Thursday, November 21, 2024

“Tự phê bình và phê bình” vũ khí sắc bén đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Lênin từng khẳng định rằng: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Và phê bình và tự phê bình như là một nhu cầu tự nhiên: “…ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”, “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như cần không khí”.

“Tự phê bình và phê bình” vũ khí sắc bén đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Tự phê bình và phê bình góp phần uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ; tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí; nói thẳng, nói thật; nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm… nhằm mục đích để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đồng thời nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ trong tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đây là việc làm cấp bách, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định.

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với xã hội. Nhờ có đạo đức mà con người không làm những điều trái với những giá trị phổ quát của xã hội được đúc kết thành chuẩn mực; giúp cho xã hội được duy trì ổn định và phát triển có trật tự, các quan hệ xã hội được điều tiết hài hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức cách mạng là cái gốc; nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng trở lên vô dụng(6). Người nói: “Cũng như sông thì  có nguồn  mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Giải phóng dân tộc, giải phóng loài người là việc lớn mà mình không có đạo đức, không có căn bản thì không làm nổi việc gì”. Người khẳng định: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không”. Thiếu đạo đức là căn nguyên của các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và trong xã hội.

Trong xu thế toàn cầu hóa, mỗi đất nước đều phải mở của hội nhập. Một mặt chúng ta có thể đi tắt, đón đầu tận dụng cơ hội phát triển đất nước từ những ưu thế mà nó mang lại. Mặt khác, chúng ta cũng phải đương đầu với nhiều tiêu cực xã hội, nhiều trào lưu trái với thuần phong mỹ tục dân tộc. Nhất là nhiều nguồn thông tin tác động đa chiều, thậm chí ngược chiều nhau, dễ dàng điều khiển dư luận theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Nếu cán bộ, đảng viên bị suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; không vững vàng, không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác đã chọn thì rất dễ bị chệch hướng. Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch luôn nhăm nhe chống phá đất nước ta đã thay đổi hình thức chống phá. Bọn chúng ra sức xâm nhập vào đời sống xã hội, tạo ra những luồng thông tin phản động, lôi kéo, dụ dỗ bằng mọi cách, nhắm vào nhu cầu thiết yếu của con người như ăn, mặc, ở…để hòng tạo ra sự suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống; làm sụt giảm ý chí chiến đấu của cán bộ, đảng viên để bọn chúng thừa cơ “không đánh mà thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tự phê bình và phê bình là vấn đề tất yếu của cuộc sống, là quy luật trưởng thành của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên cần có tính chiến đấu cao, phải thường xuyên phê bình và tự phê bình để kịp thời phát hiện khuyết điểm để sửa chữa. Không những thế, cán bộ phải luôn đi trước, làm mẫu, gương mẫu trong mọi việc. Giống như câu nói “Hành động của người cán bộ luôn là mệnh lệnh không lời đối với cấp dưới”. Thực tế cho thấy, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc…Nếu không kiên định và kiên trì rèn luyện thì cán bộ, đảng viên dễ dàng bị tha hóa, sa vào tệ nạn xã hội, lối sống thiếu lành mạnh, nảy sinh tâm lý hưởng thụ, ngại khó, ngại khổ. Từ đó hình thành tâm lý né tránh, a dua, bàng quan trước mọi việc, không dám phê bình và cũng không chịu nhìn nhận sự phê bình từ người khác đối với bản thân mình. Đây là nguyên nhân dẫn đến “tự suy thoái”, “tự diễn biến”.

Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; là cơ sở để phá tan âm mưu “tự diễn biến”, “tự suy thoái” mà các thế lực thù địch rắp tâm chống phá đất nước ta. Nhưng để phê bình và tự phê bình có hiệu quả và trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của cán bộ, đảng viên thì cần nắm chắc những nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, tự phê bình và phê bình có mục đích là để cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; Xây dựng và giữ vững mối đoàn kết nội bộ, tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Từ mục đích này khi tiến hành phê bình, người phê bình cần nhìn nhận vấn đề trên cơ sở khách quan, xem xét vấn đề sao cho thấu tình đạt lý; sẵn sàng biểu dương, công nhận sự phát triển, tiến bộ của đồng đội. Đồng thời kiên quyết nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết đấu tranh với những sai trái, không sợ bị trù dập, không trù dập hay gieo oán hận gây mất đoàn kết nội bộ.

Thứ hai, khi phê bình cần nêu cả ưu điểm và khuyết điểm; ưu điểm nói trước rồi đến khuyết điểm. Đặc điểm tâm lý của con người nói chung đều thích khen và không thích bị chê. Hơn nữa, mỗi người luôn tồn tại cả ưu điểm và khuyết điểm. Việc chỉ rõ ưu điểm sẽ giúp người được phê bình tự tin hơn, nhận ra giá trị bản thân và có động lực để tiếp tục phấn đấu. Từ đó họ cũng dễ dàng, bình tĩnh tiếp nhận nhược điểm hơn. Có như thế phê bình mới phát huy được mục đích là làm cho người được phê bình nhận ra và tự giác sửa chữa khuyết điểm. Nhờ vậy phê bình sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào nhược điểm của người khác, bỏ qua ưu điểm của họ sẽ khiến họ thấy không công bằng, không cam tâm. Từ đó dễ nảy sinh tư tưởng chống đối, phản bác mạnh mẽ. Kết quả phê bình sẽ có hiệu quả thấp, thậm chí phản tác dụng.

Thứ ba, tự phê bình và phê bình phải đi đúng trọng tâm trọng điểm, nói thẳng vào vấn đề. Trong cuộc sống hàng ngày và cả trong công việc mỗi người đều khó tránh khỏi mắc sai lầm. Quan trọng là họ kịp thời nhận ra sai lầm và kiên quyết, kiên trì khắc phục sửa chữa. Muốn kịp thời nhận ra sai lầm thì cán bộ, đảng viên cần thường xuyên đánh giá, nhìn nhận lại những việc bản thân đã làm, nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra nguyên nhân thành công cũng như nguyên nhân thất bại; từ nguyên nhân đưa ra được biện pháp khắc phục và khắc phục triệt để. Tuy nhiên, thường thì người làm nhiều việc dễ mắc nhiều khuyết điểm hơn người làm ít việc. Việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm không thể nóng vội, không thể làm xong ngay tất cả để có thể trở nên toàn diện được. Vì vậy trong phê bình, người tham gia phê bình cần nhận rõ thời điểm phê bình đang tập trung làm rõ ưu, khuyết điểm về nội dung gì; từ đó tập trung thẳng vào nội dung trọng tâm để phân tích làm rõ ưu khuyết điểm, đề xuất biện pháp khắc phục. Khuyết điểm nào cần sửa chữa ngay thì làm trước, làm dứt điểm. Người phê bình chỉ nên xoáy sâu phân tích nội dung cần phê bình chứ không nhắc nhở thêm những khuyết điểm khác. Nếu người phê bình lan man kể lể tất cả nhược điểm lớn nhỏ sẽ dễ làm cho người được phê bình cảm thấy nặng nề, mất niềm tin; thậm chí không định hướng nổi bản thân cần làm gì…

Thứ tư, tự phê bình và phê bình phải đến nơi đến chốn, tránh phê bình và tự phê bình hình thức. Nguyên tắc này tưởng là dễ nhưng lại khó thực hiện. Bởi người phê bình dễ mang tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, tâm lý “Dĩ hòa vi quý” nên khi phê bình sẽ nói giảm, nói tránh hoặc chỉ phê bình nửa vời, chỉ nêu khuyết điểm chung chung. Mặt khác người tự phê bình cũng có thể mang tâm lí xấu hổ, ngại “vạch áo cho người xem lưng” nên quanh co không dám nhìn nhận khuyết điểm của bản thân. Có một số người lại chỉ thích huênh hoang khoe ưu điểm, thổi phồng ưu điểm của bản thân mà phớt lờ nhược điểm. Tất cả những điều này sẽ khiến cho phê bình và tự phê bình trở nên nửa vời, hình thức. Hiệu quả phê bình và tự phê bình chắc chắn không cao, thậm chí không có tác dụng. Vì vậy người phê bình và người tự phê bình cần chân thành, thẳng thắn, nhìn thẳng sự thật. Người đứng đầu điều khiển quá trình phê bình và tự phê bình cần công bằng, khách quan và minh bạch.

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” là vấn đề có tính nguyên tắc trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác. Vì vậy, phải xây dựng được mẫu hình về đạo đức, lối sống làm hệ quy chiếu định hướng cho con người điều chỉnh mình, trong đó tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là hình mẫu tiêu biểu của hệ quy chiếu đó. Khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, các nhà khoa học trong và ngoài nước cho dù tiếp cận Người ở nhiều góc độ khác nhau: Một chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, một lãnh tụ vĩ đại, một nhà văn hóa kiệt xuất, một anh hùng giải phóng dân tộc… nhưng cũng đều thừa nhận rằng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là giá trị nổi bật, sáng chói nhất trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Ngoài ra, mỗi người cần có kỹ năng biết lắng nghe góp ý, phê bình từ đồng chí, đồng nghiệp và những người xung quanh. Khi được người khác góp ý, phê bình thì người được góp ý cần bình tĩnh lắng nghe, sàng lọc thông tin, chuẩn bị thông tin để trả lời trên tinh thần cầu thị, học hỏi. Không vội vàng cắt lời hay có những phản ứng nóng vội. Người phê bình đang nói mà người bị phê bình phản ứng lại ngay sẽ khiến người phê bình có tâm lý ngại nói và sẽ không phê bình đến nơi đến chốn.

Tự phê bình và phê bình và thường xuyên, có nền nếp và đảm bảo chất lượng; tạo thành một thói quen tự giác cho mọi cán bộ, đảng viên thì chắc chắn mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Nhờ vậy sẽ tránh xa được nguy cơ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; đẩy lùi “Tự suy thoái”, “Tự diễn biến”; đánh bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Không ngừng làm trong sạch Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác đã chọn.

– Hương Thảo –

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG