Vừa qua, trên trang Facebook của Việt Tân đăng tải các bài viết đánh giá về công cuộc “đốt lò” của Đảng ta, với người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi công cuộc chống tham ô, tham nhũng của Đảng ta ngày càng quyết liệt và đạt được rất nhiều thành tựu, được toàn Đảng, toàn dân tin tưởng, ủng hộ thì qua miệng, lưỡi của các tổ chức, cá nhân phản động trong đó có bè lũ Việt Tân đã lèo, lái dư luận theo một hướng vô cùng nguy hiểm, nhằm mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá Đảng, chống lại Nhà nước Việt Nam.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng và tham ô làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước và đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế – xã hội.
Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 của Nhà nước Việt Nam quy định tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi, còn tham ô có thể hiểu là hành vi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Như vậy, tham ô, tham nhũng là hành vi lệch chuẩn của nhân viên công quyền để mưu cầu tư lợi, là sự phá vỡ những nguyên tắc công chính, luân lý.
Trong lịch sử loài người thì tham ô, tham nhũng xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước và được coi là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Do đó, vấn đề chống tham ô, tham nhũng trong các bộ máy Nhà nước luôn là thách thức rất lớn đối với mọi chế độ, mọi quốc gia trên thế giới. Trong các triều đại phong kiến ở nước ta đã có nhiều biện pháp chống tiêu cực, tham nhũng, có nhiều vị vua, quan nổi tiếng không khoan nhượng với tham nhũng để lại lòng dân nhiều ấn tượng tốt đẹp, người đời truyền lại đến hôm nay điển hình như: năm 1042, dưới thời vua Lý Thái Tông đã đề ra những quy định khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại thông qua bộ luật Hình thư;
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Người coi tham ô, lãng phí là tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội, vì bản chất của tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, tham lam, tham ô là trộm cướp. Người phạm tội đó dù ở cương vị nào cũng phải đem ra xét xử theo đúng pháp luật để đề cao phép nước. Bản án tử hình dành cho Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (năm 1950) về việc lợi dụng chức quyền nhận hối lộ, tham ô, sa đọa, vừa thể hiện sự nghiêm minh, vừa tỏ rõ quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng ngay từ rất sớm. Việc phòng tham ô, lãng phí, quan liêu, tham nhũng còn quan trọng hơn việc chống nó nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất. Người luôn căn dặn mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy, chủ nghĩa cá nhân chính là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, dù phải tập trung cao độ cho việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách của cách mạng nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn không sao nhãng công tác đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng, tiêu cực.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”(Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(Đại hội XI); “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”(Đại hội XII). Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(Đại hội XIII). Điều đó cho thấy, chúng ta chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất. Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam lại quyết liệt và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận như thời gian qua. Hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực được đưa ra xử lý triệt để, đúng người, đúng tội, nhân văn…
Bình luận về công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, báo The Economist – một tờ báo phục vụ độc giả nói tiếng Anh, đã sử dụng nguyên văn cụm từ “Dot lo” bằng tiếng Việt. Điều này chỉ từng xảy ra với một vài cụm từ tiếng Việt nổi tiếng như “đổi mới”, hay “áo dài”. Việc dùng cụm từ “Đốt lò” cho thấy, công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam tạo nên ấn tượng với cộng đồng quốc tế. Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 mới được Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, Việt Nam đã tăng 3 điểm so với năm trước, vươn từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 và là 1 trong 6 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện ISEAS – Yusof Ishak (Singapore), đánh giá những biện pháp mạnh tay nhằm đưa ra ánh sáng các vụ việc nổi cộm và trừng phạt các quan chức cấp cao của Việt Nam thời gian qua được người dân và dư luận trong nước cũng như quốc tế ủng hộ và đánh giá cao, cho thấy sự nghiêm minh, quyết liệt trong cách tiếp cận đối với vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo sư, Tiến sĩ Vladimir Kotolov thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (LB Nga) nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất đúng đắn khi cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kể cả những quan chức cao cấp vẫn phải bị kỷ luật và chịu trách nhiệm hình sự. Chuyên gia Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) của LB Nga Valeria Vershinina cũng cho rằng việc rất nhiều quan chức cấp cao bị cách chức là minh chứng cho thấy cách tiếp cận nghiêm túc và sự quyết liệt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗ lực loại bỏ tham nhũng, tiêu cực. Theo chuyên gia Valeria Vershinina, chính sách chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang triển khai là rất kịp thời và đúng đắn về mặt chiến lược. Tiến sĩ Vijay Sakhuja thuộc Đại học Rashtriya Raksha (Ấn Độ) khẳng định: “Những gì Việt Nam đã và đang làm rất đáng được ghi nhận. Với tôi là người nước ngoài thì đó là sự công nhận quốc tế rằng Việt Nam đã tiến hành chống tham nhũng mạnh mẽ….. Trong 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam luôn được triển khai trên hai mặt: xây dựng chính sách và triển khai thực thi”.
Giữa lúc quyết tâm chính trị, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang lên cao và được cộng đồng quốc tế công nhận thì các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội lại ra sức lợi dụng vấn đề này để thực hiện các hoạt động chống phá, xuyên tạc, bóp méo về chiến dịch “đốt lò” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động. Một số đối tượng bất mãn, chống đối ở trong và ngoài nước cho rằng Đảng ta “không thật sự quyết tâm chống tham nhũng”, đồng thời đưa ra những thông tin bịa đặt, vu khống như “chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là cuộc đấu đá phe nhóm, thanh trừng nội bộ”, thậm chí còn rêu rao rằng “Việt Nam đang trở nên bất ổn vì đấu đá quyền lực”. Các đối tượng này cho rằng nhiều vụ việc tham nhũng còn “giơ cao đánh khẽ”, “đánh trống bỏ dùi”, “xử lý không đến nơi đến chốn”. Thậm chí, chúng còn mượn chuyện chống tham nhũng để hướng vào chống đối chế độ, chống phá Đảng với những luận điệu như: “Tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo”….Đến khi các con “sâu” bị lôi ra ngoài ánh sáng và chịu những bản án thích đáng thì chúng lại cho rằng: “Sau vài năm tiến hành chiến dịch “đốt lò” của TBT Nguyễn Phú Trọng. Trình độ và khả năng của tù nhân ngày càng được nâng cao chất lượng. Giờ toàn là GS-TS, tướng, tá,…”. Thật nực cười vì bọn chúng chẳng hiểu gì ngay cả tham nhũng là gì? Những ai có thể tham nhũng? vì đây là các đối tượng phạm tội tham ô, tham nhũng chứ không phải các tội phạm trong lĩnh vực khác. Nhất là việc đánh đồng giữa người “xây dựng” và người “Phá hoại”, hay việc “vơ đũa cả nắm”. Chúng đã sai lầm vì dù cách thức, thủ đoạn có tinh vi, xảo quyệt đến đâu thì những luận điệu của các phần tử chống đối, thù địch cũng chỉ là những tiếng nói lạc lõng, đi ngược lại đánh giá chung của dư luận trong nước cũng như cộng đồng quốc tế trong suốt thời gian qua về nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Chúng ta sẽ không để “con sâu làm rầu nồi canh” và càng không bao giờ cho phép các kẻ cơ hội, vì lợi ích cá nhân lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền của chúng ta để làm những điều xằng bậy, vì phục vụ các mục đích chống phá, xuyên tạc, làm tiền, sẵn sàng phủ nhận hết những thành quả mà toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực, cố gắng gây dựng. Đây là một hành động rất nguy hiểm của bọn phản động nói chung và của bọn làm tiền Việt Tân nói riêng, chúng ta cần tỉnh táo nhận thức đúng vấn đề và đứng lên vạch rõ âm mưu của bọn chúng. Quay đầu là bờ bè lũ Việt Tân đã bao giờ nghĩ đến “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân”, đừng để một lần nữa phải hối tiếc.
THANH HUYỀN
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: