Sau sáu thập kỷ nỗ lực làm chủ công nghệ tàu ngầm phức tạp và đầy thách thức, Trung Quốc đã gia nhập nhóm Mỹ, Nga, Anh và Pháp trong câu lạc bộ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Đánh giá rõ ràng nhất từ trước đến nay về khả năng này của Trung Quốc, Lầu Năm Góc trong báo cáo thường niên mới nhất về quân đội Trung Quốc, được công bố vào tháng 8 năm ngoái, nói Bắc Kinh hiện có khả năng răn đe hạt nhân trên biển “đáng tin cậy”, theo tường trình đặc biệt của Reuters.
Một hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN), đánh dấu một bước phát triển khả năng hạt nhân của Trung Quốc. Mỗi tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc được trang bị 3 tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn ước tính 7.200 km, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Thực tế này đặt Mỹ trong tầm tấn công từ Tây Thái Bình Dương. Các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington ước tính tên lửa Trung Quốc có thể bay ít nhất 8.000 km. Trong khi đó, Mỹ tin rằng Trung Quốc có 100 tên lửa hạt nhân đặt trên trên đất liền.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có triển khai các tàu ngầm vũ trang đầy đủ để duy trì khả năng răn đe suốt ngày đêm hay không, như các cường quốc tàu ngầm tên lửa đạn đạo khác đã và đang làm. Một số nhà phân tích nghi ngờ Trung Quốc đã tiến xa đến vậy.
Tàu ngầm lớp Tấn (phía trước)
Nhưng Mỹ và các đồng minh đang hành xử như thể Trung Quốc đang làm thế. Một số quan chức quân sự phương Tây nói rằng, Mỹ và các đồng minh – bao gồm Nhật Bản, Úc và Anh – đã cố gắng theo dõi các của tàu ngầm tên lửa đạn đạo Trung Quốc như thể chúng được trang bị vũ khí đầy đủ và đang tuần tra răn đe.
Đô đốc Harry Harris, lúc đó là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói với một ủy ban quốc hội vào năm ngoái rằng các tàu ngầm lớp Tấn sẽ mang đến cho Trung Quốc khả năng chiến lược quan trọng mà Mỹ cần phải chống lại.
Phản ứng đó dường như đang xảy ra. Mỹ và các đồng minh đang mở rộng việc triển khai hải quân chống ngầm trên khắp Đông Á, bao gồm các cuộc tuần tra tăng cường của các máy bay P-8 Poseidon săn ngầm tiên tiến của Mỹ, ngoài khơi Singapore và Nhật Bản.
Tàu ngầm Trung Quốc trong một cuộc tập trận
Với lực lượng tên lửa hạt nhân tương đối nhỏ, Bắc Kinh luôn lo lắng rằng họ có thể dễ dàng tổn thương nếu bị tấn công trước. Những nỗi sợ hãi này đã được phóng đại khi các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc theo dõi Washington sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác trong các cuộc xung đột như chiến tranh vùng Vịnh, Afghanistan, Syria và chiến tranh vùng Balkan.
Có một thực tế: Bắc Kinh là cường quốc hạt nhân lớn duy nhất bổ sung đầu đạn vào kho dự trữ. Trung Quốc đang phát triển một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không và có kế hoạch chế tạo máy bay ném bom tàng hình tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Với khả năng răn đe tấn công lần thứ hai trên biển, các chương trình này cho thấy Bắc Kinh cuối cùng có ý định chế tạo bộ ba vũ khí hạt nhân trên không, trên biển và trên bộ như Mỹ và Nga.
Trong hai thập kỷ qua, Lực lượng tên lửa chiến lược, kiểm soát tên lửa hạt nhân và thông thường của Trung Quốc, đã đầu tư rất nhiều mở rộng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân, tăng cường tầm bắn và độ chính xác của tên lửa. Lầu Năm Góc và các ấn phẩm quân sự chính thức của Trung Quốc cùng nói rằng Trung Quốc cũng đã triển khai các tên lửa di động hiện đại và kẻ thù sẽ khó khăn hơn tìm và diệt chúng.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và Nga về hỏa lực hạt nhân nói chung. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính rằng Trung Quốc có 280 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc không tiết lộ có bao nhiêu đầu đạn được triển khai và sẵn sàng cho xung đột. Mỹ có 1.750 đầu đạn được triển khai và Nga 1.600, báo cáo của SIPRI năm 2018 cho biết. Mỹ và Nga mỗi nước có thêm hàng ngàn đầu đạn được cất trữ trong kho, theo báo cáo.
Các tàu ngầm lớp Tấn nặng 11.000 tấn đang đóng ở đảo Hải Nam, phía nam của Trung Quốc. Đặc điểm địa lý của vùng biển ven bờ Trung Quốc đã buộc Bắc Kinh phải đặt các tàu ngầm tên lửa của mình ở khu vực này.
Không ảnh chụp căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam, tháng 9/2018
Ở phía bắc, Hoàng Hải quá nông để che giấu các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớn. Biển Hoa Đông sâu hơn nhưng nó bị giới hạn bởi bán đảo Triều Tiên, chuỗi đảo Nhật Bản và Đài Loan.
Và các lực lượng Nhật Bản và Mỹ có thể triển khai các tàu và máy bay chiến tranh chống ngầm tiên tiến có trụ sở tại Nhật Bản để giám sát chặt chẽ các vùng biển này và các kênh ra Tây Thái Bình Dương, nơi cuối cùng các tàu ngầm đang hướng tới. Người Trung Quốc cần đến các vùng biển này để có thể bắn tới Mỹ.
Khi các tàu lớp Tấn của Trung Quốc ra biển, chúng dường như được bao quanh bởi các màn bảo vệ của tàu chiến mặt nước và máy bay theo dõi tàu ngầm nước ngoài, theo các sĩ quan quân sự và các nhà phân tích.
Trong khi thừa nhận rằng Trung Quốc đã tăng cường đáng kể khả năng răn đe hạt nhân, Lầu Năm Góc vẫn không tin rằng tàu ngầm Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tuần tra suốt ngày đêm. Trong một báo cáo hồi tháng 1, Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) Mỹ nói hải quân Trung Quốc sẽ cần tối thiểu năm tàu ngầm lớp Tấn để duy trì khả năng răn đe hạt nhân liên tục trên biển. Trung Quốc hiện có bốn.
ANH MINH