Saturday, December 21, 2024

Chiến thắng Điện Biên Phủ – bài học về phát huy sức mạnh dân tộc

17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, quân ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tướng Đờ Caxtơri (De Castries) – chỉ huy trưởng cùng Bộ Tham mưu và binh lính Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng đầu hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chiến Thắng Điện Biên PhủKhông thể đánh bại một dân tộc!

70 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đất nước ta đã vượt qua nhiều thăng trầm, sóng gió của thời đại để xây dựng, củng cố tiềm lực, vị thế quốc gia trên bản đồ thế giới. Dù năm tháng có đổi thay, dù thế sự có xoay vần nhưng tinh thần, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc từ Chiến thắng Điện Biên Phủ không bao giờ có thể xóa nhòa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được đánh giá là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là minh chứng tiêu biểu của sức mạnh “chiến tranh nhân dân” khi chúng ta “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, “dĩ đoản, chế trường”.

Ngược dòng thời gian, ngay sau Cách mạng tháng Tám, dưới sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Trước bối cảnh đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Sau những thất bại nặng nề trên nhiều mặt trận, nhất là Chiến dịch thu – đông năm 1953, thực dân Pháp dưới sự giúp sức của Mỹ đã triển khai Kế hoạch Nava với mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta. Trong đó, chúng tập trung lực lượng xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải, 1 phi đội máy bay, khi đông nhất có hơn 16.000 quân. Sau khi kiểm tra, cả tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều coi đây là một “pháo đài bất khả xâm phạm”.

Với khát vọng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chỉ sau thời gian ngắn chúng ta đã hoàn tất việc chuẩn bị, huy động hàng chục ngàn tấn vũ khí, đạn dược, 27.000 tấn gạo, 11.800 thuyền bè, 21.000 xe đạp… để phục vụ mặt trận. Dù có sự chênh lệch, yếu thế trên nhiều phương diện nhưng với đường lối cách mạng đúng đắn và nhất là tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chúng ta đã nhanh chóng giành thắng lợi trên mặt trận Điện Biên. Với chiến thắng này, chúng ta đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh của Pháp tại Việt Nam, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là chiến thắng mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; là chiến thắng của Việt Nam nói riêng và đồng thời là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của tinh thần yêu nước, của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Như chia sẻ của Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro: “Khi đế quốc Pháp tái xâm lược Việt Nam năm 1946, Hồ Chí Minh từng nói rằng, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Một dân tộc hầu như không có vũ khí đã khởi đầu cuộc đấu tranh như vậy, mà đã kết thúc với chiến thắng oanh liệt ở Điện Biên Phủ, làm chấn động cả thế giới”. Chính tướng Đờ Caxtơri, Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thú nhận trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc. Chúng ta không hiểu được chiều sâu và văn hóa giữ nước của người Việt”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vẫn luôn là yếu tố giữ vai trò tiên quyết làm nên mọi thắng lợi. Từ chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta càng thấy rõ vai trò của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, khi lòng dân và ý Đảng gặp nhau sẽ tạo nên nguồn sức mạnh khổng lồ, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã bước vào thời kỳ mới – thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã “thay da, đổi thịt”, có sự phát triển toàn diện trên mọi phương diện, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh… Tuy nhiên, song hành với những thuận lợi là không ít khó khăn, thách thức vẫn luôn hiện hữu. Đó là những diễn biến khó lường của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế. Đó là những rủi ro đến từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, từ xung đột cục bộ. Đó là sự căng thẳng liên quan đến từ các hành động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo… Đó là nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn (nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch). Nếu trong chiến tranh, hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân chung một mục tiêu đánh thắng kẻ thù thì ngày nay, khi đất nước hòa bình, một số cán bộ, đảng viên lại thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào tệ tham nhũng, lãng phí. Như Đại hội XIII đã chỉ ra: “Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Điều này khiến cho xã hội mất ổn định, niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng bị lung lay.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên, để giữ vững những thành quả cách mạng đã đạt được, không còn cách nào khác là chúng ta phải tiếp tục xây dựng và củng cố thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, chăm lo cho lợi ích của nhân dân, giữ vững bản chất của người cách mạng, có đạo đức, lối sống lành mạnh để được nhân dân tin tưởng, yêu quý. Về phần mình, quần chúng nhân dân cần tin tưởng tuyệt đối vào những quyết định của Đảng, không hoang mang, dao động trước luận điệu xuyên tạc của các đối tượng xấu.

Anh Tú (Báo Bình Phước)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG