Sunday, November 10, 2024

Đến vật chứng không giữ được thì nói gì đến việc đòi chủ quyền dân tộc?

Mạng xã hội những ngày vừa qua đang xôn xao về việc Viện Nghiên cứu Hán Nôm (trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) trong quá trình lưu trữ, bảo quản đã làm mất 25 cuốn sách cổ. Cho đến trưa ngày 22/12, các cơ quan chức năng có liên quan đã vào cuộc điều tra và vẫn chưa có phản hồi chính thức. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thiệt hại về tinh thần và học thuật của sự việc lần này là quá lớn. Bởi…

Đến vật chứng không giữ được thì nói gì đến việc đòi chủ quyền dân tộc?Một bản Toàn Việt thi lục được chép tay theo lối triều Lê, khổ sách 13,5 x 22.

Theo TS Nguyễn Xuân Diện (Phó trưởng phòng văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chia sẻ với báo giới, 25 cuốn sách cổ bị mất lần này là những cuốn “cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc”. Trong đó có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau và Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên đời Trần. Chỉ riêng việc công trình Toàn Việt thi lục bị thất lạc đã là một mất mát quá lớn của văn hóa, văn học nước nhà. Vì tác phẩm này là một bộ sách cực lớn, do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập và biên soạn. Nó có quy mô đồ sộ gồm 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), chưa từng được biên dịch và công bố công khai. Về độ quý hiếm thì không thể bàn cãi, còn về độ lưu trữ thì hiện nay cả thế giới chỉ còn 11 bộ, trong đó riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10 bộ, bộ còn lại hiện lưu trữ tại Hiệp hội châu Á ở Paris.

Theo PGS.TS Băng Thanh, thơ ca từ thế kỷ XVIII trở về sau được ghi chép nhiều trong các tác phẩm cá nhân, nhưng từ thế kỷ XVII trở về trước không có nhiều, trong đó Toàn Việt thi tập là bộ sách được ghi chép đầy đủ và bài bản nhất. Hay như trong phần Lệ ngôn của tác phẩm này, chính tác giả của nó (nhà bác học Lê Quý Đôn) cũng đã khẳng định rằng: Bộ sách là công trình sưu tập “đầy đủ nhất về các thể, các loại thơ, của các tầng lớp xã hội cho đến thời điểm bấy giờ”. Chính vì vậy, công trình của Lê Quý Đôn không chỉ có giá trị về mặt khoa học trong việc ghi chép, sắp xếp, mà còn là nguồn tư liệu quý hiếm cho cho các học giả sau này nghiên cứu thơ ca Việt Nam nhiều thế kỷ trước. Và rõ ràng là, sự mất mát này là một tổn thất rất lớn đối với văn hóa, văn hiến dân tộc. Về lâu về dài, người Việt sẽ dần đánh mất sự kết nối với quá khứ của chính mình, khi những gì của cha ông đang bị lãng quên theo năm tháng.

Lịch sử của một quốc gia hay quá trình “chung lưng đấu cật” của các dân tộc bao giờ cũng được gìn giữ, lưu truyền bằng các hình thức văn tự. Người Việt và lịch sử hào hùng, nhân văn của mình cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc và nhiều nền văn hóa, văn minh trên thế giới, định mệnh nghiệt ngã của vị trí địa lý và thân phận lịch sử đã khiến cho người Việt rất khó để viết nên lịch sử của mình một cách đường hoàng và chỉnh chu. Con cháu chỉ biết đến quá khứ của cha ông họ thông qua các cuộc chiến tranh, với hy sinh và mất mát. Nào ai có biết (hoặc hiểu rằng) bên cạnh xung đột và bể dâu, người Việt xưa cũng làm thơ và học họa. Nếu không nhờ những tác phẩm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, nếu không có những Hồ Xuân Hương hay Cao Bá Quát, …lịch sử dân tộc sẽ chỉ có “máu” mà thiếu hẳn dư vị của “hoa”, của những phút giây thanh bình tuy ngắn ngủi. Thế mới thấy sự thất lạc của 25 cuốn sách cổ ấy nghiêm trọng đến nhường nào.

Đến vật chứng không giữ được thì nói gì đến việc đòi chủ quyền dân tộc?Hình ảnh cuốn “Nam quốc địa dư chí” mới được tìm thấy

Có ý kiến cho rằng 25 cuốn sách cổ ấy chỉ bị mất bản gốc, nội dung đã được số hóa thì vấn đề cũng không có gì to tát lắm. Người nói ra câu này một là thiếu chuyên môn nặng nề về nghiệp vụ lưu trữ và văn thư, hai là cực kỳ vô cảm trước sự mất mát của một phần lịch sử, một phần văn hóa dân tộc. Bởi lẽ giá trị lớn nhất của bản gốc đó là nó có tính lịch sử, tính nguyên bản và tính độc nhất. In ra hàng triệu bản sao hay số hóa lên không gian ảo là cách để phổ biến nội dung công trình chứ không bao giờ có thể thay thế cho giá trị đích thực của bản gốc. Sự vô giá ấy của các công trình chính là thước đo bằng vàng cho giá trị của một dân tộc, với thời gian dài đằng đẵng dựng nước và giữ nước. Đáng nói hơn cả là trong những sách bị mất, có sách ghi chép về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Thông qua sự kiện lần này, càng thấy được tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc. Trong một thời đại toàn cầu hóa yêu cầu sự đồng nhất, đồng dạng về văn hóa, bản sắc dân tộc sẽ là thứ giá trị bản nguyên giúp phân biệt ta với phần còn lại của thế giới. Bắt đầu từ những trang sách cũ đã hằn lên vết bụi của thời gian, đến những phiến đá ghi tạc vào núi sông dáng hình của một dân tộc, điều gì trong số những di tích, di vật ấy cũng thật đáng quý. Qúy bởi chúng là một phần của lịch sử, quý bởi chúng là biểu trưng của một dân tộc, vừa anh hùng và cũng rất nhân văn.

Khánh Đăng

Nguồn: Cánh cò

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG