Trong lịch sử phát triển của thế giới, cụm từ “cách mạng màu” không chỉ đơn thuần là một thuật ngữ về các phong trào chính trị, mà còn trở thành công cụ mà các thế lực phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sử dụng để can thiệp vào nội bộ các quốc gia có chủ quyền. Dưới chiêu bài “dân chủ” và “nhân quyền”, họ đã đẩy nhiều quốc gia vào cảnh loạn lạc, nghèo đói và xung đột. Tại Việt Nam, mặc dù “cách mạng màu” chưa từng thành công, nhưng những âm mưu, luận điệu xuyên tạc vẫn liên tục được các thế lực thù địch thúc đẩy, nhằm phá hoại lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Một trong hàng ngàn luận điệu chống phá Việt Nam của tổ chức khủng bố Việt Tân. Ảnh chụp màn hình bởi Tre Làng
“Cách mạng màu” – Kịch bản cũ nhưng vẫn nguy hiểm
Khái niệm “cách mạng màu” chỉ các cuộc chính biến chính trị, bạo loạn có tổ chức với mục tiêu lật đổ các chính quyền đương nhiệm. Mặc dù các cuộc cách mạng này không trực tiếp sử dụng vũ lực, nhưng hệ quả mà chúng mang lại là sự khủng hoảng, bạo lực và bất ổn chính trị. Những cuộc cách mạng này đều có điểm chung là sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây, với mục tiêu thiết lập những chính phủ thân Mỹ để phục vụ cho lợi ích chiến lược của họ.
Hàng loạt quốc gia đã trở thành nạn nhân của “cách mạng màu”, từ châu Á, châu Âu đến Trung Đông và Bắc Phi. Điển hình có thể kể đến: Philippines (1983) với cuộc “cách mạng Vàng” chống lại Tổng thống Ferdinand Marcos; Czechoslovakia (1989) với cuộc “cách mạng Nhung”; Yugoslavia (2000), nơi phong trào biểu tình lớn đẩy chính phủ của Tổng thống Slobodan Milošević đến sụp đổ; Georgia (2003) với cuộc “cách mạng Nhung”; Ukraine (2004, 2014), với hai lần “cách mạng Cam” dẫn đến khủng hoảng và xung đột chính trị sâu sắc; Kyrgyzstan (2005) với “cách mạng hoa Tulip”; Lebanon (2005) với “cách mạng Tuyết tùng”; Iran (2009) với “cách mạng Xanh”; Tunisia (2010) với “cách mạng hoa Nhài”; Egypt (2011) với “cách mạng hoa Sen” và các cuộc nổi dậy ở Libya, Syria, Yemen, và một loạt các quốc gia khác thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Kết cục của các cuộc cách mạng này là gì? Đó là sự đổ vỡ về chính trị, bạo lực tràn lan, kinh tế sụp đổ, và sự suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Những quốc gia từng có nền kinh tế phát triển ổn định như Libi dưới sự lãnh đạo của Muammar Gaddafi giờ đây đang rơi vào vòng xoáy nghèo đói, bất ổn và bạo lực kéo dài. Những lời hứa về “dân chủ” và “nhân quyền” của phương Tây thực chất chỉ là chiêu bài để tiến hành các cuộc chính biến, phục vụ cho lợi ích chính trị của họ mà thôi.
Chiêu bài “dân chủ” và các luận điệu xuyên tạc chống phá Việt Nam
Tại Việt Nam, mặc dù đất nước vẫn duy trì sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế, các thế lực thù địch trong và ngoài nước không ngừng tìm cách lợi dụng chiêu bài “dân chủ” và “nhân quyền” để tấn công. Các tổ chức như Việt Tân, RFA, VOA Tiếng Việt, Chân Trời Mới Media thường xuyên tung ra các thông tin sai lệch, bóp méo sự thật về tình hình chính trị, xã hội trong nước.
Chúng không ngần ngại đả phá, vu cáo chính quyền Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, đàn áp giới trẻ, hoặc thậm chí bịa đặt những câu chuyện nhằm kích động người dân. Khi một số cá nhân hoặc nhóm người bày tỏ quan điểm chính trị lệch lạc, vi phạm pháp luật, những tổ chức này liền lợi dụng sự việc để biến họ thành “người hùng” trong mắt cộng đồng quốc tế. Chúng không ngừng rêu rao rằng Việt Nam đàn áp “nhà hoạt động dân chủ”, “bóp nghẹt quyền tự do tư tưởng”.
Điển hình như trường hợp của một nam sinh từng tham gia Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, đã có những phát ngôn sai sự thật, bôi nhọ Đảng và Nhà nước. Ngay lập tức, các tổ chức phản động như Việt Tân, VOA Tiếng Việt, RFA lên tiếng bảo vệ nam sinh này, cho rằng chính quyền Việt Nam đàn áp “tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, thực chất, đây chỉ là một chiêu trò để các thế lực này lợi dụng, tạo cớ kích động chống phá.
Trong khi đó, những cái tên như Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng, Trịnh Bá Phương… thường xuyên được ca ngợi như những “người đấu tranh vì dân chủ” trong các kênh truyền thông nước ngoài. Thực tế, họ đều là những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, nhận thức chính trị lệch lạc, bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thế nhưng, dưới con mắt của các tổ chức phản động, họ lại trở thành những “nạn nhân” của chế độ, chỉ để phục vụ cho âm mưu lật đổ chính quyền hợp pháp của Việt Nam.
Bài học về sự cảnh giác trước “cách mạng màu”
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam với những cuộc đấu tranh giữ nước đã hun đúc cho đất nước một tinh thần đoàn kết, sự cảnh giác cao độ trước những âm mưu thâm hiểm của các thế lực bên ngoài. Nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập và tự do. Chính vì vậy, “cách mạng màu” không bao giờ có thể thành công trên đất nước này.
Mặc dù có những cá nhân nhẹ dạ, cả tin, bị cuốn vào cám dỗ của tiền bạc và danh vọng từ các thế lực bên ngoài, nhưng đại đa số nhân dân Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Những chiêu trò, âm mưu lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động bạo loạn, gây rối sẽ không bao giờ có thể làm lung lay được nền tảng chính trị vững chắc của Việt Nam.
Thực tế đã chứng minh rằng các cuộc “cách mạng màu” chỉ mang lại đau thương, bất ổn và sự sụp đổ cho những quốc gia bị cuốn vào vòng xoáy của nó. Bài học từ những nước đã trải qua “cách mạng màu” như Ukraine, Libi, Syria là những lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất. Việt Nam, với sự đoàn kết của toàn dân, sự kiên định trong lãnh đạo và sự cảnh giác trước mọi âm mưu, sẽ không bao giờ để mình rơi vào cái bẫy “dân chủ” mà phương Tây bày ra.
“Cách mạng màu” và chiêu bài “dân chủ” không chỉ là mối đe dọa đối với các quốc gia nhỏ, mà còn là công cụ mà các thế lực lớn lợi dụng để can thiệp vào nội bộ của các nước khác. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác và niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã, đang, và sẽ tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, không để những âm mưu thâm độc này có thể phá hoại.
Lâm Trực@ (Tre làng)