Do không được tòa mời đích danh nên Thứ trưởng Trương Quốc Cường không có mặt tại phiên xử phúc thẩm VN Pharma, Bộ Y tế thông tin.
Chiều 26/10, Bộ Y tế tổ chức thông tin một số vấn đề liên quan đến vụ án VN Pharma đang được tòa án xử phúc thẩm. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường không có mặt tại cuộc họp này.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường là người cấp phép và ký công văn chuyển cơ quan điều tra
Ông Chu Đăng Trung, phụ trách truyền thông Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết cơ quan này chỉ nhận được giấy từ tòa TP HCM “mời đại diện Bộ Y tế và hai cán bộ trực tiếp” tham dự phiên xử phúc thẩm vụ án VN Pharma.
“Không có giấy mời đích danh Thứ trưởng Trương Quốc Cường”, đại diện Bộ Y tế khẳng định.
Liên quan đến vụ án Công ty VN Pharma làm giả hồ sơ nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capita năm 2014, Thứ trưởng Cường khi ấy là Cục trưởng Quản lý Dược đã ký giấy phép nhập khẩu thuốc. Trả lời câu hỏi vì sao đến nay ông Cường chưa xuất hiện lần nào để trả lời các vấn đề liên quan đến VN Pharma, ông Trung cho biết: “Ông Cường có vai trò Cục trưởng, Thứ trưởng chỉ đạo, ủy quyền các cá nhân tham gia với vai trò là đại diện của Bộ Y tế, không nhất thiết cá nhân ông Cường tham gia trả lời”.
Ông Trung cũng khẳng định: “Thứ trưởng không né tránh. Ông trực tiếp trả lời trước công luận thông qua đội ngũ cán bộ Bộ Y tế. Cơ quan trực tiếp là Cục Quản lý Dược có đại diện trả lời. Vấn đề ở đây không phải người nào ra trả lời mà cơ quan quản lý trực tiếp đối diện vấn đề”.
Hai cán bộ Bộ Y tế được tòa mời đích danh là ông Nguyễn Tất Đạt – Phó Cục trưởng Quản lý Dược và ông Phan Công Chiến, Trưởng phòng quản lý kinh doanh – chuyên gia tham gia thẩm định.
Bộ Y tế cử đại diện Bộ là ông Giang Hán Minh – Phó Chánh thanh tra, sau đó thêm ông Đỗ Trung Hưng – Phó Vụ trưởng Pháp chế, cùng đoàn chuyên gia của Cục Quản lý Dược.
Ông Trung khẳng định đoàn chuyên gia tham dự phiên tòa đều là cán bộ có chuyên môn, trực tiếp tham gia xem xét, kiểm tra, đánh giá cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita của VN Pharma. Bản thân ông Trung cũng dự phiên tòa xét xử phúc thẩm. Thời điểm cấp phép cho lô thuốc H-Capita, ông Trung là Trưởng phòng đăng ký thuốc. Ông Trung khi ấy cũng liên quan đến việc cấp phép số đăng ký cho 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals sản xuất.
Ông Chu Đăng Trung tại buổi họp báo Bộ Y tế chiều 26/10
Trong cuộc họp báo diễn ra gần một giờ, giải thích về vấn đề luân chuyển một số cá nhân liên quan đến vụ án lên vị trí cao hơn, ông Trung cho rằng không có khuất tất nào và họ đã được cơ quan điều tra kết luận là không vi phạm. Người phụ trách truyền thông của Cục Quản lý Dược đơn cử trường hợp ông Nguyễn Tất Đạt. Thời điểm xảy ra vụ VN Pharma, ông Đạt làm Trưởng phòng Quản lý Kinh doanh, hiện là Phó Cục trưởng Quản lý Dược.
Ông Trung cho biết, trách nhiệm của ông Đạt liên quan đến lô thuốc Capita đã được cơ quan điều tra công bố kết luận “không có vi phạm liên quan”.
“Với khuyến nghị của cơ quan điều tra, để đảm bảo tính khách quan trong xem xét nhập khẩu, Cục đã chuyển ông Đạt khỏi vị trí công tác có liên quan”, ông Trung giải thích.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định H-Capita là thuốc kém chất lượng. Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, kết quả giám định lô thuốc cho thấy hàm lượng dược chất chiếm 97,5% (giới hạn tiêu chuẩn cho phép 93-105%), chỉ tiêu tạp chất không định danh 0,17% vượt ngưỡng cho phép (0,1%).
Trong khi đó, căn cứ để xác định thuốc giả là không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác. Thuốc Capita không thuộc một trong 4 căn cứ này nên không phải là thuốc giả.
Khắc phục những sai sót liên quan vụ VN Pharma, Luật Dược 2016 đã bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành, nhập khẩu thuốc; kiểm tra đánh giá chất lượng nhà sản xuất trước khi cấp phép lưu hành… Các loại thuốc nước ngoài trước khi cấp phép lưu hành ở Việt Nam đều phải được kiểm tra đánh giá năng lực sản xuất trực tiếp hoặc thông qua công nhận, thừa nhận lẫn nhau.
Theo ông Trung, trước đây, ngành y tế đã thực hiện công tác đánh giá này với những loại thuốc có dấu hiệu nghi ngờ, cho vào danh sách “đen” kiểm tra 100% lô thuốc.