twitter kêu gọi người dân tăng cường mua dứa do hòn đảo này tự sản xuất. Cấp phó của bà Thái, ông Lại Thanh Đức tuyên bố trên Twitter rằng “quả dứa Đài Loan còn mạnh mẽ hơn máy bay tiêm kích” và “sức ép địa chính trị cũng không làm mất đi vị ngon của dứa”.
Đài Loan tuyên bố lập tức hỗ trợ 36 triệu USD cho nông dân trồng dứa và cam kết gia tăng sản lượng xuất dứa khẩu thêm 30.000 tấn thông qua tìm kiếm thêm thị trường mới, cùng với đó là “đẩy mạnh hoạt động thương mại” với Mỹ, Nhật Bản, Singapore và các đối tác khác. Bà Thái cũng phát động chiến dịch có tên “thử thách quả dứa” trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm kêu gọi người dân Đài Loan mua thêm hoa quả và khẳng định với báo giới rằng chiến lược hiện nay sẽ mang lại hiệu quả.
Chiến thuật hiệu quả?
Hôm 2/3, Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan Chen Chi-chung thông báo đến 12h cùng ngày, hòn đảo nhận được đơn đặt hàng lên tới 41.687 tấn dứa từ các doanh nghiệp, các nền tảng thương mại điện tử cũng như khách hàng cá nhân, theo Taiwan News. Con số trên vượt quá sản lượng dứa xuất khẩu hàng năm của Đài Loan đến thị trường Trung Quốc. Trong số này, hơn 180 công ty đặt hàng tổng cộng hơn 7.000 tấn dứa quả, 19 công ty đặt hàng 15.000 tấn dứa đã qua chế biến. 14 cửa hàng đồ uống cũng đặt 4.500 tấn, trong khi các cửa hàng bán buôn, bán lẻ và khách hàng cá nhân đặt 10.000 tấn dứa. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu và khách hàng nước ngoài đặt mua 5.000 tấn dứa, theo dữ liệu của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan.
Ông Chen cho biết trong bối cảnh bị Trung Quốc ngưng nhập khẩu, Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển các thị trường mới như Singapore, Malaysia và Australia. Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu dứa của Đài Loan đến các nước ở phía nam đã tăng 110 lần trong năm 2020.
Chiến dịch “quả dứa tự do” của Đài Loan cũng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các đối tác phương Tây. Cơ quan đại diện Mỹ và Canada ở Đài Loan hôm 2/3 đồng loạt lên tiếng ca ngợi chất lượng quả dứa của hòn đảo. Văn phòng Thương mại Canada tại Đài Bắc đăng trên trang Facebook chính thức hình ảnh Trưởng văn phòng Jordan Reeves cùng các cộng sự đang ăn pizza dứa: “Ở Văn phòng Thương mại Canada, chúng tôi thích pizza dứa, đặc biệt là dứa từ Đài Loan”.
Viện Văn hóa Mỹ tại Đài Loan đăng tải bức hình Giám đốc Brent Christensen cùng 3 quả dứa trên bàn làm việc. “Các bạn mua dứa chưa? Chúng tôi đã mua rồi đây”, tài khoản Facebook của Viện Văn hóa Mỹ tại Đài Loan viết. Trong khi đó, Hiệp hội Trao đổi thương mại Nhật Bản – Đài Loan đăng trên Facebook hình ảnh Đại diện Izumi Hiroyasu và các cộng sự ăn dứa gửi đến từ quận Quan Miếu, thành phố Đài Nam. Theo Radio Taiwan International, Nhật Bản đặt mua 5.000 tấn dứa từ Đài Loan sau lệnh cấm của Trung Quốc. Viết trên tài khoản Twitter hôm 3/3, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn gửi lời cảm ơn bằng tiếng Nhật tới người dân đất nước mặt trời mọc: “Cảm ơn toàn thể người dân Nhật Bản đã ủng hộ dứa Đài Loan. Khi đến Đài Loan, các bạn hầu như đều mua bánh dứa, nhưng dứa Đài Loan ngon nhất khi ăn tươi. Hãy thưởng thức dứa bằng những cách khác nhé”.
Trả lời phóng viên tại trụ sở đảng DPP, bà Thái Anh Văn khẳng định Đài Loan không gục gã trước sức ép của Trung Quốc và sẽ biến cuộc khủng hoảng hiện nay thành cơ hội.
Vụ hứa ăn dứa này lại gợi nhớ đến chuyện hàng chục nhà ngoại giao các nước đã lên Facebook hay livestream đang uống rượu vang Úc để thể hiện tình đoàn kết với nước Úc khi Trung Quốc cấm nhập khẩu vang Úc với lý do “có sinh vật gây hại”. Các lời hứa ngoại giao có cánh đã không giúp các nhà vang Úc tìm được lối thoát nào cho những mùa rượu 2020-2021 và nhiều năm nữa. Úc phải cấp tốc tìm các thị trường thay thế cho rượu vang và nông sản bị Trung Quốc cấm nhập khẩu. Họ tìm đến Việt Nam, Indonesia và các nước Nam Á như là thị trường tiềm năng cho nông sản Úc. Và dường như tìm kiếm con đường ngoài thị trường Trung Quốc lại là lối đi buộc mọi nhà xuất khẩu đang bán hàng vào Trung Quốc phải đi, dù thời gian đầu có thể gập ghềnh và sóng gió đôi chút. Trái dứa Đài Loan cũng đang tìm một con đường như vậy với Singapore, Malaysia và Úc là những thị trường tiềm năng mới. Sau vụ dứa Đài Loan, vang của Úc thì đến trái thanh long, dưa hấu, vải thiều, nhãn lồng,… của Việt Nam cũng cần phải tìm thêm thị trường tiêu thụ mới cho mình, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hạ Trắng (TH)
Theo: Cánh cò