Trong thời gian gần đây, có một nhóm gồm khoảng 20 – 30 người tự nhận mình là thành viên tu luyện Pháp luân công về trên địa bàn thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để trao các suất quà cho bà con nhân dân một số xã, phường chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ lịch sử vừa qua như: xã Quảng Thủy, Quảng Văn, Quảng Tiên, phường Quảng Thuận… Tuy nhiên, điều đáng nói, đoàn này không chỉ phát quà, nhu yếu phẩm cho bà con mà còn tiến hành đi từng nhà để tuyên truyền, tán phát tài liệu liên quan đến Pháp luân công. Các đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa nhà từ thiện, nhân đạo để tuyên truyền, lôi kéo người dân thiếu hiểu biết tham gia tập luyện.
Những tài liệu, đồ vật mà các đối tượng Pháp luân công tán phát
Hoạt động tán phát tài liệu này đã vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản thông qua ngày 20/11/2012 liên quan những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản và có thể áp dụng Điều 27 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản có hiệu lực ngày 12/11/2013 liên quan vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm. Như vậy, hoạt động trao quà tặng có các tài liệu tuyên truyền của các đối tượng Pháp luân công đã vi phạm pháp luật. Nếu người dân nhận những tài liệu này thì gián tiếp đã tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật. Vì thế, việc cần làm của những hộ dân đã nhận tài liệu này ngay bây giờ là tiêu hủy hoặc đến chính quyền địa phương để nộp lại.
Việc từ thiện, giúp đỡ người dân sau cơn hoạn nạn là nghĩa cử cao đẹp, kịp thời giúp bà con giải quyết những khó khăn trước mắt. Việc làm này thật đáng biểu dương, thể hiện sự đoàn kết dân tộc, “lá đành đùm lá rách”. Nhưng lợi dụng việc đó để tuyên truyền Pháp luân công lại là sự lừa bịp, thể hiện bản chất thật sự cái được gọi là “Chân – thiện – nhẫn”. Vì vậy người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu trò, luận điệu tuyên truyền của các đối tượng Pháp luân công và cần nhìn nhận bản chất thực sự của Pháp luân công.
Pháp luân công thực chất không phải là một tôn giáo hay là một tín ngưỡng, nó không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh mà vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành. Tương tự như tà đạo “Hội Thánh đức Chúa trời mẹ” lấy giáo lý của Thiên Chúa giáo cắt xén thì chính Pháp luân công qua nghiên cứu vể những “lý giải”, “luận thuyết” trong sách “Chuyển pháp luân” được nhiều chức sắc Phật giáo chứng minh Lý Hồng Chí đã lấy những thuật ngữ, khái niệm của giáo lý Phật giáo để viết sách. Bản thân Lý Hồng Chí cũng tự nhận mình là “Phật chủ”, gắn việc tập luyện khí công với các luận điệu mê tín, dị đoan như luyện tập Pháp luân công sẽ được “Phật chủ” tịnh hóa, phù hộ, bảo vệ,… qua đó, Lý Hồng Chí đã xuyên tạc, bài xích các tôn giáo đồng thời đề cao bản thân là người cứu vớt nhân loại là “đấng tối cao trên cả Phật”.
Pháp luân công lợi dụng các bài tập dưỡng sinh, khí công truyền thống của các môn phái trên thế giới có lợi cho sức khỏe con người biến nó thành sản phẩm của mình, khuếch trương, thần thánh hóa công dụng của Pháp luân công chữa trị được bách bệnh kể cả các bệnh nan y, hiểm nghèo mà y học hiện đại cũng không chữa khỏi như ung thư, với luận điệu không cần uống thuốc, không cần đến bệnh viện chỉ cần tập luyện Pháp luân công thì sẽ tự khỏi bệnh… Nhiều nạn nhân đã tử vong hoặc bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn như các trường hợp tại Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam… Tại Quảng Bình đã có 06 trường hợp theo tu luyện Pháp luân công nhưng không qua được bệnh tật và dẫn đến những cái chết thương tâm, điển hình là 2 trường hợp tại xã Quảng Sơn, tx Ba Đồn là anh Trần Đình T. (SN 1989) và bà Trương Thị K. (SN 1954) đều tử vong khi đang trong tư thế ngồi thiền tập Pháp luân công.
Các đối tượng tu tập Pháp Luân Công trong vụ án giết người giấu xác
tại Bình Dương
Pháp luân công còn là sự phản văn hóa, đi ngược đạo đức xã hội. Pháp luân công cổ vũ “từ bỏ tình thân” chuyên tâm theo học “Pháp luân đại pháp” để được thăng cấp, tu thành “Phật, Đạo, Thần”. Nhiều người đã tu luyện đến mức mê muội, ảo giác dẫn đến có các hành vi trái với luân thường đạo lý, vi phạm pháp luật như đập phá bàn thờ tổ tiên, xa lánh những người thân trong gia đình, xem những người khác là yêu ma thậm chí là có những hành vi giết người man rợ như trường hợp của Phan Thị Thiên Hà ở Bình Dương tháng 5/2019. Lý thuyết của Pháp luân công dựa trên kết hợp triết lý Phật giáo, khí công, âm dương của Đạo giáo với các động tác của vũ đạo, thiền,… trong đó lấy giáo lý Phật giáo và khí công làm nền tảng, Lý Hồng Chí tự xưng là “ Pháp thân”, “Pháp chủ”, “Phật sống” để “cứu độ” chúng sinh do đó nhiều người ngộ nhận Pháp luân công là một môn tu tập của Phật giáo. Các tài liệu của Pháp luân công gồm có “Chuyển pháp luân”, “Đại viên mãn pháp”, “Tinh tấn yếu chí”,… ngoài ra còn có hàng chục website hướng dẫn luyện tập khí công và được lý giải là một trong 84 nghìn pháp môn của Phật gia để nâng cao cái “đức” giảm cái “nghiệp” làm cho thân thể yên tĩnh cuối cùng đạt đến “khai công, khai ngộ, công thành, viên mãn, linh hồn bất diệt”,… đượm màu sắc mê tín, dị đoan, phi thực tế.
Hiện nay, Nhà nước Việt Nam không công nhận, không cấp đăng ký sinh hoạt, hoạt động cho Pháp luân công vì bản thân nó không phải là một tổ chức tôn giáo (không có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; không có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động,… theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016). Hoạt động của Pháp luân công bản chất là hoạt động chính trị đối lập, chống phá Đảng, Nhà nước, xâm hại văn hóa truyền thống dân tộc. Vì vậy bà con nhân dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn cần nêu cao tinh thần cảnh giác hơn nữa với những đoàn mang danh nghĩa từ thiện để tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia tập luyện Pháp luân công.
Song Văn