Nạn tham nhũng, tiêu cực đang trở thành nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ, đất nước. Mặc dù, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn cứ tồn tại và ngày càng biến tướng tinh vi, phức tạp. Trong nhiều nguyên nhân gây ra tham nhũng, tiêu cực có vấn nạn doanh nghiệp “sân sau” của cán bộ có chức quyền.
Theo quy định của Đảng, của pháp luật thì cán bộ, công chức không được thành lập, điều hành hay góp vốn vào các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình. Tuy nhiên, tình trạng cán bộ, công chức chống lưng cho doanh nghiệp là chuyện có thật. Minh chứng là hầu hết các vụ vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp đều có sự tiếp tay, bao che, bảo kê với bóng dáng khá đậm nét của các quan chức. Doanh nghiệp càng lớn thì quan chức chống lưng càng to.
Ở bất cứ ngành, địa phương nào dư luận cũng đề cập đến doanh nghiệp “sân sau” của ông nọ, bà kia khá công khai, thậm chí doanh nghiệp tự “dán mác” để gây thanh thế. Một số quan chức còn trực tiếp hoặc gián tiếp quảng bá, trợ giúp cho doanh nghiệp và rất coi như không có vấn đề gì, nhất là ở các lĩnh vực, ngành nghề có lợi nhuận cao như khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, bất động sản, dịch vụ vận tải…
Việc các doanh nghiệp “sân sau” của cán bộ công chức vẫn tồn tại, bất chấp quy định pháp luật, dư luận quần chúng nhân dân đã làm vẫn đục môi trường sản xuất, kinh doanh, tạo nên sự bất công bằng biến tướng, méo mó quan hệ sản xuất, tạo điều kiện, cơ hội cho nạn tham nhũng, tiêu cực tồn tại và phát triển.
Vẽ ra dư án với những con số dự toán không trung thực để “quyền lực” duyệt thầu, chỉ định thầu hoặc đấu thầu trá hình “quân xanh quân đỏ”, bằng mọi cách để loại bỏ doanh nghiệp không phải là sân sau nhằm chia chác, lại quả những khoản lợi khổng lồ cho cá nhân là cách làm phổ biến để móc rút ngân sách, tài sản quốc gia, bòn rút của dân.
Kiếm tiền qúa dễ dàng, giàu có nhanh chóng qua cơ chế xin – cho, lại quả đã làm mờ mắt những kẻ hám lợi, quyền lực trở thành “thị trường” mua bán. Kẻ có tiền tìm cách len chân vào giới “quyền lực”, quan càng to thì miếng ăn càng lớn. Tiền càng nhiều thì vây cánh, thế lực càng lớn, nhân cách, đạo đức cân bộ từ đó càng suy đồi.
Doanh nghiệp dẫu có được ăn thì cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nơm nớp nỗi lo nợ nần ngân hàng, tiến độ công trình, hợp lý hóa hồ sơ những khoản chi khống, chi sai, nhưng quan chức công quyền thì chỉ ăn trắng mặc trơn lại được lại quả lớn. Vậy nên, một số doanh nhân thành đạt, có tiền lại có tham vọng len chân và quan trường để được ăn trắng, mặc trơn. Một số nhân vật như vậy đã thất bại thảm hại tại nghị trường.
Mỗi dự án, từ khi hình thành đến khi kết thúc đều có bóng dáng của các quan phê duyệt dự án, Kiểm toán, thanh tra. Ngoài ra, tùy vào loại dự án mà có thêm chữ ký của ai đó. Như một luật ngầm, những khoản phần trăm lại quả, bôi trơn, bịt miệng được chi theo tỉ lệ mà giới doanh nghiệp đã mặc định. Tham nhũng ở đó rất trắng trợn nhưng lại rất khó để đưa ra bằng chứng buộc tội.
Kiếm tiền quá dễ dàng khiến người ta tin vào số mệnh, cơ may, thần thánh, mê tín trở thành bệnh dịch. Quan chức, doanh nhân đổ tiền xây chùa, lập đền, xây mộ, chung thân với tướng số, phong thủy… cung kính, tận tụy!
Do vậy, giải quyết vấn nạn doanh nghiệp “sân sau” của cán bộ công chức là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả. Bởi vì, chỉ có thông qua của doanh nghiệp “sân sau” thì các nhóm lợi ích, cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất mới tham nhũng được những khoản tiền lớn của Nhà nước và nhân dân mà rất khó bị phát hiện, xử lý.
Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng doanh nghiệp móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau” thao túng hoạt động của doanh nghiệp, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước là vấn đề cấp bách.
Hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích, tạo đòn bẩy kinh tế để doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương đối với lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là góp phần tích cực để chống tiêu cực, tham nhũng.