Rất nhiều ý kiến phản đối, nghi ngờ khi Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất nguồn kinh phí 12.000 tỉ để đào tạo 9.000 tiến sỹ và đã được Quốc Hội đồng ý hôm 14/11. Thực ra, phần lớn ý kiến phản đối đều biểu hiện nhận thức sai lầm về bằng tiến sĩ và mục tiêu đào tạo tiến sỹ.
Đào tạo tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý, lãnh đạo. Đào tạo tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC và NGHIÊN CỨU KHOA HỌC. Hiện nay, chỉ riêng trong các trường đại học tỉ lệ Tiến sỹ còn rất thấp.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2016-2017, trong 235 trường đại học ở nước ta, số lượng giảng viên là 72.792 người. Trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%). Có 4.687 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4113 phó giáo sư (chiếm 5,6%).
Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả NGHIÊN CỨU KHOA HỌC tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN.
Trong thời gian 10 năm (từ 1996 – 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore. Trong giai đoạn 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế. Số lượng công trình nghiên cứu tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Số lượng công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế.
Đấy là lý do để Quốc Hội chấp nhận đề xuất của Bộ GD&ĐT cấp 12.000 tỉ để đào tạo 9.000 tiến sỹ cho các trường đại học và các viện nghiên cứu.
Chuyện đáng bàn là thời gian qua đã có quá nhiều tiến sỹ “ra lò”, lạm phát tiến sỹ do đâu? Có hai lý do dẫn đến nạn lạm phát.
Thứ nhất, không biết từ bao giờ đã có một quan niệm sai lầm rằng bất cứ người làm trong ngành nào, kể cả quan chức và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người có học vị càng cao càng “lãnh đạo” giỏi. Đề bạt cán bộ quản lý cũng coi như đó là một tiêu chí ưu tiên.
Do quan niệm sai lầm này, nhà nước đã cấp kinh phí cho quan chức đi làm nghiên cứu sinh tại chức để lấy bằng tiến sĩ, thạc sỹ. Do vậy quan chức tranh nhau đi học bằng tiền ngân sách để lấy bằng và nạn học giả lấy bằng thật trở thành phổ biến, làm lãng phí nguồn lực xã hội và gây ra nạn lạm phát văn bằng tiến sĩ, thạc sỹ.
Người làm nghiên cứu sinh nhiều thì nhiều loại đề tài, sao chép lẫn nhau. Giáo sư hướng dẫn không đủ, không đúng chuyên ngành, hội đồng đánh giá tùy tiện, cảm tính, thiên vị…
Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo với những đề tài luận án rất vô bổ, nông cạn nhưng vẫn được đầu tư nghiên cứu, được cả một hội đồng các Tiến sĩ thông qua… để công nhận học vị của rất nhiều người kiểu “lò ấp” nên đã trở thành đề tài để xã hội đàm tiếu, nhạo báng, coi thường.
Khi ra ngoài xã hội, những tiến sĩ được “ấp” và tiến sĩ “thật”, lăn lộn thực tế, nghiên cứu, đóng góp hàm lượng khoa học cao đều được đánh giá như nhau. Thực tế này đã khiến không ít ông tiến sĩ thật “mủi lòng” và cảm thấy mình bị hạ thấp, bất mãn.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đã có quá nhiều sai lầm đối với nạn “lạm phát tiến sỹ”. Bộ GD&ĐT đã phung phí quá nhiều tiền ngân sách để đào tạo CÁN BỘ QUẢN LÝ lên thạc sỹ, tiến sỹ qua việc cấp chỉ tiêu, tiền cho các cơ sở đào tạo sai mục tiêu. Điều này có thể kiểm chứng qua đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ trong các cơ quan quản lý nhà nước đến mức TP Hà Nội kêu khó giảm biên chế vì ở Xã, Phường cũng có thạc sỹ, tiến sỹ!
Nghiên cứu sinh tự do, cán bộ quản lý có thể theo đuổi chương trình thạc sỹ, tiến sĩ nhưng nghiên cứu sinh phải có đủ trình độ đầu vào và quan trọng là phải TỰ TRANG TRẢI kinh phí học tập, thời gian học tập. Kinh phí từ ngân sách nhà nước không dành cho đối tượng này. Đáng tiếc, hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn cấp kinh phí cho đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ngoài các trường và các viện nghiên cứu.
Giáo sư hướng dẫn và hội đồng thẩm định, chấm luận án phải đúng chuyên ngành, hiểu sâu vấn đề. Trên thực tế, nhiều trường đại học thành lập hội đồng thẩm định, chấm luận án không dễ dàng kiếm được hội đồng đúng chuyên ngành mà chỉ lấy học vị làm tiêu chí. Đề tài của nghiên cứu sinh thì rất cụ thể, chuyên ngành hẹp nên đánh giá rất tùy tiện.
Vấn nạn hạ thấp đầu vào của nghiên cứu sinh về ngoại ngữ, về bài báo công bố cho “nợ” đầu vào nhưng đến lúc cấp bằng không trả được vẫn tốt nghiệp. Nghiên cứu sinh tốt nghiệp đại học tại chức, thậm chỉ cử tuyển không ít. Thực tế cho thấy, không ít tiến sỹ “mù” ngoại ngữ. Tiến sỹ không có đề tài nghiên cứu khoa học nào. Nếu rà soát lại có thể treo bằng nhiều người.
Vấn nạn xin cho chỉ tiêu đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ vẫn còn đó. Tháng 7/2017 vừa qua, Webometrics công bố bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới, trong đó Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội vươn lên vị trí đầu tiên trong các trường đại học của Việt Nam. Năm 2017 ĐHBK HN tuyển sinh 32 ngành khác nhau chỉ được 800 học viên sau đại học. Trong khi đó, ĐH Lương Thế Vinh (một trường không tuyển được học viên đại học) nhưng chỉ tuyển 1 ngành duy nhất cũng được 200 học viên/1 năm sau đại học.
Do đó, hơn bao giờ hết cần xác định mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Đó là tạo ra một đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện ở đại học hoặc các viện nghiên cứu của cơ quan nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước (nhất là nghiên cứu ứng dụng). Những người thuần tuý quản lý doanh nghiệp hoặc quản lý hành chính không cần văn bằng tiến sĩ.
Dĩ nhiên có trường hợp một số quan chức hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có bằng tiến sĩ ở các trường, viện nghiên cứu chuyển công tác vẫn phát huy được khả năng quản lý thì tiến sỹ không phải là tiêu chí ưu tiên.
Sửa được những lỗi trên thì chất lượng đào tạo tiến sỹ sẽ tốt hơn. Các trường đại học sẽ không thiếu tiến sỹ.
Blog Mõ làng