Thursday, March 28, 2024

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng tháng 2-1930 đã hoạch định đường lối chiến lược độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc. Đó cũng là khát vọng của toàn dân tộc mà hiện nay Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc

Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, tháng 2-1930 – Ảnh tư liệu: baotanghochiminh.vn

1. Từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên

Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam thành một đảng cộng sản duy nhất mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam (trong bài này, gọi tắt là Hội nghị) đã được tổ chức tại Hương Cảng (Hồng Kông), Trung Quốc. “Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương”(1), Nguyễn Ái Quốc đứng ra triệu tập và chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có “đại biểu của Quốc tế Cộng sản”(2) là Nguyễn Ái Quốc; 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh; 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu; 2 người giúp việc (không phải là đại biểu Hội nghị) là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu.

Hội nghị đã thông qua 7 văn bản, văn kiện do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo: 1) Năm điểm lớn, 2) Chánh cương vắn tắt của Đảng, 3) Sách lược vắn tắt của Đảng, 4) Chương trình tóm tắt của Đảng, 5) Điều lệ vắn tắt của Đảng, 6) Báo cáo tóm tắt Hội nghị, 7) Lời kêu gọi; trong đó Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng hợp thành nội dung Cương lĩnh chính trị của Đảng (từ đây gọi tắt là Cương lĩnh).

Sau đây là phân tích khái quát nội dung cơ bản của Cương lĩnh.

(1) Về mục tiêu: Cương lĩnh xác định mục tiêu hoạt động của Đảng là “làm cho thực hiện xã hội cộng sản”(3). Đây là mục tiêu hoàn toàn mới tính đến thời điểm đó. Trước đó, các phong trào cứu nước theo tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản đều bị thất bại. Bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Thực tế lịch sử hiện đại Việt Nam cho thấy: anh dũng thì có, vang dội khắp nước, lúc âm ỉ, lúc như sóng dềnh biển cả, máu đào của các bậc tiên liệt đổ xuống, nhưng độc lập, tự do vẫn không có kết quả. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời  là một tất yếu của lịch sử; nó là một thực thể hiện hữu hợp quy luật tiến hóa của lịch sử Việt Nam cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ XX – khi các con đường cứu nước trước đó đi vào ngõ cụt.

(2) Về con đường để đạt mục tiêu: Mục tiêu chỉ có một, nhưng có nhiều con đường được lựa chọn để đi tới mục tiêu. Cương lĩnh xác định con đường cách mạng Việt Nam là “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”(4), “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng”(5). Về sau, Đảng có nhiều diễn đạt khác: làm cách mạng phản đế và phản phong, hoặc làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa cộng sản, giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.

Khi nói tới thuật ngữ “cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới”, mà trong Cương lĩnh viết là “tư sản dân quyền cách mạng”(6) thì hiển nhiên trong đó đã bao hàm cả “thổ địa cách mạng” rồi, hà tất phải nêu về thổ địa cách mạng. Nhưng, “thừa” còn hơn thiếu, Cương lĩnh nêu “tư sản dân quyền cách mạng”, nhưng lại tách riêng ra một vế “thổ địa cách mạng”, xét về thực tế, thì rất cần thiết.

(3) Về lý luận chính trị dẫn đường: Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã làm rất nhiều việc, trong đó có việc lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và mở các lớp huấn luyện những người yêu nước Việt Nam từ trong nước sang Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925 đến năm 1927. Tổ chức này được Nguyễn Ái Quốc gọi là: “quả trứng mà từ đó nở ra con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản)”(7).

Hội Tuyên truyền Liên hiệp các dân tộc bị áp bức đã tập hợp lại những bài giảng của Người đưa xuất bản năm 1927 bằng tiếng Việt với tên Đường kách mệnh. Ngay ở trang bìa, Nguyễn Ái Quốc dẫn quan điểm của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(8). Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc viết rằng, đảng cách mạng “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(9), “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam… Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(10).

Đến Cương lĩnh, ở hai văn bản là Chánh cương vắn tắt của Đảng và Sách lược vắn tắt của Đảng tuy không ghi rõ lý luận mà Đảng phải theo, nhưng trong Điều lệ vắn tắt của Đảng ghi: “tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản”(11). Mà đã ghi như thế thì đích thị lý luận chính trị mà Đảng phải theo chính là chủ nghĩa Mác – Lênin.

(4) Về lực lượng lãnh đạo cách mạng: Cương lĩnh khẳng định lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân Việt Nam, mà đội tiên phong của giai cấp này là Đảng Cộng sản Việt Nam. “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”(12), “Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản”(13). Cách nêu này hoàn toàn trùng khớp quan niệm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin (sau này, Đảng ta có nhiều cách diễn đạt về vấn đề “Đảng của ai”(14)).

(5) Về lực lượng tham gia cách mạng: Cương lĩnh xác định rằng, lực lượng cách mạng gồm toàn bộ những người Việt Nam yêu nước: công nhân; nông dân; tiểu tư sản; trung, tiểu địa chủ; tư sản dân tộc yêu nước. Chính đây là vấn đề khác với quan điểm tả khuynh của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản cuối năm 1928, và cũng từ đây Nguyễn Ái Quốc bị hiểu sai. Trong khi Quốc tế Cộng sản, có lẽ dựa vào kinh nghiệm của Ấn Độ và Trung Quốc, cho rằng, địa chủ, giai cấp tư sản dân tộc là đối tượng cần đánh đổ, còn đối với tiểu tư sản thì không được phép tập hợp, nhưng Cương lĩnh chủ trương tập hợp cả “phú nông, trung, tiểu địa chủ”(15), “Đảng tập hợp và lôi kéo… tư sản và tư sản bậc trung”(16) vì “tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được”(17); “Đảng lôi kéo tiểu tư sản… về phía giai cấp vô sản”(18). Như vậy là ngoài hai lực lượng rất cơ bản là công – nông, Đảng chủ trương tập hợp tất cả lực lượng yêu nước khác vào cuộc đấu tranh cách mạng. Điều này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của một nước thuộc địa nửa phong kiến, khi tất cả các giai tầng đều có một “mẫu số chung” là yêu cầu giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc và những người tham gia thành lập Đảng đã nhìn vấn đề này rõ hơn và đúng hơn so với Quốc tế Cộng sản khóa VI.

(6) Về phương pháp cách mạng: Cương lĩnh khẳng định Đảng dùng phương pháp cách mạng bạo lực để đánh đổ ách xâm lược cũng như chế độ phong kiến tay sai. Trong các văn bản của Cương lĩnh, những từ ngữ sau đây thường được đề cập: “đánh đổ”(19), “đánh trúc”(20), “lật đổ”(21), “tiêu trừ”(22) đế quốc và phong kiến. Thực dân và phong kiến tay sai ở Việt Nam không bao giờ chịu “nhường” bộ máy chính quyền cho lực lượng cách mạng. Cần nhấn mạnh rằng, chính quyền là vấn đề cơ bản của cách mạng xã hội; khi đã giành được chính quyền thì coi như cách mạng xã hội kết thúc thành công.

Khi đế quốc không tự nguyện từ bỏ ý chí xâm lược và thế lực độc tài quân chủ phong kiến, không chịu từ bỏ chế độ cai trị ở Việt Nam thì việc sử dụng bạo lực chính là phương pháp cách mạng duy nhất đúng. Trong bộ Tư bản, C.Mác cho rằng: “Bạo lực là bà đỡ của một chế độ xã hội cũ đang thai nghén một chế độ mới”(23). Đến tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen nhắc lại: “Bạo lực còn đóng một vai trò khác trong lịch sử, vai trò cách mạng; nói theo Mác, bạo lực còn là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới; bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức chính trị đã hóa đá và chết cứng”(24). Tiếp thu quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin khẳng định tính tất yếu của bạo lực cách mạng, làm sáng tỏ hơn vấn đề: không có bạo lực cách mạng thì không thể thay thế nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được.

Nếu có thể so sánh, không sợ bị khập khiễng, thì phương pháp của Phan Châu Trinh là phương pháp cải cách “bất bạo động” giống như Mahatma Gandhi thành công tại Ấn Độ, một môi trường thuộc địa của Anh, khác dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, tuy Anh hay Pháp đều là đế quốc. Điều này giải thích hiện tượng một số người ngày nay thấy tiếc nuối, cứ đặt lại vấn đề là cách mạng Việt Nam nên theo phương pháp của Phan Châu Trinh. Thật ra, khi đặt vấn đề như vậy thì họ đã thoát ly hẳn bối cảnh lịch sử cụ thể, như thể chẳng khác nào họ muốn nước ta bây giờ nên đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, con đường mà thực tế lịch sử Việt Nam đã không lựa chọn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

(7) Về phác thảo một xã hội tương lai sau khi cách mạng thành công: Cương lĩnh định hướng một xã hội Việt Nam trong tương lai: độc lập, tự do, hạnh phúc trên ba phương diện: 1) Về xã hội thì nhân dân được tự do, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục; 2) Về chính trị thì đất nước được hoàn toàn độc lập, lập nên chính phủ công – nông – binh(25), tổ chức quân đội công – nông; 3) Về kinh tế thì quốc hữu hóa các cơ sở kinh tế lớn, kể cả ruộng đất, bỏ sưu thuế cho dân nghèo, mở mang công nông nghiệp, thi hành luật ngày làm 8 giờ, v.v…

Những điều trên đây chưa phải là chi tiết, mới chỉ là phác thảo về một xã hội mới, nhưng phản ánh được tính ưu việt.

(8) Về quan hệ quốc tế của Đảng: Cương lĩnh nêu rõ: “Đảng phổ biến khẩu hiệu “Việt Nam tự do” và đồng thời Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới nhất là với quần chúng vô sản Pháp”(26). Điều này hoàn toàn phù hợp với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới, đoàn kết lại!” do Đại hội các dân tộc miền Đông họp ở Bacu (Liên Xô) năm 1920 nêu lên sau Đại hội II Quốc tế Cộng sản. Đó cũng là điều hợp logic mà Nguyễn Ái Quốc đã nêu trước khi thành lập Đảng rằng: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trên thế giới đều là đồng chí của dân An Nam”(27).

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng tháng 2-1930 có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Nó phản ánh một cách cơ bản các quan điểm của Đảng về cách mạng Việt Nam; thể hiện bản lĩnh chính trị độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc đánh giá đặc điểm, tính chất xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, chỉ rõ những mâu thuẫn của dân tộc Việt Nam lúc đó, đặc biệt là việc đánh giá đúng đắn thái độ của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Từ đó, Cương lĩnh đã xác định đường lối chiến lược đúng đắn, phương pháp phù hợp, nhiệm vụ sát thực và lực lượng vừa rộng, vừa chắc để thực hiện đường lối chiến lược đề ra.

2. Đến khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường

Nội dung của Cương lĩnh chính trị tháng 2-1930 phù hợp quy luật phát triển của xã hội Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội, phù hợp với xu thế của thời đại, định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó về sau. Cương lĩnh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa và phong kiến; giải quyết các mối quan hệ: giai cấp – dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn và đầy sáng tạo đặc điểm cách mạng Việt Nam với tư tưởng tiên tiến quốc tế.

Con đường cách mạng vô sản mà Cương lĩnh khẳng định là con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 trở đi. Trước sự khủng hoảng của phong trào cộng sản quốc tế, Đảng vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu và con đường cách mạng mà Cương lĩnh đã nêu. Đảng tiếp tục 7 chữ “kiên”: kiên trì, kiên định, kiên quyết, kiên cường, kiên trung, kiên tâm, kiên nhẫn. Từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng tháng 2-1930, Đảng tiếp tục có thêm 3 luận cương/cương lĩnh nữa để bổ sung, phát triển đường lối cách mạng(28). Trong những năm đổi mới, Đảng nêu mục tiêu: “Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”(29).

Kiên trung thực hiện Cương lĩnh chính trị đầu tiên tháng 2-1930 mà Đảng đã diễn đạt lại về mục tiêu cách mạng trong thời kỳ đổi mới trên đây. “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(30) như Đại hội XIII của Đảng đã nêu. Có ba thành tựu ghi dấu ấn điều đó: 1) Đảng lãnh đạo thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên chế độ chính trị mới, Đảng trở thành Đảng cầm quyền; 2) Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như chống xâm lược ở biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia; 3) Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Độc lập dân tộc được ghi trong Cương lĩnh là điều kiện tiên quyết cho cách mạng phát triển, đã được toàn Đảng, toàn dân ta biến thành hiện thực. Cương lĩnh tiếp tục truyền cảm hứng khát vọng tự do, hạnh phúc cho toàn Đảng, toàn dân. Khát vọng đó thể hiện trong tư duy và hành động. Không thể giáo điều và duy ý chí. Rất cần sự sáng tạo. Sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, đồng thời tôn trọng và làm theo đúng quy luật.

Hiện nay, tình hình cụ thể cho Đảng ta thấy rằng: dân tộc trên hết, lợi ích dân tộc là cao nhất, không phải là dân tộc theo sôvanh nước lớn và dân tộc hẹp hòi, nhưng như vậy không có nghĩa là không coi trọng hợp tác quốc tế, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “bốn biển đều là anh em”(31), “tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”(32). Xem thế để thấy rằng, từ sớm, ngay từ Cương lĩnh chính trị tháng 2-1930, Đảng đã đưa tầm nhìn của mình lên rất cao và đi trước rất xa để đáp ứng yêu cầu của thời cuộc.

Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết thì giải phóng xã hội và giải phóng con người lại là những điều kiện bảo đảm vững chắc nhất cho giải phóng dân tộc. Nếu giải phóng dân tộc rồi mà con người vẫn không được giải phóng thì giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội là vô nghĩa. Điều logic này được Đảng ta mà người lãnh tụ là Hồ Chí Minh nêu từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(33); rằng, “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(34). Vậy nên, giải phóng con người mới đích thị là mục tiêu cuối cùng cần phải đạt tới như tinh thần trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Kể từ khi thống nhất đất nước năm 1975, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc ngày càng “cháy bỏng” hơn khi thế giới bước vào toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đất nước cần tiến nhanh hơn. Nhưng nhanh ở đây là phải bền vững, chứ không phải bất chấp tất cả, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bao giờ cũng vậy, dân tộc muốn cường thịnh thì phải có ý chí tự lực, tự cường. Khát vọng của dân tộc, kể từ đó, đều hướng vào xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, xã hội chủ nghĩa.

Khát vọng phát triển đã thể hiện từ lâu trong quan điểm của Hồ Chí Minh, người soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng để Hội nghị hợp nhất ngày 3-2-1930 thảo luận thông qua. Hồ Chí Minh không dùng hai chữ “khát vọng”, mà dùng những chữ “mong muốn” “mong muốn cuối cùng” (trong Di chúc): “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(35).

Tháng 1-1946, Người nêu “ham muốn”, “ham muốn tột bậc” khi trả lời các nhà báo nước ngoài: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(36), tức là không để ai ở lại phía sau. Cao hơn, đó là khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường với mục tiêu đến năm 2025 trở thành một “nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”(37); năm 2030, “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”(38); đến năm 2045, “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(39).

Nếu khát vọng chỉ thể hiện bằng những lời lẽ hoa mỹ, những câu khẩu hiệu rỗng tuếch, rồi ngồi chờ vận may thì khát vọng ấy là khát vọng suông, viển vông. Có nhiều giải pháp để đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tiếp tục thực hiện thật tốt Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, trong đó Đảng cầm quyền phải thực sự trong sạch, vững mạnh; giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Nói “thực sự” nghĩa là từ trong thực chất chứ không phải bằng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Muốn xứng đáng cầm quyền, Đảng cần có nhiều tố chất, đặc biệt là các tổ chức của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên phải có Đức và Tài; có Tâm, có Tầm. Phải gương mẫu, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt các cấp. Hãy bắt đầu từ con số 1. Số 1 ở đây là người đứng đầu tổ chức. Số 1 ở đây cũng có thể hiểu là cả tập thể lãnh đạo. Phải xem lại toàn bộ công tác cán bộ để đổi mới hơn nữa.

Đại hội XIII của Đảng nêu quan điểm: “công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”(40). Mọi thắng lợi hay thất bại là từ công tác này mà ra. Hồ Chí Minh viết rất rõ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947): cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Chúng ta thấy rằng, cán bộ nào cương lĩnh đó, cán bộ nào quan điểm đó, cán bộ nào đường lối đó, cán bộ nào phong trào đó. Đương nhiên, chúng ta không ngây thơ đến nỗi không xét tới hoàn cảnh bây giờ khác với những thời kỳ, giai đoạn cách mạng trước đây. Nhưng, khác gì thì khác, vẫn có cái nhân, cái lõi hợp lý mang giá trị bền vững của nó.

Phải tìm mọi cách mở rộng, củng cố, tăng cường chất lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời nào cùng vậy, đoàn kết thì sống, không đoàn kết thì chết. Rất cần tăng thêm năng lực lắng nghe để tìm ra chân lý. Hãy khắc phục cho bằng được 4 biểu hiện của bệnh “Nói – Làm”: nói nhiều nhưng làm thì ít; nói hay nhưng làm thì dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo. Hãy “nói thì phải làm”(41) như Hồ Chí Minh viết ở trang đầu tiên Tư cách của người cách mạng của cuốn Đường cách mệnh; hoặc hãy “xắn tay áo làm đi”(42) như Người nói với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa khi đến thăm tháng 2-1947 trước khi trở lại Việt Bắc cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 537 (tháng 11-2022)

Ngày nhận: 26-8-2022; Ngày bình duyệt: 23-11-2022; Ngày duyệt đăng: 25-11-2022.

(1), (2), (3), (4), (5), (11), (12), (13), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.13, 8, 5, 1, 1, 5, 3, 4, 1, 4, 1, 3, 4, 5, 4.

(6) Gọi “kiểu mới” là bởi vì cuộc cách mạng này không phải do giai cấp tư sản mà là do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.21.

(8), (9), (10), (27), (41) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.279, 304, 289, 329, 280.

(14) Về sau, Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm với phạm vi rộng hơn, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Việc gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp vô sản/công nhân cho đến việc gọi Đảng là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam đã phản ánh tư duy mới của Hồ Chí Minh ứng với hoàn cảnh cụ thể của nước Việt Nam – một nước vốn thuộc địa và phong kiến, một nước có số lượng công nhân rất ít so với dân cư, số công nhân đại công nghiệp lại càng ít hơn. Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội X trở đi nêu: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” (Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.4). Dù tên gọi của Đảng là gì qua các thời kỳ, dù sự thể hiện của Hồ Chí Minh trong vấn đề “Đảng của ai” như thế nào đi chăng nữa, nhưng bản chất giai cấp của Đảng vẫn không thay đổi, đó là đảng kiểu mới của giai cấp vô sản được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc của V.I.Lênin, Đảng mang bản chất giai cấp công nhân đúng theo Cương lĩnh tháng 2-1930.

(15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.3. 4.

(23) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.1043.

(24) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.259.

(25) Đây là chính quyền theo mô hình Xô Viết. Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam, nhất là qua Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, mô hình này không phù hợp và đã bị lịch sử vượt qua. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 và Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941 cũng như sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ ngày 2-9-1945 (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã nói lên điều đó.

(28) Đó là Luận cương chính trị tháng 10/1930; Cương lĩnh năm 1951; Cương lĩnh năm 1991.

(29) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.4.

(30), (37), (38), (39), (40) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25, 112, 112, 112, 226.

(31) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.588.

(32), (35) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.668, 614.

(33), (34), (36) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.64, 175. 187.

(42) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.77.

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo  Tạp chí Lý luận Chính trị

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG