Hiện nay các thế lực thù địch thường xuyên coi vấn đề dân tộc, tôn giáo là một trong những mũi nhọn để tấn công, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Do vậy, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh là yêu cầu rất quan trọng hiện nay.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là tổng hợp các giải pháp của hệ thống chính trị cơ sở, vận dụng linh hoạt sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng nhằm đổi mới, củng cố cơ cấu bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm đặc thù của từng cơ sở; xây dựng các thành tố của bộ máy có đủ các nguồn lực về thể chế, nhân lực, điều kiện vật chất để thực thi nhiệm vụ, phát huy cao độ vai trò của các thành tố đó trong tổ chức của hệ thống. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số hiện nay có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị nói chung và hệ thống chính trị cơ sở nói riêng luôn được Đảng bộ và chính quyền các địa phương trong vùng quan tâm.
Để thực hiện có hiệu quả hơn việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số hiện nay cần thực hiện một tốt một số biện pháp sau:
Một là, đổi mới tổ chức cơ sở đảng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh là vấn đề then chốt có tính quyết định cho quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
Trên phương diện hoạt động: Tập trung nâng cao nhận thức về vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng.
Trên phương diện tổ chức: Cần sớm thống nhất mô hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tổ chức dân cư dưới cấp xã; các tổ chức cơ sở đảng cấp xã phải xây dựng cụ thể Quy chế hoạt động trên cơ sở Điều lệ Đảng, tránh sa vào tính sự vụ hoặc nặng tính hình thức, kèm theo việc thực hiện quy chế một cách nghiêm túc và thực chất.
Hai là, xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở vững mạnh
Củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở theo hướng tương thích với yêu cầu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, và Luật tổ chức chính quyền địa phương có những mô hình đặc thù cho các vùng, miền khác nhau. Mô hình tổ chức chính quyền cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo đó cần thiết phải được tổ chức xây dựng với những chế độ, chính sách đặc thù.
Ba là, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở
Để xác định đúng vị thế của tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở trước yêu cầu của tình hình hiện nay. Khắc phục ngay các biểu hiện trong công tác tổ chức cán bộ coi thường vị thế của tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp xã. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng cấp xã đối với công tác dân vận, phải coi trọng công tác vận động quần chúng, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc cùng với các tổ chức chính trị – xã hội đúng vị trí là cơ sở nền tảng của chính quyền và cả hệ thống chính trị cơ sở.
Bốn là, đổi mới căn bản công tác cán bộ theo hướng xây dựng chiến lược riêng về đào tạo và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực chính trị cho Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Cần quán triệt sâu sắc yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ mà tại Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Nội dung “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” là một nhận thức mới, một điểm nhấn của Đại hội XIII.
HỒNG. VIỆT
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: