Lãnh đạo ngành từng phải nói vui rằng: “Phải cho cô này nghỉ một thời gian đi lấy chồng”. Nhưng đó mới là Yến, nữ Trung tá được đặc cách thăng quân hàm (người thứ 2 trong giới thể thao sau Ánh Viên), lấy bóng chuyền làm nguồn sống và dành cả thời xuân cho công tác chuyên môn.
Trốn nhà đi thi tuyển bóng chuyền
Năm 2004, Giải Bóng chuyền VTV Cup lần đầu tiên được tổ chức và kể từ đó trở thành giải đấu giúp tên tuổi của nhiều VĐV bóng chuyền nữ Việt Nam trở nên quen thuộc. Những Kim Huệ, Ngọc Hoa, Bùi Thị Huệ, Phạm Thị Yến… dần trở thành thần tượng của nhiều cổ động viên và được xem là thế hệ vàng của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Phạm Thị Yến thời còn thi đấu. |
Nếu Kim Huệ được nhớ đến với vẻ ngoài xinh đẹp, chiều cao ấn tượng (1m86) cùng những pha đánh bật nhảy một chân tấn công, Ngọc Hoa nổi danh từ tuổi 17 với sở trường là quả phát bóng bay với quỹ đạo khó lường, thì Phạm Thị Yến lại khiến tất cả phải nhớ đến mình bằng những quả tấn công biên đầy uy lực. Sở hữu chiều cao 1m78 cùng tầm đánh lên đến 3m05, Yến là một trong những chủ công xuất sắc mà bóng chuyền Việt Nam có được.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, con đường đến với bóng chuyền của nữ chủ công sinh năm 1985 lại đầy chông gai, thậm chí còn bị chính gia đình mình ngăn cản.
Sinh ra trong một gia đình không có ai chơi thể thao tại Hà Nam, bước ngoặt xảy đến với Phạm Thị Yến vào năm 14 tuổi, khi cô vô tình nghe được thông tin từ một người bác về đợt tuyển sinh của một lớp năng khiếu bóng chuyền và trốn nhà lên tỉnh để đăng ký.
Ngay khi biết tin, cả gia đình, đặc biệt là bà nội của Yến kiên quyết phản đối. Nguyên nhân cũng không quá khó hiểu bởi thể thao chuyên nghiệp là con đường vô cùng gian nan, với một tương lai không rõ ràng bởi chẳng ai biết Yến có thể trụ lại được không hay chỉ lãng phí thời gian vô ích. Thậm chí, chính HLV đội năng khiếu Hà Nam khi đó cũng thừa nhận chỉ chọn Yến vì thích chiều cao của cô bé, còn về năng khiếu thì Yến gần như không có.
Tưởng như điều đó sẽ chấm hết đam mê bóng chuyền của cô bé 14 tuổi, nhưng Phạm Thị Yến lại không nghĩ vậy. Cô bé thẳng thắn xin gia đình và HLV cho mình 1 năm để thể hiện, nếu không được sẽ tự xin về. Và thật bất ngờ khi từ một người bị đánh giá là không có năng khiếu, Yến tiến bộ vượt bậc để rồi chưa cần hết 1 năm, chính HLV đã phải về tận quê để xin phép gia đình cho học trò của mình được theo nghiệp bóng chuyền lâu dài.
Mối duyên với bóng chuyền quân đội
Đang nỗ lực như thế thì bất ngờ vào năm 2001, Yến và các đồng đội nhận tin dữ khi đội bóng chuyền nữ Hà Nam giải thể. Nằm trong số những gương mặt được giữ ở lại để hậu xét, Phạm Thị Yến vẫn miệt mài tập luyện và rồi cô bất ngờ được một HLV của đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin chấm và mời về đội.
Quá trình hòa nhập ở đội bóng mới diễn ra không hề dễ dàng tuy nhiên với tố chất vốn có cùng sự luyện tập chăm chỉ, Phạm Thị Yến nhanh chóng cho thấy mình đủ khả năng để tiến xa trong tương lai. Ngoài khả năng bật nhảy cùng những cú đập như búa bổ, thể lực tốt và khả năng di chuyển khôn ngoan cũng là điểm cộng cho Phạm Thị Yến.
Sau giải nghệ, Yến tham gia công tác huấn luyện, dìu dắt các thế hệ đàn em. |
Thậm chí đã từng có giai đoạn, Phạm Thị Yến là vận động viên hiếm hoi của bóng chuyền nữ Việt Nam có thể thực hiện những quả nhảy phát bóng tấn công đầy uy lực. Đây vốn vẫn được xem là một điểm mà bóng chuyền nữ Việt Nam thua kém Thái Lan, khi có rất ít vận động viên có thể thực hiện được kỹ thuật này, trong khi chúng ta lại luôn gặp khó trong khâu đỡ bước 1 bởi đối phương có quá nhiều cái tên có thể nhảy phát bóng tốt.
Đáng tiếc, vào năm 2006 khi mới 21 tuổi, Yến lại bất ngờ dính chấn thương đầu gối. Việc lầm tưởng rằng đây chỉ là chấn thương nhẹ khiến Phạm Thị Yến vẫn cố thi đấu, để rồi tình hình ngày càng chuyển biến xấu, khiến cô phải nghỉ dài hạn để điều trị dứt điểm. Chính chấn thương này sau đó khiến chủ công của Bộ Tư lệnh Thông tin và đọi tuyển Việt Nam không còn thực hiện được những pha nhảy phát bóng tấn công như trước nữa.
Dù vậy, Phạm Thị Yến vẫn là một tay đập xuất sắc, khuynh đảo các sân chơi quốc nội và cùng với Bùi Huệ tạo thành cặp “sát thủ” ở đội tuyển quốc gia. Chấn thương đầu gối vẫn còn đeo bám và từng tái phát tới 2 lần vào năm 2011, nhưng không vì thế mà nó ngăn cản được những bước chân của Yến.
11 lần vô địch quốc gia cùng đội nữ Bộ Tư lệnh Thông tin, 2 lần giành danh hiệu Miss ở các giải quốc tế và rất nhiều danh hiệu cá nhân khác, cùng với đó là những tấm huy chương bạc ở SEA Games và lên ngôi vô địch VTV Cup. Đó đều là những thành tích đáng nhớ trong sự nghiệp bóng chuyền của Phạm Thị Yến. Tuy nhiên với nhiều người hâm mộ và cả lãnh đạo đội bóng, việc đến nay Yến vẫn chưa lập gia đình là điều khiến họ không khỏi thắc mắc.
Không cần người giàu có, quan trọng là phải hiểu mình
Xinh đẹp, ngoại hình ưa nhìn, thi đấu giỏi và là vận động viên có danh tiếng, thế nhưng ở tuổi 36, Phạm Thị Yến vẫn chỉ chuyên tâm vào bóng chuyền với vị trí HLV phó tại đội nữ Thông tin LienVietPostBank.
Lãnh đạo của đội bóng Thông tin LienVietPostBank đã từng phải nói vui rằng: “Không lẽ lại phải ra hẳn nghị quyết, lãnh đạo, tổ chức phải yêu cầu cô này đi lấy chồng. Quanh năm ngày tháng chỉ ở đội, tập luyện thi đấu suốt ngày, yêu cầu HLV phó của đội phải sớm yên bề gia thất, có tuổi rồi”, nhưng Phạm Yến chỉ đáp lại bằng những nụ cười.
Phạm Thị Yến hiện là Huấn luyện viên của đội Thông tin LienViet PostBank. |
Hỏi về chuyện tình cảm của mình, Yến chỉ cười. Nhưng rồi cuối cùng Yến cũng thổ lộ nỗi lòng mình rằng vì sao chuyện tình duyên của cô đến giờ này vẫn chưa đi đến đâu.
“Yến được người ta theo đuổi bằng tình cảm chân thành, cũng trân trọng tấm lòng người ta lắm. Nhưng chưa gì đã nói phải bỏ bóng chuyền, nghỉ đi không phải làm gì nữa, là thôi Yến lắc đầu luôn. Yến chỉ yêu người biết hiểu và chia sẻ với sự nghiệp, niềm đam mê của mình thôi”.
Được nhiều người yêu mến, thậm chí có đại gia si mê tài năng và nhan sắc của cô, tuy nhiên với Phạm Thị Yến, được sống với đam mê luôn là điều cô hướng tới, chứ không chấp nhận bỏ lại bóng chuyền sau lưng để hưởng thụ. Chưa biết khi nào thì Yến lên xe hoa, nhưng chắc chắn khi vẫn được tiếp tục gắn bó và đóng góp cho sự phát triển của bóng chuyền nước nhà như hiện tại, nụ cười của cô luôn là đẹp nhất.
Dìu dắt người chị họ
Còn có một chi tiết rất thú vị liên quan đến Phạm Thị Yến, khi cô chính là em họ (con cô ruột) của Đỗ Thị Minh, một chủ công hàng đầu khác của Việt Nam.
Ít hơn cô em họ 3 tuổi, con đường đến với bóng chuyền của Đỗ Thị Minh gặp không ít khó khăn bởi hạn chế về chiều cao. Năm 14 tuổi, Minh lặn lội từ quê nhà Hà Nam lên Hà Nội để thi tuyển vào lò BTL Thông tin. Tuy nhiên do kém 3 cm so với chuẩn 1m65, chiều dài chân lại ngắn (bị đánh giá là khó phát triển thêm chiều cao), cân nặng không tương xứng với thể hình, khiến ban đầu cô không được chọn.
Tưởng rằng sẽ không thể đi theo con đường của cô em họ Phạm Thị Yến thì bất ngờ Đỗ Thị Minh được một HLV chú ý bởi một điều dị thường: sải tay của Minh rất dài, nhất là đối với các chỉ số của lưng, chân. Và thế là cũng giống như Yến ngày còn ở Hà Nam, Minh được giữ lại theo diện hậu xét.
Và rồi sau đó nhờ sự giúp đỡ của các thầy, cũng như hỗ trợ của Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh dần tiến bộ nhanh chóng. Trong 6 tháng thử việc, Minh luôn cho thấy sự chăm chỉ với nỗ lực tập luyện đáng nể và thể hiện một cách xuất sắc để có được suất đặc cách ở lại đội.
Trong 3 năm tiếp theo, Đỗ Thị Minh vẫn thuộc nhóm có chiều cao ở mức thấp nhất đội, tuy nhiên cô luôn thể hiện tài năng vượt trội so với các bạn đồng trang lứa, mà rõ nhất là sức bật, tầm đánh và lực đánh bóng.
Trải qua quãng thời gian khổ luyện, ở 17 tuổi Đỗ Thị Minh bắt đầu có những dấu ấn đầu tiên khi dần chen chân được vào đội hình chính Bộ Tư lệnh Thông tin. Và rồi cũng chỉ 1 năm sau, cô được triệu tập lên ĐTQG.
Chỉ cao có 1m74 song tầm bật nhảy đạt tới 3m, Đỗ Thị Minh luôn đóng vai trò “máy ghi điểm” với cái cổ tay cực khỏe và khéo. Cô hợp với Phạm Thị Yến trở thành một cặp chủ công khét tiếng một thời của đội tuyển.
|
Đơn Ca