Saturday, November 23, 2024

Thất vọng vụ ông Phạm Sỹ Quý

Với những sai phạm quá lớn, dư luận trông chờ ông Phạm Sỹ Quý sẽ bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, ông Quý vẫn được tỉnh Yên Bái tin tưởng, tín nhiệm, điều động qua làm phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh và khối tài sản khổng lồ vẫn an toàn

Vừa qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) của tỉnh. Theo đó, áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Quý; cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở TN-MT Yên Bái; điều động ông Quý đến nhận công tác tại Văn phòng HĐND tỉnh, đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh văn phòng HĐND.

Cũng cần nhắc lại trước đó, Thanh tra Chính phủ kết luận ông Quý có nhiều sai phạm như: kê khai tài sản, thu nhập không trung thực trong một thời gian dài; không kê khai nhiều ngàn mét vuông đất ở, đất nông nghiệp do vợ đứng tên, nhiều thửa đất gia đình ông Quý sở hữu được chuyển đổi sai mục đích; vi phạm quy định tại khoản 4, điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng với vai trò của người đứng đầu Sở TN-MT…

Với những sai phạm quá lớn, có biểu hiện tư lợi mà Thanh tra Chính phủ kết luận, dư luận trông đợi diễn biến tiếp theo là xử lý như thế nào, đặc biệt là việc truy đến cùng tài sản của ông Quý- mấu chốt để làm rõ ông Quý có tham nhũng hay không, bởi một người cán bộ hưởng lương Nhà nước, lấy đâu ra khối tài sản kếch xù như vậy? Nếu tài sản bất minh thì tịch thu, bán đấu giá, sung công quỹ và thậm chí xử lý hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Như vậy mới gọi là kỷ luật nghiêm minh.

Thế nhưng, cuối cùng ông Quý vẫn được tỉnh Yên Bái tin tưởng, tín nhiệm, điều động qua làm phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh và khối tài sản khổng lồ vẫn an toàn, khiến dư luận thất vọng. Vì sao thanh tra phát hiện nhiều sai phạm lại không đi đến tận cùng sự việc: loại trừ khỏi bộ máy công quyền và truy tìm nguồn gốc tài sản? Vì sao Nghị quyết của Ban Bí thư không cho phép luân chuyển cán bộ yếu kém biến chất tham nhũng nhưng tỉnh Yên Bái vẫn thực hiện điều chuyển công tác ông Quý qua HĐND tỉnh với chức danh phó chánh văn phòng? Làm vậy có khác nào dung túng, bao che, thách thức dư luận? Làm vậy sao gọi là xử lý nghiêm minh, chống tham nhũng quyết liệt? Làm vậy sao có tính răn đe? Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không thể nào cán bộ cứ làm sai rồi giơ cao đánh khẽ, sau một thời gian sóng yên biển lặng lại được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn một cách “đúng quy trình”.

Thời gian qua, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Đảng đã quyết tâm và khơi được dòng chảy bằng nhiều cách làm cụ thể, đập tan những hoài nghi ban đầu về cuộc chiến với “giặc nội xâm”. Hàng loạt vụ việc tiêu cực bị phanh phui, nhiều cán bộ, thậm chí cả cán bộ cấp cao đã bị xử lý. Đó là minh chứng cho quyết tâm làm trong sạch mình của Đảng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở nơi này, nơi khác, cuộc chiến phòng chống tham nhũng vẫn còn nửa vời, né tránh, “vuốt mặt nể mũi” mà điển hình là vụ việc ông Phạm Sỹ Quý.

Xin đừng chống tham nhũng nửa vời để rồi những cán bộ thoái hóa, biến chất lại cứ… ung dung tham nhũng.

Phạm Nguyễn Quỳnh Thư


Chủ tịch Yên Bái nói về việc điều ông Phạm Sỹ Quý sang HĐND

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy ngày 30-10 đã trả lời Báo Người Lao Động về việc điều chuyển ông Phạm Sỹ Quý sang làm phó Văn phòng HĐND tỉnh sau khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải thi hành kỷ luật nghiêm minh.

Hôm nay 30-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, liên quan đến việc xử lý kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, với những vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ trong kết luận được công bố ngày 23-10.

Thất vọng vụ ông Phạm Sỹ Quý

Ông Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra của TTCP ngày 23-10 – Ảnh: Nguyễn Hưởng

– Phóng viên: Việc xử lý kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý theo kiến nghị của TTCP đã được tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?

+ Ông Đỗ Đức Duy: Ngay sau khi kết luận thanh tra được công bố, tỉnh đã rất khẩn trương thực hiện các nội dung theo kết luận, trong đó có việc xem xét xử lý kỷ luật các cá nhân vi phạm. Đối với trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, tỉnh đã làm rất thận trọng, chặt chẽ, các bước theo quy định của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật nhà nước.

Cả về mặt Đảng và Chính quyền đều được tỉnh làm khẩn trương và rất nghiêm túc. Chúng tôi đã xem xét đầy đủ các căn cứ, các bước theo quy định để đưa ra hình thức kỷ luật cuối cùng như đã công bố.

– Quá trình xem xét, xử lý kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý, tỉnh có chịu “sức ép” nào không?

+ Chúng tôi tiến hành các bước rất khách quan, không chịu bất cứ sức ép nào. Bản thân người vi phạm cũng tự nhận thấy khuyết điểm.

Thất vọng vụ ông Phạm Sỹ Quý

“Biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái- Ảnh: Minh Chiến

Chúng tôi phải đối chiếu với các nội dung cán bộ có sai phạm theo kết luận thanh tra đã công bố. Xem xét các yếu tố chủ quan, khách quan có liên quan và căn cứ vào thái độ thành khẩn trong việc kiểm điểm của cán bộ có sai phạm.

– Theo ông, mức kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý như vậy đã “nghiêm minh” theo kết luận thanh tra?

+ Theo tôi, các vi phạm, khuyết điểm đã được xem xét thấu đáo. Mức kỷ luật cuối cùng mà tỉnh đưa ra là đúng người, đúng quy định, hợp tình hợp lý.

– Dư luận cho rằng điều chuyển ông Quý về làm Phó văn phòng HĐND sau khi bị kỷ luật là chưa hợp lý, bởi vị trí này tương đương phó giám đốc sở?

+ Theo phân cấp quản lý cán bộ, Phó văn phòng HĐND có hệ số phụ cấp chức vụ tương đương phó giám đốc sở. Nhưng chức trách của văn phòng HĐND khác với chức năng nhiệm vụ của các sở.

Thất vọng vụ ông Phạm Sỹ Quý

Ông Phạm Sỹ Quý tại buổi công bố kết luận thanh tra ngày 23-10 – Ảnh: Nguyễn Hưởng

Các sở là cơ quan quản lý nhà nước, là cơ quan chuyên môn trực thuộc cấp tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Còn Văn phòng HĐND không phải cơ quan quản lý nhà nước, mà là cơ quan giúp việc cho HĐND, thường trực HĐND, các đại biểu HĐND.

Hai vị trí này chỉ có hệ số phụ cấp là tương đương nhau, còn chức trách, nhiệm vụ là hoàn toàn khác nhau. Văn phòng HĐND là cơ quan có tính chất giúp việc, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước như các sở.

Trước đó vào ngày 23-10, TTCP đã công bố kết luận việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan đến khu đất tại tổ 42 và tổ 52, phường Tân Minh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Khu đất này thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý).

Kết luận thanh tra chỉ rõ ông Quý vi phạm khoản 4, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng khi để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Ngoài ra, TTCP xác định khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, ông Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp vợ đứng tên, không kê khai căn nhà đang xây dựng diện tích xây dựng 600 m2 tại tổ 51 phường Minh Tân và không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỉ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

TTCP cho rằng những vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh.

Ngày 27-10, ông Phạm Sỹ Quý bị thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo, cho thôi chức vụ Giám đốc Sở TN-MT; điều động đến nhận công tác tại tại Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, đảm nhiệm chức vụ Phó Văn phòng HĐND tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái cũng đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Quý, cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở TN-MT.

Bài-ảnh: Minh Chiến

Theo Người lao động

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG