Chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu ngày 26-2. Loại vắc xin được sử dụng là vắc xin do công ty SK Bioscience sản xuất theo nhượng quyền của AstraZeneca và vắc xin Pfizer/BioNTech.
Theo kế hoạch, trong đợt đầu tiêm chủng, Hàn Quốc sẽ tiêm cho 289.480 người theo liệu trình tiêm 2 liều với mục tiêu hoàn thành trong tháng 3 tới. Với gần 90.000 ca nhiễm, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiêm vắc xin cho 70% dân số vào tháng 9 và đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Nhóm đầu tiên được tiêm gồm hơn 5.200 người là các bệnh nhân nội trú dưới 65 tuổi và nhân viên các cơ sở y tế, điều dưỡng, viện dưỡng lão.
Để chủ động nguồn cung vắc xin, Chính phủ Hàn Quốc đã đàm phán với hãng dược AstraZeneca về nhượng quyền sản xuất 10 triệu liều. Theo Hãng thông tấn Yonhap, số vắc xin AstraZeneca Hàn Quốc đang có đủ tiêm cho 785.000 người.
Toàn bộ số vắc xin trên được sản xuất tại Hàn Quốc bởi công ty SK Bioscience và sẽ được chuyển tới 1.900 bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe công cộng trong vòng 4 ngày tới.
Các nhân viên y tế, bác sĩ thuộc các bệnh viện điều trị COVID-19 cũng sẽ được tiêm trong đợt này. Tuy nhiên, loại vắc xin được sử dụng là Pfizer/BioNTech thay vì AstraZeneca.
Theo Yonhap, sẽ có khoảng 55.000 người được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech bắt đầu từ ngày 27-2. Nhóm đầu tiên là 300 y tá, bác sĩ đang phục vụ tại các bệnh viện điều trị COVID-19 ở vùng đô thị Seoul.
Việc tiêm phòng được tiến hành tại các trung tâm tiêm chủng do nhà nước quản lý. Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết sẽ bồi thường thỏa đáng cho người tiêm nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm chi trả tất cả các chi phí điều trị nếu người tiêm nhập viện.
Chính phủ Hàn Quốc trước đó đã yêu cầu tạm ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca cho những người trên 65 tuổi, viện dẫn chưa có thử nghiệm lâm sàng nào đối với nhóm này. Một số quốc gia trước đó đã tiến hành động thái tương tự, theo Yonhap.
Tổ chức Y tế Thế giới hồi tuần trước đã bật đèn xanh, cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin AstraZeneca do Hàn Quốc và Ấn Độ sản xuất. Loại vắc xin này được ưa chuộng vì có thể bảo quản ở nhiệt độ thông thường thay vì nhiệt độ siêu lạnh như vắc xin của Pfizer/BioNTech.
Tuy nhiên, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ ngày 25-2 đã cho phép bảo quản vắc xin Pfizer/BioNTech ở nhiệt độ thông thường sau khi xét thấy điều này không ảnh hưởng tới mức độ hiệu quả.
Bảo Duy
Theo: Cánh cò