Tính tới ngày 21/11, theo công bố của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), Việt Nam có 92 thực thể nước ngoài (Offshore Entities), 22 cá nhân và 171 địa chỉ được nhắc đến trong các hồ sơ.
Dữ liệu có thể tìm thấy tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org.
Theo ICIJ, trong số hàng chục công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam thì có 14 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman, số còn lại đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook.
Virgin, Bahamas và Panama đều là những cái tên được mệnh danh là những “thiên đường thuế” (tax haven) bởi mức thuế ở đây rất ưu đãi, đồng thời việc thành lập doanh nghiệp tại đây tương đối dễ dàng.
Một số tổ chức, cá nhân trong hồ sơ có liên quan tới một số cái tên và địa danh khá nổi tiếng như: Phu Quoc, Hoi An, Furama, Ha Noi, TP.HCM…
Hồ sơ Paradise cũng tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 chính trị gia, tài phiệt thế giới. Mỹ có gần 8 ngàn thực thể nước ngoài, 27 ngàn cá nhân; Trung Quốc có gần 4,7 ngàn thực tế, 39 ngàn cá nhân…
Hiện tượng các đại gia, trong đó có các đại gia Việt lộ khối tiền triệu, tỷ USD ở nước ngoài đã được phơi bày trong các hồ sơ trước, trong đó có Panama Papers.
Hồ sơ Panama và giờ đây là Paradise cảnh báo nguy cơ lách thuế, trốn thuế của các tổ chức, cá nhân liên quan ở Việt Nam thông qua các giao dịch xuyên quốc gia. Đây không phải là lần đầu tiên các đại gia Việt lộ khối tiền triệu đô, các giao dịch mua bán tài sản lớn ở nước ngoài.
Trước đó, Hồ sơ Panama công bố hôm 10/5/2016 cũng đã công bố Việt Nam, có 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian trong danh sách này. Nhưng rồi, các vụ việc nếu không dang dở thì cũng rơi vào quên lãng.