Thursday, September 19, 2024

Vị thế, uy tín của Việt Nam – minh chứng phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá

Ngày Quốc khánh 2/9/1945 là dấu mốc chói lọi, hào hùng của lịch sử dân tộc, chấm dứt chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Với mỗi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước, ngày Quốc khánh vừa thể hiện niềm tự hào dân tộc, vừa là giá trị cao quý, thiêng liêng.

Tuy nhiên, đứng ngoài niềm vui chung của cả dân tộc thì bằng nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, các thế lực thù địch, các tổ chức, đối tượng phản động lưu vong, phần tử cơ hội chính trị lại ra sức xuyên tạc, bóp méo hòng phủ nhận những thành quả to lớn đó. Họ tìm cách chỉ trích, miệt thị với những luận điệu như Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo nàn, kinh tế lạc hậu, đời sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn, chính trị “o ép dân”, nhân quyền “bị đàn áp”… Từ đó, các đối tượng trên đưa ra luận điệu rằng, Việt Nam cần thay đổi thể chế theo hướng thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đi theo con đường TBCN thì mới phát triển giàu có, dân chủ, nhân quyền mới đảm bảo.

Những luận điệu xuyên tạc, bóp méo

Có thế thấy, những luận điệu trên luôn được các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong, phần tử cơ hội chính trị sử dụng trên không gian mạng, nhất là các trang như Tiếng Dân, Việt Tân, Việt Nam thời báo, Đài Á Châu tự do (RFA), VOA Tiếng Việt… Họ cho rằng, đi theo con đường XHCN là kéo đất nước vào cảnh nghèo khổ vì “chủ nghĩa Mác – Lênin dị ứng với sự giàu có”; rằng Việt Nam “không chịu phát triển”, “không thể phát triển” bởi Việt Nam “lạc nhịp” với thế giới, “sa lầy trong tư duy” về chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH. Họ ca ngợi CNTB là giàu sang, phú quý, là dân chủ, tự do, từ đó “khuyên” rằng, các thế hệ đi trước đã sai lầm khi lựa chọn đi theo CNXH thì ngày nay cần phải “mạnh dạn từ bỏ, chấm dứt”…

Vị thế, uy tín của Việt Nam - minh chứng phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống pháẢnh minh hoạ.

Một số bài viết tiếp tục “lý luận” rằng, việc lựa chọn con đường bỏ qua chế độ TBCN để tiến thẳng lên CNXH ở Việt Nam là sai lầm, đẻ non, không đi theo quy luật; phê phán công cuộc đổi mới hiện nay là nửa vời, kinh tế thị trường định hướng XHCN là “đầu Ngô, mình Sở”.

Một số luận điệu cho rằng, con đường mà Việt Nam đang đi thì định hướng XHCN chỉ là hình thức, còn bản chất đã ngả theo TBCN!

Họ triệt để lợi dụng những sự kiện chính trị, đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước, những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, các vấn đề liên quan đến dân tộc, nhân quyền, tôn giáo, công tác phòng, chống tham nhũng hay những vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội để xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; bôi nhọ, nói xấu, hạ thấp uy tín cá nhân của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; phủ nhận những thành quả cách mạng mà Việt Nam đã đạt được. Với mưu đồ phá hoại, từ lâu các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng nhiều chiêu trò chống phá, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng và những thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước ta. Họ kích bác đường lối đổi mới ở Việt Nam là “mù mờ”, “thiên đường mù”, “không tưởng”…, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh năm nay, các đối tượng lại cho rằng, sau 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, gần 50 năm thống nhất đất nước, 38 năm đổi mới, Việt Nam vẫn là nước tụt hậu, nhân dân đói nghèo, tham nhũng tràn lan, đạo đức suy đồi, xã hội vô kỷ cương, nhân quyền bị bóp nghẹt… Từ đó, các đối tượng hướng chỉ trích vào Đảng Cộng sản Việt Nam, “khuyên” người dân cần phải đấu tranh để thay đổi đường lối xây dựng đất nước thì đất nước mới phát triển, người dân mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ.

Những thành tựu nổi bật khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam

79 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới, như đánh giá trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Về kinh tế, Việt Nam từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đi liền với đó là sự bao vây cấm vận về mọi mặt, GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90. Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới 1986 đến nay, trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD/năm, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới, tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%.

Từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu sâu rộng khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy. Nếu xét về quy mô, nền kinh tế của nước ta đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Đến nay, có 72 quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Về đối ngoại, Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt. Đến nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước, cùng với đó là 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ kinh tế – thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng Cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính.

Trong những năm gần đây, hầu hết nguyên thủ, lãnh đạo các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng, trong đó có Liên hợp quốc đều đến thăm, làm việc và có ấn tượng tốt về đất nước, con người Việt Nam; đồng thời lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chuyến thăm thành công đến các nước, đối tác trên khắp các châu lục.

Về đảm bảo quyền con người, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội; Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật…

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ đại biểu Quốc hội là 151 người, chiếm 30,26% (đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay); tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Từ năm học 2017-2018, đã có 22 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số (715 trường); 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học…

Về an sinh xã hội, công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, GDP bình quân ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 93,35% vào năm 2023; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng…

Về nhà ở, đến năm 2020, đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2021, 90% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bằng những sự thay đổi trên đã góp phần đưa tuổi thọ trung bình của Việt Nam trong 30 năm qua tăng 9 tuổi, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập; chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 lên vị trí 54/143 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính đến đầu năm năm 2024, Việt Nam ghi nhận có khoảng 78,44 triệu người dùng Internet; số lượng người dùng mạng xã hội là khoảng 72,70 triệu người, chiếm 73,3% dân số. Đặc biệt, số lượng kết nối di động tại Việt Nam đạt tới 168,5 triệu, tương đương 169,8% dân số. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

Tình hình chính trị – xã hội ổn định, an ninh, trật tự giữ vững là một trong những điểm sáng và là thế mạnh của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động hiện nay. Việt Nam được xếp hạng tăng 4 bậc, lên vị trí 41/163 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2023 về đánh giá mức độ yên bình quốc gia do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP, Australia) công bố. Trong bảng xếp hạng “Chỉ số chính phủ tốt Chandler” (Chandler Good Government Index-CGGI) năm 2022, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số “Bình đẳng thu nhập”, tăng 33 bậc so với năm 2021, lên vị trí thứ 42. Việt Nam cũng tăng 18 bậc lên vị trí thứ 39 về chỉ số “Thu hút đầu tư”; chỉ số “Sự hài lòng với các dịch vụ công” xếp thứ 15 và “Bình đẳng giới” thứ 27. Nhìn chung, thành tích của Việt Nam ở các chỉ số “Thị trường hấp dẫn” (thứ 34) và “hỗ trợ phát triển con người” (thứ 43) cho thấy Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào tiến trình phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời bảo đảm một xã hội công bằng hơn.

Quốc khánh 2/9/1945 là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mà còn là sự kiện mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; nguồn cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng đối với các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới tiến lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hằng năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, từ tâm khảm mỗi trái tim của người dân Việt Nam trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc thân yêu; cùng tưởng nhớ, tri ân hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; cùng tưởng nhớ và biết ơn công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Là dịp để các thế hệ hôm nay và mai sau cùng nhau nhìn lại chặng đường gian khổ, hào hùng của cha ông để nâng cao lòng tự hào dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, các hành vi chống phá của kẻ địch, phần tử cơ hội.

Liêm Chính – Bình Nguyên (CAND)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG