Mới đây trên VOV.vn, tác giả Quốc Phong có bài: “Xử lý quan chức nghỉ hưu sai phạm: Đập tan quan niệm “Hạ cánh an toàn”.
Bài báo nêu: “Không còn vai vế, không còn quyền lực trong bộ máy, không có nghĩa là anh đã có “vùng trời bình yên” để “hạ cánh an toàn”.
Ảnh minh hoạ (nguồn: VOV).
Lại thêm một cán bộ bị kỷ luật sau khi nghỉ hưu, nối dài danh sách cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý, kỷ luật tròn trịa 60 người kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay. Dư luận đã không còn “lạ” với những tin tức kiểu này bởi vùng an toàn từ lâu đã không dành cho quan chức nghỉ hưu”.
Bài báo không quên điểm những cái tên đã bị xử lý sau khi đã hạ cánh, từ nhân vật đầu tiên – ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng thanh tra Chính phủ đến những cái tên nổi đình, nổi đám đang được đưa ra xét xử như cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (BCA) Phan Văn Vinh.
Tác giả cũng không quên nói hộ suy nghĩ của nhiều người sau khi Ban bí thư TƯ Đảng cộng sản VN quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: “Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vốn được xem là người thẳng thắn, có năng lực, uy tín. Trên cương vị Bộ trưởng, ông đã để lại dấu ấn của một Tư lệnh ngành dám nghĩ, dám làm… Nay, việc phải bị kỷ luật trước Đảng là một điều đáng tiếc. Dù có quá trình công tác và những đóng góp cho Đảng, Nhà nước nhưng không ai đứng ngoài kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Tổng quan những điều đang xảy ra đối với hàng loạt cán bộ cao cấp nghỉ hưu bị xử lý với các hình thức khác nhau, có thể thấy: Dường như không có điểm nào được gọi là điểm dừng đối với cán bộ đã, đang công tác trong bộ máy công quyền. “Không còn quyền lực, không có nghĩa là anh đã có “vùng trời bình yên” để “hạ cánh an toàn”. Không còn chức không có nghĩa là hết trách nhiệm” (Quốc Phong – VOV).
Đó là chưa nói, việc xử lý tham nhũng, liên quan tham nhũng đang có xu hướng mở rộng diện. Đó không chỉ là những ông quan tham có hành vi rút của công làm của tư; những người cố tình lợi dụng các kẻ hở của pháp luật để thu vén, làm sai nguyên tắc tài chính công… Hay đó là những người cố tình, thậm chí làm ngơ để kiếm chác, nhận lại quả… Hoặc vì tình riêng, vì thân thuộc để người thân lạm quyền, dẫn tới tham nhũng… Mà xin thưa nó đã tiến tới xử lý cả những người như cá nhân ông Bùi Quang Vinh.
Rõ ràng như thông báo của Ban bí thư đã nói: “Trong thời gian giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Bùi Quang Vinh chịu trách nhiệm với cương vị là người đứng đầu, thiếu trách nhiệm khi ký Công văn số 721/BKHĐT-KCHTĐT, ngày 24-11-2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án. Sau khi có thông tin bất thường của Dự án, đồng chí đã có văn bản đề nghị dừng Dự án, nhưng lúc đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định phê duyệt và thực hiện Dự án.
Đồng chí Bùi Quang Vinh đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ sai phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Các cơ quan chức năng đã tiến hành xem xét, xác định vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Bùi Quang Vinh phải được áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng”.
Nghĩa là công bằng mà nói thì ông Vinh không hoặc có rất ít yếu tố liên quan đã bị xử lý. Ông Vinh không tham ô, tham nhũng, càng không tiếp tay cho tội phạm. Đặc biệt khi thấy có dấu hiệu bất thường, với chức trách của mình ông đã có văn bản đề nghị dừng, và câu chuyện sẽ trở nên khác đi, hậu quả đã không xảy ra nếu như Bộ Thông tin & truyền thông khi đó dừng lại kể cả khi dự án đã được phê duyệt. Sau đó cá nhân ông này cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm.
Nhưng ông Vinh vẫn bị xử lý với hình thức khiển trách. Rằng nó có thể quá nặng đối với cá nhân ông Vinh, dù đủ lý nhưng thiếu cái tình trong đó. Song xin thưa là cần thiết trong bối cảnh hiện này, là nhân tố cần để cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay trở nên toàn diện, bao quát hơn.
Nói cụ thể hơn, khi nhà nước, nhân dân đã trao cho anh cái quyền, chức trách nhiệm vụ nhưng nếu không làm tốt, để lại hậu quả thì đương nhiên anh cũng sẽ bị xử lý. Chứ chưa nói tới anh có hay không có tham nhũng trong đó.
Chỉ ra điều này, Mõ muốn nói và khẳng định rằng, đang có một sự mở rộng, nói đúng hơn là tăng diện trong cuộc chiến chống tham nhũng đang thực hiện. Tham nhũng thì đương nhiên sẽ bị xử lý. Nhưng tạo điều kiện dù vô ý hay cố ý để tham nhũng xảy ra thì cũng sẽ bị xử lý. Vấn đề nêu gương trách nhiệm, thực hiện hết trách nhiệm đang thực sự đặt ra cho quan chức trong bộ máy công quyền hiện nay.
Theo Mõ làng