“Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức sẽ không được phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian từ 12-60 tháng” là một điểm mới đáng bàn tại Quy định số 80 của Bộ Chính trị quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, khóa XIII. (Hình minh họa)
Trước đó, Quy định 105 có hiệu lực từ ngày 19/12/2017 chỉ quy định rằng, cán bộ bị khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm. Còn tại Khoản 2 Điều 56 Luật Viên chức 2010 và Khoản 8 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định rằng, trường hợp viên chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện bổ nhiệm (bao gồm cả bổ nhiệm lại) trong thời hạn 12 tháng, bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng.
Tuy nhiên, từ cách đây 5 năm, dư luận đã rất bức xúc về thời hạn được bổ nhiệm như vậy. Đơn cử như trường hợp ông Vũ Đức Phượng, Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, sau khi liên tiếp tạo ra các kết quả quan trắc “đẹp” làm “bùa hộ mệnh” cho doanh nghiệp “bức tử” môi trường và đấu thầu mua sắm tài sản công thì bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Đáng nói hơn, sau đó ông Phượng còn được điều chuyển về giữ cương vị Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Giang. Hay trường hợp ông Phạm Văn Tám, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Trà Vinh, bị kỷ luật cảnh do có những sai phạm trong thời gian giữ chức vụ Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trà Vinh. Và sau đó, ông Phạm Văn Tám được điều chuyển giữ chức vụ Giám đốc Sở Công thương.
Dư luận kháo nhau, “xử lý cán bộ vi phạm pháp luật, mà cứ như họ đang giận dỗi tát vào dư luận vậy” không phải là không có lý. Nói thẳng, hình thức kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách” không làm quan chức sai phạm sợ và cũng không có tính răn đe. Và hình thức kỷ luật “làm cho có” đã sản sinh ra một loại “quan chức” nhờn thuốc, để lại hậu quả thật khó lường.
Thực ra, câu chuyện kỷ luật cán bộ từ cấp này sang cấp nọ, từ dưới cơ sở lên tận trên cao là vấn đề mà Trung ương đã rất nhiều lần nhấn mạnh và đề nghị tìm ra biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, phải mãi đến năm 2022, mới có một quyết sách cứng rắn hơn để phần nào giải quyết thực trạng này. Đó là từ Quy định 80 mới được ban hành, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn trong 12 tháng nếu bị khiển trách; 30 tháng nếu bị cảnh cáo; 60 tháng nếu bị cách chức.
Thời gian dài hơn từ Quy định 80 là một phương thức sàng lọc rất hữu hiệu. Bên cạnh đó, quy định mới cũng giúp dư luận thấy được đứng bản chất răn đe từ những hình thức xử phạt kỷ luật. Cũng như giúp những người đang có ý định tham nhũng hay lợi dụng quyền lực phần nào “chùn tay” hơn khi đưa ra bất cứ quyết định nào.
Dẫu biết rằng, mọi quy định mới đưa ra cũng chỉ phần nào hạn chế được những tư tưởng “biết luật để lách luật”, tuy nhiên ít nhất cũng phần nào ngăn chặn cán bộ muốn “bay cao bay xa” dù bị kỷ luật.
Công Luân
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: