Saturday, April 27, 2024

Luật căn cước sẽ bảo vệ người yếu thế

Dự án Luật căn cước được xây dựng và tiếp tục trình quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, quốc hội khoá XV tới đây, sẽ không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, với việc lần đầu tiên đưa nhóm người yếu thế vào điều chỉnh, dự án luật căn cước sẽ mang tính phổ quát và nhân văn, được các chuyên gia pháp lý, đại biểu quốc hội đồng tình, đánh giá cao.

Nhiều điểm mới, đưa người gốc Việt vào luật.

Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Công an đã trực tiếp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông họp chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Căn cước theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội và xây dựng Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước sau Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 07 chương, 46 Điều bao gồm những nội dung cơ bản như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Luật căn cước sẽ bảo vệ người yếu thếĐại biểu Phạm Văn Hoà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, luật căn cước sẽ không phát sinh chi phí, thủ tục hành chính.

3. Về quy định thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân.

4. Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú… .Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

5. Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

6. Về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.

7. Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước; việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

8. Về căn cước điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Dự thảo Luật quy định mỗi công dân chỉ có 01 căn cước điện tử; căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

9. Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển tiếp về việc sử dụng thẻ căn cước công dân đã được cấp; giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân để không làm phát sinh thủ tục hành chính, tác động đến người dân khi Luật Căn cước được thông qua, có hiệu lực thi hành.

Không phát sinh chi phí, thủ tục hành chính.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, việc Bộ Công an lần này bỏ từ “công dân” trong “luật căn cước công dân” đã đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống.

Đáng chú ý, theo ông Hoà, việc bỏ từ “công dân” trong luật không làm phát sinh ngân sách, hao tốn cho người dân vì thẻ căn cước công dân mới cấp, đang còn thời gian sử dụng, có giá trị và hiệu lực thi hành. Khi luật này có hiệu lực, không bắt buộc công dân phải đổi thẻ, thẻ cũ còn giá trị sử dụng.

Luật căn cước sẽ bảo vệ người yếu thếĐại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương tán thành việc sửa tên luật căn cước để bảo vệ người yếu thế.

“Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội việc sử dụng tên thẻ là thẻ “căn cước” (thay cho thẻ “căn cước công dân” như hiện nay). Việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước. Vì tại Điều 46 dự thảo Luật đã có quy định chuyển tiếp: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này- ông Hoà nói.

Dự án Luật Căn cước là dự án luật rất quan trọng để phục vụ Đề án 06, dự thảo Luật chứa đã đựng nhiều quy định mang tính kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Trách nhiệm và nhân văn

Đáng chú ý, hồ sơ Luật mà Chính phủ trình Quốc hội sử dụng tên của Luật là “Luật Căn cước” thay cho “luật căn cước công dân” sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật lần này (bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử), phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật.

Theo Ban soạn thảo, điều này, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.

Ban soạn thảo đặc biệt nhấn mạnh, việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

Luật căn cước sẽ bảo vệ người yếu thếLuật sư Nguyễn Thị Huyền Trang – Giám đốc Công ty Luật Viên An, Đoàn Luật sư TP.HCM ấn tượng với tính nhân văn của luật căn cước.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang – Giám đốc Công ty Luật Viên An, Đoàn Luật sư TP.HCM: tên gọi được điều chỉnh lần này sẽ mang lại thuận lợi chung, mang tính phổ biến và phổ quát. Hiểu phổ quát ở đây sẽ bao gồm hình thức và nội hàm. Trước luật gọi là “luật căn cước công dân” thì cả hình thức và nội hàm chỉ điều chỉnh với 1 đối tượng là công dân VN, quốc tích VN. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống không hoàn toàn như vậy, thông kê còn có hơn 300 nghìn người Việt Nam không quốc tịch hay người nước ngoài không quốc tịch sống ở VN…

Theo bà Trang, từ việc thống kê, điều tra xã hội, Bộ Công an điều chỉnh trong dự thảo luật lần này thành “luật căn cước” sẽ góp phần làm tốt hơn nữa công tác quản lý và đảm bảo an ninh trật tự, để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân”.

“Tôi đặc biệt ấn tượng với tính nhân văn của luật căn cước. Xưa nay, mình chỉ bảo hộ công dân VN, nhưng khi luật này được quốc hội thông qua và có hiệu lực, sẽ có hành lang pháp lý với người sống lang thang không quốc tịch, góp phần giám sát và quản lý tốt hơn. Về lâu dài cũng sẽ đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tốt hơn cho người dân. Từ quản lý đó, cũng mới biết công dân cần gì để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp” Luật sư Trang nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương cho rằng, việc đổi tên thành “luật căn cước” sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt đưa nhóm yếu thế vào điều chỉnh trong luật.

Theo bà Nga, thực tế cuộc sống, ngoài công dân VN còn đối tượng là những người chưa được xác định là công dân VN. “Những người gốc Việt này vì nhiều lý do chưa có giấy tờ và chưa được xác định là công dân VN- số lượng dù chưa nhiều nhưng không vì thế mà không quét trong luật”- Bà Nga nói.

Bà Nga nhấn mạnh, việc quản lý và bảo đảm địa vị pháp lý cho người gốc Việt Nam ở nước ta là yêu cầu cấp thiết, có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến chiến tranh, di cư… Hiện nay chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này. Người gốc Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận.

Thực tiễn hiện nay, nhiều cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu gì về người gốc Việt Nam; việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối với họ, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật; đồng thời đây cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hậu quả, theo bà Nga “tôi đặc biệt nhấn mạnh, họ vẫn là cộng đồng người VN, tồn tại trên đất nước VN và thậm chí cần xác định đây là “nhóm yếu thế” vì giấy tờ tuỳ thân, quốc tịch không có. Điều đáng ngại, khi họ không có những giấy tờ tuỳ thân thì không tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội dù là đối tượng yếu thế”.

“Tôi nghĩ đổi tên từ luật căn cước công dân sang “luật căn cước” sẽ đảm bảo tính nhân văn sâu sắc, tạo thuận lợi quản lý nhân thân về con người, ý nghĩa mục đích tốt đẹp như vậy thì đổi tên là hợp lý” bà Nga nói.

Duy Tuấn

Theo  Báo Công lý

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG