Friday, November 22, 2024

Bệnh viện công đang “chảy máu” chất xám??? Tại sao???

“Làn sóng” bác sĩ ở bệnh viện công xin nghỉ việc để chuyển ra làm tại bệnh viện tư đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương.

Bác sĩ ở bệnh viện công làm việc trong điều kiện mức đãi ngộ thấp và áp lực cao

Mới đây, một bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thuộc diện được áp dụng chính sách thu hút nhân tài của tỉnh này đã chấp nhận nộp 655 triệu đồng tiền bồi thường để được giải quyết cho… nghỉ việc. Qua trường hợp này, có thể thấy tình trạng bác sĩ giỏi sẵn sàng bỏ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư vẫn gợi lên nhiều suy nghĩ.

Nhiều bác sĩ giỏi xin nghỉ

Cuối tuần qua, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thông tin về việc đã giải quyết đơn xin nghỉ việc cho bác sĩ Phan Xuân Khoa (26 tuổi), làm việc tại khoa gây mê phẫu thuật của bệnh viện. Vụ việc này được dư luận hết sức chú ý vì bác sĩ Khoa đã chấp nhận nộp đủ số tiền phải bồi thường rất lớn cho tỉnh Quảng Nam để được đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Năm 2016, bác sĩ Khoa về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam theo chính sách thu hút nhân tài của UBND tỉnh Quảng Nam. Trong hợp đồng, bác sĩ Khoa cam kết làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong 12 năm, được nhận số tiền hỗ trợ của tỉnh theo chính sách là 350 triệu đồng (250 triệu là tiền ưu đãi tốt nghiệp đại học loại giỏi và 100 triệu đồng hỗ trợ mua đất làm nhà ở), đồng thời còn được cử đi học chuyên khoa định hướng về gây mê phẫu thuật tại TP.HCM… Theo cam kết, nếu bác sĩ vi phạm sẽ phải bồi thường gấp đôi.

Ngay “sát vách” với Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng cũng đang đau đầu với bài toán “chảy máu chất xám” từ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Giữa tháng 8 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đã báo cáo đến HĐND TP về việc, trong thời gian ngắn vừa qua, nhất là từ khi thành lập một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn, đã có tổng cộng 48 cán bộ y tế, trong đó có 23 bác sĩ từ các bệnh viện công của Đà Nẵng xin nghỉ việc.

Ở nhiều tỉnh phía Nam, tình trạng này còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn, tại Đồng Nai, năm 2016, Sở Y tế đã đồng ý cho 65 bác sĩ xin rút khỏi các bệnh viện công. 6 tháng đầu năm 2017, tiếp tục có thêm 38 bác sĩ làm đơn nghỉ việc, trong đó có 16 bác sĩ chuyên khoa I, số còn lại là các trưởng hoặc phó khoa. Tại Vĩnh Long, chỉ trong vài tháng gần đây, tỉnh đã có trên 10 bác sĩ xin nghỉ việc, có người về các trung tâm y tế lớn hơn, có người ra làm cho cơ sở y tế tư nhân.

Ngay tại Hà Nội, tình trạng chảy máu chất xám ở bệnh viện công cũng đã và đang diễn ra. Cao trào nhất là thời điểm cách đây vài năm, hàng chục bác sĩ từ các bệnh viện Xanh Pôn, Việt Đức, Bạch Mai… ồ ạt xin nghỉ việc để chuyển sang làm tại một bệnh viện tư nhân vừa đi vào hoạt động trên địa bàn…

Xu hướng khó ngăn cản

Về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, nguyên nhân chính vẫn là thu nhập và áp lực công việc. Thời gian qua, mặc dù những chế độ đãi ngộ của tuyến y tế công lập đã có những thay đổi tích cực, nhưng cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chẳng hạn ở những bệnh viện công, trung bình, một bác sĩ thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao có thể đạt mức 15-20 triệu đồng/tháng nhưng nếu những “nhân tài” này được bệnh viện tư “thu hút” thì họ sẵn sàng được trả mức đãi ngộ cao hơn vài lần. Đấy là chưa kể môi trường làm việc, áp lực tại các bệnh viện công rất lớn do thường xuyên quá tải bệnh nhân, hạ tầng cơ sở kém…

“Việc nhiều bác sĩ giỏi sẵn sàng từ bỏ bệnh viện công, lựa chọn đến làm việc tại bệnh viện tư như một giải pháp an toàn lại có lợi hơn cũng là điều dễ hiểu, là xu thế tất yếu của xã hội. Thế nên, ở địa phương nào đó xuất hiện nhu cầu nhân lực cho y tế tư nhân với mức thu nhập cao thì nơi đó sẽ xuất hiện việc dịch chuyển bác sĩ theo quy luật cung – cầu”, TS Nguyễn Huy Quang phân tích.

Cũng theo ông Quang, việc nhiều bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư ở khía cạnh nào đó có thể là đòn bẩy để kích thích y tế tư nhân phát triển, giảm tải cho bệnh viện công. Song nếu hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương và năm nào cũng tái diễn thì ngành y tế cần xem lại cơ chế đãi ngộ, nhất là cần có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế tài chính, đổi mới chất lượng bệnh viện để có nguồn thu và chăm lo tốt hơn đời sống cho nhân viên y tế.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, nếu không đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý thì bệnh viện công sẽ khó lòng giữ chân được bệnh nhân và nhân viên của mình. Hiện nay, Bộ Y tế đang đẩy mạnh chương trình đào tạo công tác quản lý bệnh viện theo hướng hiện đại, trong đó giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải quá giỏi về chuyên môn mà phải giỏi về quản lý như một lãnh đạo doanh nghiệp. Đây được kỳ vọng sẽ là nền tảng để giữ chân bác sĩ giỏi ở lại các bệnh viện công.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG