Monday, October 7, 2024

Góc nhìn 365: ‘Trung thu xưa’ có cần hoài niệm?

Chúng ta đang nhích dần tới Tết Trung thu của năm 2022. Và tất yếu, trong những ngày này, một dòng chảy vô tận của những hoài niệm về “Trung thu xưa cũ” lại đang tràn ngập tại mạng xã hội, trên mặt báo, cũng như trong câu chuyện thường nhật của rất nhiều người.

Dòng chảy ấy vốn đã tồn tại từ hàng chục năm qua – và chắc chắn sẽ không dừng vào hiện tại. Tùy theo độ tuổi, nó mở rộng từ những cái Tết Trung thu của thời chiến tranh, thời bao cấp, của giai đoạn mở cửa cho đến cả những thời điểm dù cách đây chục năm, nhưng vẫn có sự khác biệt ít nhiều so với cách đón đêm rằm tháng Tám bây giờ.

Ở đó, người ta không ngừng nhắc tới nhiều món đồ chơi đặc biệt của một thời – từ những thứ tự chế như pháo than xoan, pháo hoa hạt bưởi, đèn lồng lon sữa, ống xà phòng… cho đến những thứ gần như cũng không còn xuất hiện như tàu thủy sắt tây, tò he, mặt nạ giấy bồi. Rồi nhắc tới cả cảm giác hồi hộp từ cả tháng trước đó của trẻ em để trông chờ đêm phá cỗ với buổi rước đèn và vị ngon đặc biệt của bánh Trung thu.

Góc nhìn 365: 'Trung thu xưa' có cần hoài niệm?Tết Trung thu xưa. Nguồn: Internet

Đi cùng tiếng trống ếch và ánh trăng rằm tháng Tám, những ký ức ấy khi được gợi lên vẫn luôn lung linh hoài niệm. Và càng hoài niệm thì càng nôn nao trong nỗi nhớ, càng dẫn tới một nhận xét vốn được rất nhiều người hưởng ứng, rằng Trung thu ngày trước thiếu thốn nhưng vẫn vui hơn hẳn bây giờ.

Cũng dễ hiểu cho tâm lý ấy. Nó gắn với một thực tế: Khi mọi thứ trở nên đủ đầy, những ngày khó khăn trong quá khứ luôn trở thành kỷ niệm đẹp và đầy ý nghĩa nếu nhìn lại. Và đặc biệt, phần kỷ niệm đó lại gắn cùng tuổi trẻ và thời niên thiếu của rất nhiều người.

***

Quả thật, khó lòng bắt trẻ em bây giờ mong chờ Trung thu như xưa, khi các em đã có khá nhiều ngày hội để vui chơi và giải trí trong năm. Rộng hơn, sự chuẩn bị ở mỗi gia đình rõ ràng cũng không thể tỉ mỉ và… mất công như trước. Vòng quay hối hả của nhịp sống hiện đại đang khiến ngày đặc biệt ấy dần đi theo xu hướng dịch vụ hóa, kể từ bánh Trung thu, đồ chơi cho tới những lễ hội đón trăng rằm được tổ chức rất chuyên nghiệp và bài bản.

Góc nhìn 365: 'Trung thu xưa' có cần hoài niệm?Các em thiếu nhi biểu diễn văn nghệ trong lễ khai mạc Lễ hội Trung thu năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN

Chẳng ai cưỡng được sự thay đổi tất yếu theo dòng thời gian, giống như Trung thu của thời bao cấp cũng phải khác xa những gì được mô tả trong sử liệu về cách người Việt đón Trung thu đầu thế kỷ trước. Sự níu kéo – nếu có – cũng chỉ là những gắng gượng của chúng ta để tìm kiếm cảm giác hoài cổ, như cách mà một số lễ Trung thu “kiểu cũ” được tổ chức tại phố cổ hay Hoàng thành Thăng Long, trong bối cảnh mà không gian đặc thù sinh ra chúng khi xưa đã không còn.

Nhưng, dù có thay đổi về hình thức, hãy cứ tin rằng bản chất của Tết Trung thu vẫn có thể được lưu giữ trong xã hội hiện đại, như nó đã tồn tại hàng trăm năm qua.

Bởi, không phải ngẫu nhiên, tại Việt Nam, cái Tết được cho là ít nhất có từ thế kỷ XII này vẫn được nhiều người gọi bằng cái tên Tết Đoàn viên. Tổ chức vào rằm tháng 8 Âm lịch, gắn với vụ mùa bội thu, với sự viên mãn của ánh trăng rằm, ngày Tết đặc biệt ấy luôn rộn rã tiếng cười của trẻ thơ và người lớn – những người luôn muốn có mặt đầy đủ trong một phút giây sum họp đáng quý. Và, khi những mối quan hệ trong gia đình ngày càng được đề cao sau những biến động của đại dịch Covid-19 vừa rồi, một cách tự nhiên, chắc chắn gia đình nào cũng muốn cho trẻ em được có một cái Tết Trung thu đầy ắp sự yêu thương.

Nếu muốn, chúng ta hãy cứ hoài cổ và nhớ về những Trung thu xưa cũ. Nhưng đừng quên, tình cảm được gửi gắm trong 2 chữ “đoàn viên” mới là hồn cốt của Tết Trung thu với trẻ em. Có nó, cuộc sống hiện đại vẫn hoàn toàn có thể tạo ra những Trung thu đáng nhớ, để rồi chính các em sẽ lại bồi hồi nhớ về những “Trung thu xưa” của riêng mình trong những năm tháng sau này…

Trí Uẩn (TTVH)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG