Tôi là kiểu người ngại đến chốn công quyền, bởi tôi nghĩ sẽ tốn nhiều kiên nhẫn, vững vàng.
Ngày nọ hơn 8 năm trước, gia đình tôi chuẩn bị chuyển từ Hà Nội vào TP HCM sinh sống.
Tôi ra Quận làm lại sổ hộ khẩu, tách gia đình mình khỏi hộ khẩu chung với bố mẹ. Những ngày phải bán nhà, dọn dẹp, tìm nơi mới ở TP HCM… khiến chúng tôi gần như kiệt sức.
Ngày hẹn nhận sổ, tôi đến sớm. Công an Quận đông như kiến. Tôi vừa xếp hàng chỉ vừa ước ao, giá mà được đánh một giấc.
Nhưng cuốn sổ hộ khẩu mới làm tôi tỉnh ngủ: Tên của con tôi được thêm dấu sắc.
Chỉ còn 3 ngày nữa cả gia đình lên máy bay vào Nam. Tôi ngồi chờ thêm gần 2 tiếng để được trình bày với cô nhân viên: “Mong chị giúp sửa tên cho cháu”.
“Cái này là tại ai?” – Cô nhíu sâu đôi mày. Tôi giải thích mọi giấy tờ của cháu đều là Kiên, không phải Kiến. Cô bảo phải đợi tới chiều thủ trưởng về mới xin ý kiến được, “2 giờ chiều quay lại”.
Buổi chiều, tôi ngồi ngáp thêm gần 1 tiếng, vị thủ trưởng mới về. Người đàn ông cao to, da trắng mặc đồng phục bước vào. Tôi khẽ chào, trình bày xin sửa tên để cháu còn đi học. Người trung niên liếc qua thật nhanh: “Trừ khi chị có giấy tờ chứng minh nhân viên chúng tôi viết sai thì Quận mới giải quyết”.
Tôi đã đặt tên con là Kiên, nhưng để tìm ra cán bộ nào của quận, chứng minh họ đánh thêm dấu sắc vào sổ thì đành chịu.
Hơn 1 năm sau, tôi mang sổ hộ khẩu từ TP HCM ra Hà Nội, lại tới Công an Quận. Lần này, họ có thủ trưởng mới.
Tôi ngồi đợi một lúc, người cán bộ gầy nhỏ, trên mặt đeo cặp đít chai dầy bước vào. Chị nhân viên nói qua về “Trường hợp này từ Sài Gòn ra”.
“Tất nhiên là tôi biết cháu phải đi học rồi” – Ông bảo: “Cô để lại giấy khai sinh của cháu và đơn đề nghị cấp sổ mới, có thể viết tay, gửi Công an Quận”.
Hơn 1 tuần sau, tôi quay lại nhận sổ hộ khẩu, vừa kịp xin cho con vào trường cấp một mùa hè năm ấy.
Mỗi lần phải dùng đến sổ hộ khẩu, tôi thường nghĩ đến 2 vị cán bộ. Một người dáng dấp quyền uy và lạnh lẽo, và vị kia trông kiểu kiểu giáo viên ở tỉnh.
Dường như một người chỉ xử lý việc cho dân nếu dân chứng minh được rằng cán bộ của họ, bằng cây bút mực đen, đã viết sai tên. Còn một người nhìn ra, đứa trẻ bị viết sai tên ấy, cần đi học.
Phản ứng của từng người điều hành với một địa bàn dù nhỏ như quận, hay lớn hơn như tỉnh, thành, đôi khi không phụ thuộc vào quy định hay quy trình sẵn có.
Nó phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và thiện chí cá nhân của một hoặc nhóm người ra quyết định.
Đại diện chính quyền Hà Nội vừa yêu cầu đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè, đền chùa, di tích từ ngày 16/2 sau khi đã yêu cầu đóng cửa quán bar, vũ trường, karaoke, dừng lễ hội trước đó. Đây là một quyết định nhanh chóng, quyết đoán trong bối cảnh dịch bệnh leo thang.
Người dân là đối tác lớn nhất của chính quyền, đặc biệt trong những bối cảnh cần hành động tập thể như chống dịch. Đó là lý do cân bằng giữa chống dịch và sinh kế của cộng đồng luôn là câu hỏi.
Những quyết định công và hành vi thực thi của đội ngũ có đủ nhanh, công bằng và “không gây khó khăn”; hay khiến công dân cảm thấy lo lắng và sợ hãi, tệ hơn là cảm thấy bị mất nhân phẩm là điều vốn không hiện lên trên các văn bản chỉ đạo.
Xả rác luôn dễ hơn trồng hoa. Không làm gì dễ hơn là cáng đáng nhiệm vụ. An toàn sẽ hấp dẫn hơn dấn thân và chịu trách nhiệm. Mọi quyết định công là lựa chọn cần nhiều can đảm. Bởi nếu không cẩn thận hay không may, uy tín của lãnh đạo sẽ đổ bể.
Nhưng quyết định kịp thời của chính quyền còn là nhu cầu của dân chúng. Nó không chỉ cần đúng mà còn cần nhanh. Làm sao để những quyết định của chính quyền địa phương hiệu quả và không bị nghi ngờ hay chỉ trích?..
Điều đó phụ thuộc năng lực ra quyết định của từng người, từng bộ máy.
Và những tình huống như dịch bệnh là dịp để chúng ta thấy rõ hơn năng lực của mỗi chính quyền, dù ở quy mô quận, huyện hay tỉnh, thành.
Dù việc nhỏ như cuốn số hộ khẩu, hay chuyện lớn như chống dịch -Thực tế luôn có một không gian đủ lớn cho các quyết định công, để người lãnh đạo bước vào.
—
* Bài: Nhà báo Hồng Phúc, đăng trên VnExpress (https://vnexpress.net/chinh-quyen-4235838.html…)
Nguồn: Tre làng
Theo: Hội Cờ đỏ