Phiên tòa xét xử tranh chấp bản quyền ca khúc “Gánh mẹ” vào sáng 18/8 tại TAND TP Hồ Chí Minh đã phải tạm hoãn, vì bị đơn không có mặt. Để “lật mặt” đối tượng thực sự vi phạm sở hữu trí tuệ, TAND TP Hồ Chí Minh hẹn lại lịch phân rõ trắng đen vào ngày 3/9. Xung quanh vụ kiện với số tiền đòi bồi thường lên đến 4 tỷ đồng này, có nhiều điều đáng suy ngẫm.
Ca khúc “Gánh mẹ” là bài hát chính trong bộ phim “Lật mặt” phần 4 có tên gọi “Nhà có khách” do Lý Hải làm đạo diễn. Ca khúc “Gánh mẹ” được biết đến từ tháng 4/2019, cùng thời điểm khởi chiếu bộ phim “Lật mặt – Nhà có khách”, với tác giả đứng tên là Quách Beem.
Ca khúc “Gánh mẹ” nhanh chóng được phổ biến, không chỉ nhờ sức lan tỏa của bộ phim “Lật mặt – Nhà có khách” mà còn vì thể hiện tình mẫu tử xúc động. Tuy nhiên, tác giả Quách Beem cũng lập tức đối mặt với tranh chấp, khi một tác giả khác là Trương Minh Nhật khẳng định mình mới là người sáng tác phần lời của “Gánh mẹ”.
Bộ phim “Lật mặt – Nhà có khách” chọn ca khúc “Gánh mẹ” làm bài hát chính trong phim. |
Ca khúc “Gánh mẹ” của Quách Beem có trước, hay bài thơ “Gánh mẹ” của Trương Minh Nhật có trước? Ai đã xâm phạm bản quyền của ai? Công chúng vô cùng mơ hồ khi “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Và cũng bởi yếu tố ấy, mà ca khúc Gánh mẹ” càng gây tò mò cho đám đông. Khi người tự nhận có bài thơ “Gánh mẹ” – Trương Minh Nhật khởi kiện người tự nhận sáng tác cả nhạc và lời “Gánh mẹ” – Quách Beem, thì ca khúc “Gánh mẹ” vượt qua con số 15 triệu lượt thưởng thức trên Youtube.
Nguyên đơn Trương Minh Nhật đứng đơn vụ kiện “tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ” còn bị đơn là tác giả Quách Been (tên thật Đoàn Đông Đức) và công ty Lý Hải đã sản xuất bộ phim “Lật mặt – Nhà có khách” lấy ca khúc “Gánh mẹ” làm bài hát chính.
Tại phiên tòa sáng 18/8, tác giả Quách Beem vắng mặt không lý do, còn công ty Lý Hải xin hoãn xét xử vì cho rằng khi sử dụng ca khúc “Gánh mẹ” vào phim đã có thỏa thuận bằng văn bản “tác giả Quách Beem chịu trách nhiệm về bản quyền”. Luật sư Lê Quang Vy nhận định: “Có rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra ở đây, trước hết là việc xác định ai là chủ sở hữu bài thơ. Và sau đó nếu đúng ông Trương Minh Nhật là tác giả bài thơ “Gánh mẹ” thì khi Quách Beem muốn phổ nhạc bài thơ này, phải được sự cho phép của chính tác giả bài thơ, lúc đó ca khúc của Quách Beem mới được luật pháp bảo hộ. Nếu tác giả Trương Minh Nhật chứng minh được “Gánh mẹ” là tác phẩm của mình, công ty Lý Hải buộc phải có nghĩa vụ đối với tác giả Trương Minh Nhật, và khi đó công ty Lý Hải có thể khởi kiện lại Quách Beem trong một vụ án khác để yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Nguyên đơn Trương Minh Nhật chứng minh tư cách tác giả bài thơ “Gánh mẹ” bằng các mốc thời gian: “Ngày 13/06/2014, tôi đăng bài thơ lần đầu tiên trên nhóm “Thơ văn Facebook”. Đến ngày 31/07/2014 tôi đăng lại bài thơ lên trang Facebook cá nhân của tôi”. Còn tác giả Quách Been cũng hùng hồn tuyên bố: “Tôi ca nhạc sĩ Quách Beem – tác giả của bài hát “Gánh mẹ” và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về bản quyền.
Bài hát “Gánh mẹ” được tôi sáng tác, ký âm ngày 25-10-2013 và được Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép. Ông Trương Minh Nhật vu khống tôi và hình ảnh chụp màn hình trên Facebook của ông ấy vào ngày 31/7/2014 đã lấy lời bài hát của tôi sửa thành thơ của mình. Chúng tôi đã yêu cầu ông ấy cung cấp giấy tờ bằng chứng hợp pháp về bản quyền nhưng ông ấy không đưa ra được bất cứ giấy tờ bằng chứng gì.
Ông ấy nói ông ấy là bằng chứng sống. Bài hát viết từ 2013, còn bài thơ ông ấy bảo ông ấy công bố từ năm 2014 thì ai là người ăn cắp của ai đã rõ. Tôi đã không muốn nói đến vấn đề này vì thật sự không có căn cứ, vô lý và tôi tôn trọng ông Trương Minh Nhật vì ông lớn tuổi hơn tôi. Nhưng sự việc đi quá xa bởi những hành vi xúc phạm, vu khống, nhắn tin, tống tiền, khủng bố tôi.
Ca khúc “Gánh mẹ” đang tranh chấp tác quyền. |
Đây là một hành động không đúng pháp luật, quấy rối, làm nhục người khác. Ông Trương Minh Nhật đã kêu gọi những Facebooker ảo vào khủng bố trang cá nhân, tung thông tin vu khống tôi. Tôi đã báo cáo sự việc lên các cơ quan pháp luật và đang chờ xử lý”.
Tuy nhiên, tác giả Quách Beem lại công khai lên mạng Giấy chứng nhận bản quyền ca khúc “Gánh mẹ” do Cục Bản quyền tác giả cấp, theo số chứng nhận 2358 N993 được đăng ký 26/03/2019. Nghĩa là, về mặt xuất xứ “sáng tạo” thì ca khúc “Gánh mẹ” ra đời sau bài thơ “Gánh mẹ” đến… 5 năm.
Ông Trương Minh Nhật đã ủy quyền cho Văn phòng luật Phan Law Vietnam khởi kiện nhạc sĩ Quách Beem lên TAND TP. Hồ Chí Minh vì sử dụng trái phép bài thơ “Gánh mẹ”của ông để phổ nhạc. Bên cạnh đó, ông Trương Minh Nhật đã viết đơn gửi Cục Bản quyền tác giả yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả ca khúc “Gánh mẹ” mà Cục đã cấp cho nhạc sĩ Quách Beem.
Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam nêu cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho ông Trương Minh Nhật: “Hành vi của ông Đoàn Đông Đức – nghệ danh Quách Beem chiếm đoạt bài thơ “Gánh mẹ” của ông Trương Nhật để làm phần lời cho bài hát cùng tên và sau đó ký kết với Công ty TNHH Lý Hải Production để sử dụng bài hát này làm nhạc phim cho bộ phim “Lật mặt – Nhà có khách” đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trương Minh Nhật.
Vì vậy, ông Trương Minh Nhật tiến hành việc khởi kiện là thực hiện một trong những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được luật Sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 điều 198. Ngoài khởi kiện ông Đoàn Đông Đức, thì ông Trương Minh Nhật hoàn toàn có căn cứ và cơ sở để khởi kiện Công ty TNHH Lý Hải Production, vì đã tự ý sử dụng bài thơ “Gánh mẹ” chứ không phải ca khúc “Gánh mẹ”. Đây là hai đối tượng khác nhau”.
Khi xảy ra lùm xùm tranh chấp, ông Quách Beem và ông Trương Minh Nhật đã từng có sự thương lượng nhưng bất thành. Và ông Trương Minh Nhật khởi kiện theo đúng tinh thần pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ban đầu, ông Trương Minh Nhật đòi công ty sản xuất bộ phim “Lật mặt – Nhà có khách” phải bồi thường 4 tỷ đồng, nhưng sau đó hạ xuống còn 825 triệu đồng. Và ông Trương Minh Nhật cũng đòi ông Quách Beem phải bồi thường 550 triệu đồng và khắc phục thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký bản quyền.
Ca khúc “Gánh mẹ” không có gì đặc biệt về giai điệu, nhưng ca từ thì khai thác hiệu quả chủ nghĩa mủi lòng: “Cho con gánh mẹ một lần, cả đời mẹ đã tảo tần gánh con. Cho con gánh mẹ đầu non, cả lòng mẹ đã gánh con biển trời. Ngày xưa mẹ gánh à ơi, con xin gánh lại những lời mẹ ru. Đường đời sương gió mịt mù, vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan. Để con gánh mẹ đừng can, sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai. Cho con gánh cả tháng dài, gánh qua năm rộng những ngày đắng cay. Cho con gánh cả đôi vai, thân cò lặn lội sớm mai vai gầy. Mẹ già lá sắp xa cây, lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao. Mẹ ơi sông biển dạt dào, con sao gánh hết công lao một đời. Bông hồng cài áo đúng nơi, đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la. Cho con gánh lại mẹ già, để sau người gánh chính là con con”.
Xét về phương diện nghệ thuật, thì ngôn ngữ thi ca của bài thơ “Gánh mẹ” rất bình thường, nếu không muốn nói là nghiệp dư. Tuy nhiên, cảm xúc hiếu thảo của người con trong bài thơ là thứ đáng trân trọng.
Còn nhìn ở góc độ ca khúc, thì ca từ “Gánh mẹ” đích thực là một bài thơ lục bát có vần điệu và niêm luật mạch lạc. Không lẽ, tác giả Quách Beem đã làm một bài thơ rồi mới phổ nhạc cho thơ của mình? Đây là một câu hỏi mấu chốt. Ngoài ca từ trong ca khúc “Gánh mẹ”, liệu tác giả Quách Beem có còn bài thơ lục bát nào khác không? Hay chỉ một lần “xuất thần” khó hiểu kiểu trời cho?
Tuy Hòa