20 năm kể từ khi Internet chính thức được kết nối ở Việt Nam, không nghi ngờ gì nữa, đó là dấu ấn quan trọng của thời hội nhập. Hay nói cho chính xác Internet là bước hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất của đời sống xã hội ở Việt Nam với thế giới bên ngoài.
Lợi ích mà Internet đem lại không thể nào đo đếm được.
Trên thế giới, kể từ khi ra đời, Internet đã trở thành cuộc cách mạng công nghệ vĩ đại trong lịch sử loài người. Ngoài một thế giới thật mà chúng ta đang sống, nhân loại bây giờ có một thế giới khác, giống như trong truyện khoa học viễn tưởng xa xưa: Người ở khắp nơi trên thế giới, có khi cách nhau đến cả nửa vòng Trái Đất vẫn kết nối được với nhau, nhìn thấy nhau, biết mọi hoạt động của nhau. Có thể nói không ngoa rằng nhân loại đã có thêm (thực chất là thay đổi) một phương thức giao tiếp mới. Lợi ích mà Internet đem lại không thể nào đo đếm được.
Tháng 11/1997, Internet chính thức vào Việt Nam. Đây là thời điểm quan trọng của một quyết định có tính bước ngoặt – một quyết định đúng đắn khiến Việt Nam đã gần như được song hành cùng thế giới trong cuộc cách mạng thông tin này. TS Mai Liêm Trực – khi đó đang là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, là một trong những người có công đầu trong việc đề xuất để Internet được chấp nhận ở Việt Nam, kể: “Khi Chính phủ lắng nghe đề xuất đầu tiên, nhiều lo ngại được đề cập như nguy cơ lộ bí mật nhà nước hay liệu có quản được thông tin độc hại không. Những lo ngại đó hoàn toàn chính đáng. Chúng ta đã hy sinh, mất mát quá lớn trong chiến tranh nên phải thận trọng. Nhưng không kết nối Internet thì Việt Nam không thể hội nhập”.
Nhìn lại chặng đường 20 năm Internet vào Việt Nam, có thể nhớ lại những dấu mốc đặc biệt: Ngày 19/11/1997, Ban Điều phối quốc gia mạng Internet trao giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ kết nối, truy nhập Internet. “Internet Việt Nam” ra đời. Đến ngày 1/12/1997, Internet được cung cấp cho đông đảo người sử dụng. Năm 2002, FPT trở thành công ty tư nhân đầu tiên phá vỡ thế độc quyền của VNPT (khi đó là VDC) trong việc cung cấp dịch vụ kết nối đường truyền Internet tại Việt Nam.
Tháng 4/2003, giá cước Internet và điện thoại giảm “chưa từng có”, lên đến 40%, đã trở thành cú hích cho phổ cập Internet. Cộng với sự ra đời của dịch vụ Internet ADSL (băng rộng hữu tuyến) vào tháng 5/2003, số người sử dụng Internet tăng đột biến. Cùng lúc đó, dịch vụ kết nối qua mạng 3G chính thức được triển khai từ tháng 10/2009 – đánh dấu thời kỳ phát triển của Internet băng rộng vô tuyến – và sự thâm nhập mạnh mẽ của smartphone đã khiến Internet ở Việt Nam bước vào giai đoạn bùng nổ.
Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng về Internet cao nhất trên thế giới. Sau hai thập kỷ, đến nay Việt Nam đã có hơn 50 triệu người dùng Internet, nằm trong số ít những thị trường mà số người dùng Internet nhiều hơn số người không dùng, chiếm 53% tổng dân số.
Có lợi thế tham gia từ rất sớm, Internet ở Việt Nam có sự phát triển chóng mặt kéo theo sự phát triển sôi động của mạng xã hội. Đặc biệt là kể từ sau năm 2009, khi mạng Yahoo 360 ngừng hoạt động, Facebook đã trở thành trang mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất ở Việt Nam (điều này tương đương với sự phát triển của thị trường smartphone).
Cho dù còn có rất nhiều vấn đề cần phải bàn, không thể phủ nhận, 20 năm qua, Internet thực sự làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội tại Việt Nam – những thay đổi ở quy mô xã hội cũng như cá nhân con người. Và giờ đây, khi Chính phủ kêu gọi kiến tạo và khởi nghiệp, thì có đủ tiền đề để có thể thực hiện tinh thần ấy. Ví dụ như chỉ cần có máy tính kết nối Internet, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp, thậm chí với cả thị trường bên ngoài.
Nói như thế không phải Internet chỉ đem lại thuận lợi, đúng như những lo lắng buổi đầu tiên, mặt trái của Internet cũng đã xuất lộ rất sớm và ngày càng trở thành vấn đề của xã hội. Việc này cũng là vấn đề chung của cả thế giới không phải chỉ riêng ở Việt Nam, trong đó, đơn giản nhất, dễ thấy nhất là căn bệnh nghiện Internet. Nhất là đối với mạng xã hội Facebook, số người nghiện dùng đang ngày một tăng lên tới mức ở Châu Âu, đã từng có những làn sóng từ bỏ trang mạng xã hội này. Lý do chính là vì các mặt trái của việc tham gia Facebook như vấn đề bảo mật riêng tư, sự mệt mỏi về những thông tin nhảm và lo sợ sẽ trở thành người nghiện. Nhưng ngay cả trong trường hợp muốn từ bỏ Facebook cũng không phải dễ bởi vì những bộ óc siêu việt của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này “có cả một khoa học làm lệch hướng người muốn từ bỏ nó”.
Tác giả Nicholas Carr – cựu Tổng biên tập tạp chí Kinh doanh Havard trong cuốn sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta?” đã gọi Google là một giáo hội và coi trí tuệ của chúng ta là trí tuệ giả tạo nếu chúng ta dựa vào máy tính làm trung gian cho sự hiểu biết về thế giới. Carr nhấn mạnh về những mối hiểm họa của công nghệ và đề nghị phải nhìn lại đời sống tôn thờ công nghệ và chủ nghĩa duy công nghệ đang thống trị não trạng con người…
Ở Việt Nam gần đây, trong khi thảo luận về Dự luật An ninh mạng, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải quản lý, thậm chí là ngăn cản các trang mạng xã hội vì mặt trái nguy hiểm của nó, trong đó có cả nguy cơ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, chúng ta không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển Internet vì bất kể lý do gì. Và Luật này ra đời, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động của từng cá nhân chứ không phải chỉ là vấn đề an ninh chung của quốc gia.
20 năm có mặt ở Việt Nam, Internet đúng nghĩa đã trở thành mạch máu của cơ thể xã hội, mà vẫn như lời Bộ trưởng Tô Lâm thì “Chúng ta không thể ngăn được dòng tuần hoàn đó, nó phải phát triển lên vì nó nuôi sống con người, cung cấp thông tin để chúng ta phát triển lên”. Cho nên, nếu vì đảm bảo an ninh, không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rất lạc hậu, không thể “chơi được với ai” hay hội nhập với thế giới.
Không còn cách nào khác, việc thúc đẩy Internet phát triển vẫn phải được tiếp tục trong sự phát triển chung của đất nước, chỉ là mỗi người phải có trách nhiệm cá nhân khi sử dụng mạng xã hội. Còn ở tầm quốc gia thì “phát triển đến đâu, an ninh an toàn phải đi theo đến đấy, phải song hành với nhau. Chúng ta vừa phải phát triển vừa phải đảm bảo an ninh an toàn”.
Thành Vĩnh