Friday, November 22, 2024

Bầu cử giữa kỳ: ‘Khúc cua’ mới của lịch sử nước Mỹ

Việc đảng Dân chủ nắm thế đa số tại Hạ viện làm bức tranh chính trị Mỹ “cân bằng” hơn, nhưng có giúp nước Mỹ hiệu quả hơn, mạnh hơn?

Bầu cử giữa kỳ Mỹ chưa chính thức hạ màn nhưng cục diện thì đã rõ, đảng Cộng hòa đã có đủ số ghế quá bán để giữ Thượng viện. Trong khi,không nằm ngoài dự đoán, phe Dân chủ đã lật ngược thế cờ tại Hạ viện với 219/435 ghế tính đến tối ngày 7/11.

Cục diện mới sẽ tạo ra những hệ lụy khó dự báo cho chính nước Mỹ và thế giới. Tuy vậy nếu theo dõi chính trường Mỹ cũng có thể rút ra một số nhận định vào lúc này.

Nền chính trị đã khác

Tổng thống Clinton từng có 6 trong 8 năm đầy khó khăn khi lưỡng viện Quốc hội do Cộng hòa nắm. So với người tiền nhiệm Dân chủ, Tổng thống George W. Bush gặp nhiều thuận lợi hơn hẳn trong nhiệm kỳ đầu. Ông bị thách thức nhiều hơn trong nhiệm kỳ hai khi đảng Dân chủ lấy lại quyền kiểm soát Quốc hội. Đến lượt mình, trong nhiệm kỳ rưỡi đầu tiên, Tổng thống Obama dễ thở hơn và phải đến 2 năm cuối nhiệm kỳ ông mới gặp phải tình huống như Tổng thống Clinton.

Tổng thống Trump đã có 2 năm “trăng mật” đầu tiên vì đảng của ông chi phối cả Quốc hội và Chính quyền. Nhưng hai năm tới, Chính quyền Trump chắc chắn sẽ phải đứng trước những ngọn núi mới trong việc thúc đẩy các chính sách. Lần này, người ta đang nói đến những chuyển biến mới trong nền chính trị Mỹ, đụng chạm đến cả các nguyên tắc cốt lõi.

Có thể thấy cơ chế “kiểm soát và cân bằng” để ngăn chặn nguy cơ “lạm quyền” của nền chính trị Mỹ có thể đã bị sứt mẻ. Sau những diễn biến gần đây trên chính trường Mỹ, nhà kinh tế học đạt giải Nobel Paul Krugman viết đại ý trong bối cảnh này nếu Dân chủ nắm Quốc hội thì nước Mỹ sẽ lâm vào khủng hoảng hiến pháp, còn nếu Cộng hòa giữ nguyên thế trận thì kịch bản thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn, đó là nước Mỹ sẽ mất cả Hiến pháp.

Điều đó nằm ngoài tưởng tượng ban đầu của những người thiết kế nên các nguyên tắc vận hành cho nền chính trị Mỹ như Thomas Jefferson, Alexander Hamilton và James Madison. Nhưng kết quả bầu cử mỗi đảng nắm một viện vừa rồi cho thấy giải pháp được chọn là một giải pháp cân bằng, tổng hòa của cử tri Mỹ. Hay nói cách khác, cơ chế vận hành nền chính trị Mỹ chưa bị tê liệt như ý kiến bi quan của Krugman.

Bầu cử giữa kỳ: ‘Khúc cua’ mới của lịch sử nước Mỹ

Hai năm trăng mật của Tổng thống Trump đã kết thúc?

Tuy vậy, không thể phủ nhận nền chính trị Mỹ đang bị phân cực và chia rẽ sâu sắc trong những năm gần đây. Các nhân vật như Bernie Sanders, Donald Trump, Ted Cruz , Elizabeth Warren, Hillary Clinton, Mitt Romney đều đại diện cho những dòng chính trị khác nhau. Trong đó, rõ ràng cả Sanders và Trump đều không phải xuất phát từ dòng chính, thế nhưng họ có đủ lực đánh bại hoặc suýt đánh bại các ứng cử viên “truyền thống” và tỏ ra mạnh hơn hơn trong đảng.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra bốn nhóm nguyên nhân chính giải thích cho hiện tượng này.

Thứ nhất là những khoảng cách ngày càng rộng ra giữa các nhóm, tầng lớp, giai cấp trong xã hội Mỹ, trước hết là về kinh tế. Một nhóm nhỏ đang nắm phần lớn của cải trong xã hội.

Thứ hai, những “nan đề” vốn có từ trước đến nay nhưng bế tắc chưa có giải pháp, ví dụ như vấn đề chủng tộc, tôn giáo, sở hữu súng đạn… tiếp tục dẫn tới nhiều hệ lụy, ví dụ như sự trỗi dậy của các nhóm có tư tưởng vị chủng, bài ngoại.

Thứ ba, xã hội Mỹ luôn mang đặc tính đa dạng, là “cái nồi hầm nhừ’ với nhiều sắc dân, hoàn cảnh và lịch sử, đem đến nhiều ưu điểm nhưng cũng khó đi đến thống nhất.

Cuối cùng, chính các chính trị gia và đảng phái của họ cũng tìm cách khai thác những điểm dị biệt để tập hợp lực lượng, nhất là nhằm thu hút những đảng viên trung thành, có quan điểm mạnh trên các vấn đề mấu chốt hoặc những người bị cho là “bị lãng quên”, bị gạt ra bên lề nhưng có động lực chính trị khi con tàu nước Mỹ tiến về phía trước.

Nguy hiểm rình rập

Một trong những điều được nói đến nhiều nhất là Hạ viện Dân chủ sẽ làm gì với Chính quyền Trump sau cú sốc lịch sử 2016? Tuy khó nói trước nhưng ít nhất, để làm “tròn vai” phe đa số, tại Hạ viện, đảng Dân chủ có thể tiến hành những việc mà họ cho là “cần thiết”.

Trước hết, ban lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện, gồm Chủ tịch Hạ viện, lãnh tụ phe đa số, phó lãnh tụ phe đa số và một số nhân vật có ảnh hưởng sẽ chọn các vị trí chủ chốt ở cấp Hạ viện, Ủy ban và Tiểu ban. Theo quy định, tất cả các chủ tịch Ủy ban và Tiểu ban sau đây sẽ chuyển từ tay đảng Cộng hòa sang Dân chủ.

Trong việc sắp xếp lại Hạ viện, đảng Dân chủ có thể tiến hành một việc hoàn toàn nằm trong thẩm quyền, đó là kiến nghị thành lập một hoặc một vài ủy ban mới để phục vụ các mục đích điều hành hoặc chính trị.

Tại Quốc hội khóa trước, bất chấp sự phản đối của đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa đã lập ra Ủy ban Bengazhi để điều tra sự cố Tổng lãnh sự Mỹ tại Bengzahi tại Lybia bị sát hại năm 2012, trong đó đảng Cộng hòa có ý cho rằng Ngoại trưởng Clinton đã không làm hết trách nhiệm lãnh đạo trong vụ việc. Ủy ban này đã gây khó cho Hillary Clinton trong cuộc bầu cử 2016. Giờ đây khi đã nắm quyền trong tay, đảng Dân chủ cũng có thể lập một ủy ban tương tự để điều tra đảng Cộng hòa, ví dụ với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên, vào lúc này phỏng đoán nhiều nhất và gây tranh luận nhất vẫn tập trung vào khả năng Hạ viện có sử dụng thẩm quyền để luận tội Tổng thống hay không. Hiện nay Tổng thống Trump đang bị cho là có liên quan đến việc Nga can thiệp bầu cử 2016 và cản trở việc thi hành công lý với việc sa thải Giám đốc FBI James Comey.

Trong lịch sử, Hạ viện Mỹ đã một số lần luận tội Tổng thống, trong đó có hai tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton (cả hai lần bản luận tội đềuvượt qua Hạ viện nhưng không qua được Thượng viện). Riêng Tổng thống Nixon thì trong quá trình xúc tiến thủ tục, dưới nhiều sức ép, đã từ chức trước khi luận tội đi đến kết quả. Nhìn chung, lịch sử cho thấy luận tội Tổng thống không dễ vì nhiều nguyên nhân, nhưng nếu quá trình được khởi động thì đương sự sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do bình đẳng về chức năng làm luật, tức cũng như Thượng viện, Hạ viện có thể là nơi khởi phát các dự luật, nghị quyết có lợi cho đảng của mình. Tới đây Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát chắc chắn sẽ thúc đẩy nghị trình làm việc và quy trình lập pháp theo hai hướng: một mặt sẽ thúc đẩy các dự luật thuộc ưu tiên của đảng Dân chủ như y tế, môi trường, quyền các nhóm thiểu số, tăng thuế, tạo thêm phúc lợi, mặt khác sẽ ngăn cản hoặc gây khó cho các dự luật, chính sách ưu tiên của đảng Cộng hòa và của Chính quyền Trump.

…Nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát

Điều này không có nghĩa là đảng Dân chủ có thể làm mọi thứ. Nếu không có thỏa hiệp mà chỉ có đối đầu, chính trị nội bộ Mỹ sẽ bế tắc. Chẳng hạn nếu Hạ viện “làm quá”, đảng Cộng hòa sẽ “o bế” đảng Dân chủ tại Thượng viện. Cần lưu ý là Thượng viện tuy không có quyền khởi phát một số quá trình như luận tội nhưng lại có thẩm quyền “điều tra”, ví dụ có quyền triệu tập các nhân vật liên quan để điều trần. Ngay sau bầu cử chính Tổng thống Trump đã tuyên bố là nếu Hạ viện làm mạnh tay, Thượng viện sẽ không ngần ngại đáp trả.

Kết quả là, thời gian tới, đảng Dân chủ sẽ có thêm lợi thế về thể chế, quy trình nhưng “cuộc chơi” vẫn là trò “kéo co” trong đó nếu xét về tương quan thì đảng Cộng hòa và Chính quyền Trump vẫn có phần nhỉnh hơn. Một chi tiết khác, ít người để ý, là với việc đảng Dân chủ nắm Hạ viện, từ nay đảng Cộng hòa và Chính quyền Trump có thể lấy đó làm cớ đổ lỗi nếu có sự bế tắc hoặc thất bại về chính sách.

Việc đảng Dân chủ nắm thế đa số tại Hạ viện làm bức tranh chính trị Mỹ “cân bằng” hơn không chỉ tại Quốc hội mà còn giữa Quốc hội và Chính quyền. Tuy “làn sóng xanh” chưa đủ mạnh để quét thêm vào nhiều “bang đỏ” nhưng nó báo hiệu sự trở lại của những hành vi chính trị vốn trước đây phổ biến hơn.

Làn sóng đó trả lại lực kéo cho nền chính trị Mỹ so với hai năm trước khi sự trỗi dậy của Donald Trump và phong trào chính trị của ông dường như đã đưa nước Mỹ theo một hướng khác. Làn sóng xanh đó, sự cân bằng và lực kéo đó có làm nước Mỹ hiệu quả hơn, mạnh hơn hay không, câu trả lời trước hết tùy vào sự nhìn nhận của cử tri Mỹ trong thời gian tới.

Thạch Hà

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG