Sunday, May 12, 2024

100 năm cách mạng tháng Mười Nga

Ngày 7/11/2017 sẽ đánh dấu tròn 100 năm Cách mạng tháng mười (CMT10) Nga – cuộc cách mạng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Đây được xem như một ngày trọng đại không chỉ đối với người dân Nga, mà còn đối với nhân dân trên toàn thế giới. CMT10 đã đánh dấu bước ngoặt căn bản trong lịch sử nước Nga và đã có những đóng góp to lớn không thể phủ nhận đối với nhân loại.

100 năm cách mạng tháng Mười Nga

Trước hết, trả lời câu hỏi tại sao CMT10 nhưng lại diễn ra vào tháng 11?Sở dĩ như vậy là bởi sự khác biệt trong hệ thống lịch mà người Nga sử dụng thời điểm đó so với hiện nay. Cho đến trước năm 1918, nước Nga vẫn sử dụng lịch Julius – lịch này chậm khoảng 2 tuần so với lịch Gregorius, tức Công lịch mà quốc tế sử dụng rộng rãi như hiện nay (xuất phát từ sự khác biệt của hai hệ thống lịch này cũng đem đến điều thú vị, trong số đó có ngày Lễ Giáng sinh. Ở Nga, Giáng sinh được tổ chức vào ngày 07/01 hàng năm chứ không phải vào ngày 25/12 như chúng ta thường thấy).

Ngày 25/10/1917, tức 07/11 theo lịch mới, những binh sĩ cách mạng – đội Cận vệ đỏ của công nhân, binh lính cách mạng và thủy binh hạm đội Ban Tích dưới sự chỉ huy của V.I. Lê nin đã tấn công vào cung điện Mùa Đông, lật đổ chính phủ tư sản lâm thời, giành chính quyền về tay giai cấp vô sản, khai sinh ra nước Nga Xô viết – nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Chiến thắng vang dội của CMT10 Nga mang trong mình một giá trị trường tồn đối với lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, đưa toàn nhân loại đến một thế giới không còn áp bức và bóc lột. CMT10 Nga – cuộc cách mạng khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực, một kiểu phát triển xã hội mới, công bằng và dân chủ hơn. Như Tổng thống Nga Putin khẳng định rằng sự kiện 100 năm CMT10 sẽ được đón nhận như biểu tượng của việc vượt qua chia rẽ các tầng lớp trong xã hội.

Nối tiếp thành công của cuộc cách mạng lịch sử này, Liên Xô lúc bấy giờ đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, nhất là đã huy động được lực lượng vật chất và tinh thần đánh thắng các thế lực đế quốc và phát xít tàn bạo trong hai cuộc chiến tranh thế giới; hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Động lực của những sự phát triển mạnh mẽ ấy chính là bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đối với cách mạng Việt Nam, bài học nhận được từ cuộc CMT10 này là vô cùng to lớn.  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như Mặt Trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất”, và Bác đã đúc rút ra bài học về việc “cần có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, có phương pháp cách mạng đúng đắn”. Và điều này đã được vận dụng triêt để vào tiến trình cách mạng Việt Nam. Những thành tựu đạt được trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cho đến những kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự vận dụng đúng đắn bài học từ CMT10 vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta.

Tuy nhiên, ưu việt là thế, chiến tích lẫy lừng là thế, nhưng tại sao đến thời điểm năm 1991, Liên bang Xô Viết – thành quả vĩ đại của CMT10 Nga lại bị sụp đổ? Phải chăng thành tựu đó chỉ là nhất thời? Con đường đi theo mô hình chủ nghĩa xã hội là sai?

Đã có nhiều nguyên nhân cả về khách quan và chủ quan đưa đến sự sụp đổ của nhà nước Xô viết được chỉ ra. Trong số đó có thể kể đến những người đại diện cho nhân dân khi đó đã không nhận thức một cách đầy đủ và sửa chữa tích cực những khuyết tật của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, đã làm cho người dân lao động dần mất niềm tin vào sự lãnh đạo của đảng. Rồi thậm chí đảng tự tha hóa, tự diễn biến, trong khi bên ngoài những lực lượng phản cách mạng trong nước kết hợp với những thế lực thù địch bên ngoài luôn âm mưu phá hủy đất nước.

Sự sụp đổ của một tượng đài Xô viết là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới. Nhưng đúng như tổng thống Nga Putin đã nói “ai không tiếc về sự đổ vỡ của Liên bang Xô Viết người ấy không có trái tim, còn ai muốn tái lập nó giống như cũ người ấy không có khối óc”. Điều này có nghĩa rằng những giá trị mà CMT10 đã để lại là điều không thể phủ nhận, nhưng chúng ta sẽ không thể tồn tại và phát triển trong một xã hội đang thay đổi từng giờ từng phút, nếu như chúng ta chỉ là những kẻ ăn mày dĩ vãng, chỉ biết bước theo ánh hào quang của quá khứ một cách cứng nhắc, thiếu sang tạo. Con đường chủ nghĩa xã hội vẫn luôn là hướng đi đúng đắn, kiên định đi theo con đường đó vẫn là phù hợp, nhưng bước đi trên con đường đó phải luôn đi kèm với những sự thay đổi, sự sang tạo, sự linh hoạt thích ứng với những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.

Một thế kỷ đã trôi qua, nhưng giá trị cuộc CMT10 Nga, bài học từ sự hình thành và sụp đổ của Liên bang Xô viết thì vẫn luôn là một vấn đề mang tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam. Đảng ta luôn xác định kiên định theo con đường chủ nghĩa xã hội, thành tựu chúng ta đã đạt được không ít, nhưng để đi được đến đích chúng ta phải luôn ghi nhớ bài học xương máu: phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, tạo dựng được niềm tin tuyệt đối cho nhân dân; đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất, không để xảy ra tình trạng tự diễn biến trong nội bộ Đảng. Còn riêng đối với những đối tượng phản cách mạng, những thế lực thù địch luôn âm mưu phá hoại thì nhất định chúng ta không được nương nhẹ, phải cần có những chế tài xử lý mạnh tay, nghiêm khắc hơn nữa, không để cho chúng có cơ hội thực hiện các hành vi phá hoại.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG