Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 là dịp để toàn thể nhân dân ta tôn vinh và tri ân những nhà báo có tâm huyết với nghề. Những người đã viết lên những bài báo, những câu chuyện phản ánh chân thực đời sống, văn hóa, xã hội mà thông qua đó đã tôn vinh các giá trị cao đẹp và truyền cảm hứng định hướng đến các giá trị cao đẹp “chân, thiện, mỹ”.
Thế nhưng bất chấp những kết quả về tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thế giới công nhận, với thái độ định kiến cố hữu, vừa qua, trang Facebook của Việt Tân tiếp tục đưa ra các luận điệu đã “cũ mòn” của những năm trước, với bài viết “Báo chí việt nam bị Đảng kiểm soát nghiêm ngặt như thế nào?”, bằng những luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế tại Việt Nam, khi cho rằng: “Ở Việt Nam không có tự do báo chí, người dân không được thực hiện quyền tự do ngôn luận”, …
Cần khẳng định ngay rằng, những luận điệu mà bè lũ bán nước, hại dân Việt Tân đưa ra là không khách quan, không đúng thực tế. Đó là sự xuyên tạc trắng trợn về tình hình bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Thực tiễn về tự do báo chí ở Việt Nam trái ngược hoàn toàn với những lời lẽ “vu vạ” của chúng. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân được thể chế hóa trong Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Hiến Pháp và Pháp luật của Nhà nước: Ngay từ năm 1946, trong điều 10 của bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được khẳng định; hiện nay Điều 25, Hiến pháp (năm 2013) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục khẳng định; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; tại Chương II, Luật Báo chí (năm 2016) cũng quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Theo trang VietNam Business Forum ngày 20/6/2023, có bài viết “Báo chí Việt Nam: Phát triển phù hợp với xu hướng công nghệ, đồng hành cùng doanh nghiệp” đã đưa ra thống kê: “Năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người”… Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, như: CNN, Reuters, AP, AFP, … Nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đặt ra như: Vấn đề bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ; chống biến đổi khí hậu, … Từ đó, cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của nền báo chí cách mạng đã góp phần mở rộng kiến thức cho nhân dân và dám đi sâu, đi sát vào những vấn đề, hiện tượng gây bức xúc trong xã hội. Thực hiện đúng như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trắng đen đã quá rõ ràng rồi! Quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của người dân Việt Nam luôn được bảo đảm. Đó là sự thật không thể xuyên tạc. Vậy những luận điệu đã cũ mòn được bọn chúng “nhai đi nhai lại” nhiều lần với mục đích gì? Chúng ta cần vạch trần và đấu tranh.
Trước hết có thể khẳng định, mưu đồ thâm hiểm và sâu xa của bọn chúng muốn từ những cái sai, cái không đúng nhưng cứ nói đi, nói lại ngày này qua ngày khác, mưa dầm cũng thấm để rồi đúng cũng thành sai, mà sai lại thành đúng, khó có thể phân biệt đúng – sai, chúng tác động vào nhận thức, thái độ, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của nhiều người. Đặc biệt là một bộ phận người dân hoài nghi, bi quan về Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung và sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nói riêng. Những thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể làm chia rẽ, ly gián lòng người, làm phân tâm trong các giai tầng xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Trên bình diện quốc tế, mục đích của chúng là tạo ra cái nhìn thiên lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam. Từ việc bọn chúng hạ thấp sứ mệnh của báo chí cách mạng, phủ nhận khuynh hướng tính chính trị của báo chí cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. “Tự do báo chí” dưới bàn tay nhào nặn của tổ chức phản động Việt Tân đã trở thành một trong những mũi nhọn của diễn biến hòa bình nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.
Vì vậy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định lập trường, tư tưởng; tự tránh được “bẫy” tự do báo chí của các thế lực thù địch; chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam; tham gia định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
TRẦN BÌNH – ĐỨC THÁI
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: