Sunday, May 19, 2024

Thông điệp của Đài Loan khi bắn cảnh cáo UAV Trung Quốc

Lần đầu nổ súng bắn cảnh cáo UAV Trung Quốc, Đài Loan dường như truyền đi thông điệp cứng rắn rằng họ không ngại phản ứng mạnh với Bắc Kinh.

Lực lượng phòng vệ Đài Loan ngày 30/8 lần đầu tiên nổ súng bắn cảnh cáo một máy bay không người lái (UAV) Trung Quốc áp sát chốt tiền tiêu trên đảo Erdan, thuộc quần đảo Kim Môn, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở hai bờ eo biển.

Đài Loan trước đó phàn nàn về việc UAV của Bắc Kinh liên tục tiếp cận các nhóm đảo nhỏ Đài Bắc kiểm soát gần bờ biển Trung Quốc, trong đó có quần đảo Kim Môn, cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc khoảng 3 km.

Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này. Ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ những phàn nàn của Đài Loan về UAV, cho rằng đây là vấn đề “không đáng làm ầm ĩ”.

Thông điệp của Đài Loan khi bắn cảnh cáo UAV Trung Quốc

Binh sĩ Đài Loan bắn pháo sáng về phía UAV Trung Quốc. Ảnh: KDC.

Kathrin Hille, bình luận viên của FT, cho rằng vụ nổ súng bắn cảnh cáo truyền đi thông điệp cứng rắn từ phía Đài Loan, nhằm chống lại những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc đối với hòn đảo.

Theo Franz-Stefan Gady, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), những hành động như điều UAV áp sát dường như là một phần của chiến thuật vùng xám mà Trung Quốc đang áp dụng nhằm làm suy yếu lực lượng phòng vệ Đài Loan.

“Mặc dù mối đe dọa quân sự từ UAV dân sự là tương đối nhỏ, Đài Loan vẫn cần tìm ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả nhằm tránh tạo tiền lệ chiến thuật cho các UAV lớn hơn, thậm chí là có vũ trang, áp sát các đảo tiền tiêu”, ông nói thêm.

Động thái nổ súng đầy quyết đoán được Đài Loan thực hiện trong bối cảnh họ phải nỗ lực tìm ra giải pháp cân bằng giữa nguy cơ bùng phát xung đột và mong muốn ngăn chặn Trung Quốc áp đặt kiểm soát lên các vùng biển và vùng trời lân cận, thậm chí với cả hòn đảo.

Thông điệp này được thể hiện trong phát biểu ngày 30/8 của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, khi bà lưu ý các lực lượng phòng vệ của hòn đảo rằng “đối phương càng khiêu khích, chúng ta càng phải bình tĩnh”. “Chúng ta sẽ không kích động tranh chấp, phải tự kiềm chế, nhưng không có nghĩa là chúng ta không phản ứng lại”, bà nói.

Tuyên bố của bà Thái được coi là tín hiệu “bật đèn xanh” để lực lượng phòng vệ Đài Loan có biện pháp phản ứng quyết liệt hơn trước các vụ áp sát liên tiếp của UAV Trung Quốc tại quần đảo Kim Môn, bất chấp động thái xua đuổi của lực lượng phòng vệ.

Tuần qua, nhiều video quay từ UAV xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy các binh sĩ Đài Loan khi phát hiện phi cơ không người lái chỉ có thể chĩa súng mà không dám bắn, thậm chí phải ném đá để xua đuổi chúng.

“Chúng tôi làm theo quy trình. Chúng tôi cảnh báo, báo cáo về hành vi xâm nhập, tìm cách xua đuổi bằng các biện pháp như bắn pháo sáng. Nếu UAV vẫn không chịu rời đi, chúng tôi sẽ nổ súng”, Chang Jung-shun, phát ngôn viên Bộ chỉ huy Phòng thủ Kim Môn, cho hay. Đây là lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Đài Loan công bố quy trình ứng phó UAV Trung Quốc rõ ràng và quyết liệt như vậy.

Thái độ cứng rắn của Đài Loan cũng được thể hiện qua phát biểu ngày 31/8 của Lin Wen-Huang, phó tư lệnh phụ trách tác chiến và tham mưu của lực lượng phòng vệ hòn đảo. Ông Lin khẳng định lực lượng phòng vệ Đài Loan sẽ tự vệ và tấn công đáp trả tàu chiến, máy bay Trung Quốc tiến vào khu vực 12 hải lý quanh hòn đảo.

Theo các quan chức cấp cao Đài Loan, làm thế nào để đối phó với các cuộc xâm nhập của UAV là một trong những vấn đề ưu tiên của chính quyền khi lên kịch bản phản ứng với các động thái leo thang quân sự từ Trung Quốc.

Hồi tháng 5, lực lượng phòng vệ Đài Loan đã phê duyệt 146 triệu USD đầu tư vào các hệ thống phòng thủ chống UAV cho các căn cứ quân sự, nhưng quá trình lắp đặt chúng chưa hoàn thành. Họ cũng có kế hoạch triển khai một hệ thống nội địa nhằm đối phó UAV từ năm sau.

Các nhà phân tích cho rằng UAV áp sát cơ sở quân sự hoàn toàn có thể bị coi là mục tiêu thù địch, theo đó Đài Loan có quyền thực thi biện pháp tự vệ, song không nhất thiết phải bắn hạ chúng.

“Lực lượng Đài Loan có thể sử dụng biện pháp can thiệp điện tử để vô hiệu hóa UAV”, Gady nói, đề cập đến công nghệ khiến UAV bị chặn tín hiệu điều khiển, phải hạ cánh tại chỗ hoặc quay trở lại nơi khởi hành.

Động thái nổ súng cảnh cáo là bằng chứng cho thấy những áp lực quân sự Bắc Kinh dồn lên Đài Loan hoàn toàn có thể dẫn đến những tình huống căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột trên thực địa, giới quan sát đánh giá.

Hồi đầu tháng 8, Trung Quốc tiến hành đợt tập trận quân sự chưa từng có để đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trong đợt tập trận, Bắc Kinh lần đầu tiên phóng tên lửa qua Đài Loan, điều tàu áp sát hòn đảo gần hơn bao giờ hết và điều một số UAV qua Kim Môn.

Howard W French, giáo sư Đại học Columbia, Mỹ, cho rằng khi căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan tiếp tục tăng nhiệt, vấn đề cấp bách hiện nay là tìm cách ngăn chặn xung đột bùng phát từ những sự cố bất ngờ như thế nào.

“Với quan điểm ngày càng cứng rắn từ hai phía, sẽ không có gì đảm bảo xung đột sẽ không xảy ra”, French viết. “Điều đó khiến nỗ lực tránh đụng độ cũng quan trọng như việc sẵn sàng cho xung đột”.

Vũ Hoàng (Theo Financial Times)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG