Friday, November 22, 2024

Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ

Tại buổi ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM hôm 17/8, một lần nữa công tác thanh tra, giám sát được Trưởng ban, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đặc biệt quan tâm.

Tham vấn công chúng và phát huy dân chủBí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện, lắng nghe ý kiến người dân quận Bình Tân

Khẳng định: “Giám sát để cán bộ không thể, không dám, không muốn tiêu cực, tham nhũng“, Bí thư Nguyễn Văn Nên còn nhấn mạnh vai trò của quần chúng nhân dân, đề cao giám sát xã hội trong công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng. Trong khoa học về hành chính, chia giám sát, thanh tra thành hai loại: Giám sát nhà nước và giám sát phi nhà nước (còn gọi là giám sát xã hội). Ở đó, giám sát xã hội do các chủ thể không mang quyền lực nhà nước thực hiện như: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và quần chúng nhân dân.

Quan điểm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên vừa là nguyên tắc hoạt động cho ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở TP.HCM, vừa là sự khẳng định lại chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngoài ra, cũng có thể xem là một sự kế thừa truyền thống dân tộc, khi có thể thấy những ví dụ tương tự trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.

Cụ thể, vào thời kỳ phong kiến, các triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần đều xem “dân làm gốc” là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ở trước sân đình hay huyện sở, người ta đặt những chiếc trống rất lớn để dân oan có thể đến mà tố cáo quan lại hạch sách, nhũng nhiễu. Những đơn thư, phúc trình do dân chúng đưa lên, vào những thời điểm nhất định, đã lật nhào ách cường hào, tham nhũng của không biết bao nhiêu cán bộ, quan tham thời đó.

Tiếp thu tinh thần ấy, đến thời đại Hồ Chí Minh, Người đã luôn nhấn mạnh tư tưởng lấy dân làm gốc trong xây dựng và bảo vệ chính quyền. Mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước phải lấy dân làm gốc vì: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Bác luôn khuyến khích và huy động sự tham gia của nhân dân vào các công việc của Nhà nước. Khi nhân dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước thì đó mới thực sự là một Nhà nước dân chủ, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Mặc dù không thể là phương tiện trực tiếp thay đổi bản chất của tình trạng tham nhũng, nhưng, rõ ràng, giám sát xã hội có tác dụng rất lớn. Bởi các kiến nghị, đề nghị, tham vấn chính xác và phù hợp sẽ tạo ra sức mạnh dư luận xã hội, có thể dẫn đến những sửa đổi, điều chỉnh nhất định. Qua đó, giám sát xã hội có thể gián tiếp buộc các nhóm lợi ích phải từ bỏ một phần lợi ích vì sức ép của nhân dân. Chưa kể, vì chủ thể giám sát là quần chúng – hoàn toàn đứng ngoài đối tượng bị giám sát là các cán bộ, đảng viên, cho nên việc giám sát được thực hiện một cách toàn diện và khách quan hơn so với giám sát, thanh tra của nhà nước. Bên cạnh đó, mục đích của giám sát xã hội cũng hoàn toàn trong sạch, nó không vì một nhóm người hay cá nhân nào, mà vì lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Do vậy, giám sát xã hội, với vai trò của quần chúng nhân dân thể hiện tính khách quan, công bằng trong việc xem xét, đánh giá chuyên môn, đạo đức và phẩm chất của người cán bộ, đảng viên.

Như vậy, có thể nói, quan điểm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã cho thấy giám sát xã hội ngày càng được xem trọng. Đồng nghĩa đó là việc đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng ở thành phố mang tên Bác. Chúng ta có quyền hy vọng về những tiến triển mới trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, khi chủ trương trên dần đi vào cuộc sống.

Đăng Võ

Nguồn: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG