Các kênh thanh toán qua ngân hàng điện tử, ví điện tử… đang được khuyến khích nhằm giảm tải cho ATM
Nhiều doanh nghiệp đang chi lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên, công nhân khiến lượng giao dịch qua ATM tăng đột biến. Bắt đầu xuất hiện những trục trặc gây phiền hà cho người dùng.
1-2 giờ là hết tiền
Ngày 19-1, tức 25 tháng chạp âm lịch, trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Võ Trần (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) tỏ ra lo lắng vì chưa biết khi nào Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, nơi anh Trần dùng thẻ ATM) mới tra soát xong và hoàn lại cho anh số tiền 3 triệu đồng mà máy ATM “nuốt” mấy ngày trước. “Hai ngày trước, tôi có ghé máy ATM ở trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP HCM) rút tiền. Tuy nhiên, máy ATM của Sacombank báo giao dịch không được, còn máy của Vietcombank ngay bên cạnh giao dịch bị lỗi nhưng trên đường về, tôi lại nhận được nhắn tin báo tài khoản bị trừ 3 triệu đồng. Nhân viên tổng đài Eximbank báo do hệ thống bị lỗi và tôi phải chờ tra soát trong vòng 7 ngày làm việc mới được hoàn tiền trong khi Tết đã cận kề. Nhiều công nhân chỉ được thưởng vài triệu mà máy ATM “nuốt” 3 triệu đồng như tôi thì sao có tiền xài Tết?” – anh Võ Trần than.
Lượng người rút tiền trên máy ATM đang tăng vọt những ngày gần đây Ảnh: Tấn Thạnh
Theo ghi nhận của phóng viên, những trường hợp như anh Võ Trần mấy ngày nay ở TP HCM không hiếm do nhu cầu rút tiền mua sắm, chi tiêu dịp Tết đang tăng vọt. Các NH thương mại cho biết đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó, chống nghẽn hệ thống ATM dịp Tết. NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cũng yêu cầu các NH thương mại trên địa bàn thường xuyên tiếp quỹ, bảo trì ATM để tránh sự cố, không để ATM hết tiền trong vòng 24 giờ… Tuy vậy, rất nhiều người dù may mắn không bị “nuốt” tiền hay thẻ cũng phải vất vả chạy lòng vòng hoặc xếp hàng rất lâu mới rút được 10-20 triệu đồng.
Lý giải về tình trạng này, ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), phân tích thông thường một máy ATM có nhiều người giao dịch sẽ hết tiền trong vòng 2 ngày. Thế nhưng vào dịp Tết, nhu cầu tiền ATM tăng đột biến, đặc biệt là máy đặt tại các KCN, nên chỉ trong vòng 1-2 giờ là hết tiền. Do vị trí các máy ATM tại các KCN thường nằm xa trụ sở NH nên xe chở tiền và nhân viên phải mất 3-4 giờ di chuyển mới kịp tiếp ứng. Còn các máy đặt tại trung tâm thương mại, khu dân cư… thường gắn liền với công tác quản lý của các chi nhánh NH nên việc tiếp ứng khắc phục trục trặc sẽ nhanh hơn. Riêng những máy ATM hết tiền hoặc bị lỗi vào cuối ngày thì hôm sau các NH mới xử lý được.
Theo số liệu của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, toàn hệ thống máy ATM trên địa bàn đến cuối năm 2019 đạt khoảng 4.100 máy và khoảng 80.000 máy POS nhưng phải gánh áp lực rút tiền, giao dịch rất lớn vào dịp Tết. Cụ thể, chỉ tính riêng hệ thống KCN-KCX trên địa bàn TP, hệ thống NH thương mại đã chi khoảng hơn 4.930 tỉ đồng lương, thưởng Tết của trên 355.000 lao động trong dịp Tết này.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đơn vị đã làm việc với Ban Quản lý các KCN-KCX, NH thương mại, các doanh nghiệp có lượng công nhân lớn để chủ động hỗ trợ và tạo điều kiện cho người lao động nhận được lương, thưởng sớm, tránh quá tải ATM dịp Tết. “Một số doanh nghiệp có từ vài ngàn người lao động trở lên sẽ được NH thương mại hỗ trợ chi trả lương – thưởng bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở, để giảm tải áp lực lên máy ATM” – ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Khuyến khích giao dịch online
Dù tình trạng trục trặc tại một số ATM ở một vài thời điểm là khó tránh khi lượng giao dịch tăng đột biến nhưng các NH thương mại cho biết giao dịch qua hệ thống ATM dịp Tết đã giảm khá mạnh trong 2 năm qua, khi các kênh thanh toán điện tử phát triển mạnh.
Chị Lê Thị Diệp (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết khoảng 1 năm trở lại đây, chị đăng ký sử dụng dịch vụ NH điện tử của 3 NH thương mại và cài đặt các ứng dụng (app) thanh toán trên điện thoại nên rất ít khi rút tiền mặt tại máy ATM. Khi cần chuyển khoản, mua sắm hàng hóa, dịch vụ chỉ cần mở app thực hiện một vài thao tác là xong, không phải tốn thời gian ra ngân hàng hay rút tiền ở ATM như trước. “Vừa tiện lợi lại còn được nhiều ưu đãi từ các nhà cung cấp dịch vụ trên app” – chị Diệp nhận xét.
Theo ông Từ Tiến Phát, nhiều chủ thẻ đã quen giao dịch với NH trên điện thoại thông minh và gần như không rút tiền từ ATM, chuyển tiền cho người khác thông qua NH điện tử, ví điện tử… Mặt khác, do điểm chấp nhận thanh toán thẻ ngày càng nhiều, số lượng máy ATM được bố trí rộng khắp các tỉnh, thành nên áp lực rút tiền trên máy ATM chỉ xảy ra cục bộ.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết trong năm 2019, cơ cấu giao dịch thông qua hệ thống NAPAS có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM sang chuyển mạch thanh toán liên NH. Tỉ trọng giao dịch ATM năm 2018 chiếm 62% đã giảm chỉ còn 42% năm 2019, trong khi tỉ trọng giao dịch thanh toán liên NH tăng từ 26% năm 2018 lên tới 48% trong năm 2019. Điều này cho thấy thói quen thanh toán của người tiêu dùng đang dần thay đổi, từ việc rút tiền mặt qua ATM để chi tiêu sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh NH điện tử.
Đại diện NH Nhà nước cũng thừa nhận xu hướng NH số và thanh toán không dùng tiền mặt là yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực cho ATM. Chỉ tính riêng tại TP, đã giảm được 15%-17% nhu cầu sử dụng tiền mặt và rút tiền tại các ATM. Năm 2019, các NH thương mại tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán, triển khai ứng dụng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Nhờ đó, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, dịp Tết này, các NH, ví điện tử, đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng tăng cường ưu đãi, giảm giả, chiết khấu… để khuyến khích người dùng thanh toán không dùng tiền mặt.