Saturday, November 23, 2024

Tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội: Kỷ cương, kỷ luật và văn hóa nghị trường

Trong tuần làm việc thứ hai, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với những câu chuyện nóng bên ngoài xã hội.

Tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã trôi qua với phần lớn thời gian dành cho các phiên thảo luận trực tiếp. Quốc hội dành 3,5 ngày trên tổng số 5 ngày để thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước.

Trong đó, câu chuyện xuyên suốt được bàn đến là kỷ cương, kỷ luật. Ở đâu và lúc nào, kỷ cương được thực hiện nghiêm túc thì ở đó có kết quả tốt và ngược lại.

Tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội: Kỷ cương, kỷ luật và văn hóa nghị trường

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra tại phiên thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016. Ảnh: Quang Vinh

Tại phiên thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, các cụm từ được sử dụng nhiều là: phình to, chồng chéo, trùng lắp, ôm đồm, đùn đẩy, kém hiệu quả…. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Ngân sách nào nuôi nổi bộ máy cồng kềnh? Tình trạng tăng biên chế, phình bộ máy thì trách nhiệm thuộc về ai? Phải kỷ luật thế nào? Tại sao cùng một chủ trương mà nơi này làm được, nơi kia lại không? Điển hình là có đến 17 trong tổng số 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ duy trì tầng nấc trung gian là Tổng cục, trong khi 5 Bộ và cơ quan ngang Bộ không có đơn vị này vẫn hoạt động bình thường? …

Ngay tại Nghị trường cũng đã tìm ra câu trả lời: Muốn tinh gọn bộ máy, giảm biên chế thì Trung ương làm trước, rồi đến tỉnh, đến huyện; Phải coi tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng để có quyết tâm xử lý…Thế nhưng, nói thì dễ, làm thì khó. Nói là tinh giản nhưng ai sẽ từ bỏ chiếc ghế của mình? Chỉ dựa vào tự nguyện thì không bao giờ giải quyết nổi và nếu Trung ương cố giảm, ở dưới lại tăng thì tinh giản có ý nghĩa gì?

Vì vậy, trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, một đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ: dù có phải lấy đá ghè chân chính mình thì cũng phải làm vì đã đến lúc, người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả.  Nghị quyết Trung ương 6 đã có, quyết tâm đã rõ, biện pháp đã thông, vấn đề còn lại là hành động quyết liệt và vai trò của người đứng đầu cấp ủy.

Một Chính phủ hành động, kiến tạo mà bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều vị trí trung gian sẽ khó có thể hoạt động hiệu quả. Một Chính phủ hành động mà trên nóng- dưới lạnh, đùn đẩy trách nhiệm thì dù kinh tế có tăng trưởng cũng thiếu bền vững.

Trong 2,5 ngày thảo luận về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, rất nhiều ý kiến ghi nhận, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự sát sao, vất vả, lo toan của Thủ tướng. Rất nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, nhiều cán bộ vi phạm bị xử lý, các tổ công tác của Thủ tướng phát huy vai trò của mình trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ở các Bộ, ngành, địa phương…

Tuy nhiên, lực cản lớn nhất vẫn là sự chây ì của nền hành chính, là sự tắc trách, vô cảm của cán bộ, là lợi ích nhóm chi phối trong các quyết định, là sự thiếu minh bạch trong triển khai các chủ trương, chính sách. Muốn đất nước phát triển bền vững, muốn người dân tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ thì không có cách nào khác là tất cả đều “nóng”, chứ không thể “trên nóng, dưới lạnh”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu cơ quan hành pháp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, buộc cấp dưới phải chủ động, năng động thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của mình.

Những phiên thảo luận trực tiếp tuần này cũng tiếp tục ghi nhận văn hóa tranh luận tại nghị trường. Nhiều đại biểu thẳng thắn trao đi, đổi lại một vấn đề trên tinh thần xây dựng, giải đáp những băn khoăn của cử tri và nhân dân cả nước. Văn hóa tranh luận được thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã làm cho nghị trường sôi động, gần gũi và dân chủ hơn.

Song, không hẳn tất cả những đại biểu bật tín hiệu “ tranh luận” đều đã làm cử tri hài lòng. Thay vì 3 phút tranh luận, có người sử dụng đến 7 phút. Thay vì phản bác ý kiến trước đó, có đại biểu lại đọc một bài phát biểu chuẩn bị sẵn làm cho văn hóa tranh luận tại nghị trường không thật sự phát huy hiệu quả.

Bên trong nghị trường là vậy, những câu chuyện bên lề Quốc hội cũng được cử tri đặc biệt quan tâm. Đó là trường hợp cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh nhận mức lương hưu 1,3 triệu/tháng sau hơn 30 năm gắn bó với nghề; Hay như trường hợp khăn lụa Khaisilk…

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, người đừng đầu ngành Giáo dục, Công thương đều đã lên tiếng. Không chỉ thể hiện sự trăn trở trong thực hiện chủ trương, chính sách mà những vị tư lệnh ngành cũng đã chỉ đạo kịp thời đối với lĩnh vực mình được phân công phụ trách.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sẽ còn nhiều nội dung quan trọng, nhiều phiên thảo luận trực tiếp. Cử tri mong muốn các đại biểu của mình tiếp tục phát huy trách nhiệm, phản ánh chân thực những khó khăn, vướng mắc để Quốc hội thể chế hóa trong các chủ trương, chính sách và pháp luật./.

Hương Giang/VOV

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG