Khu Phố cổ Hà Nội vốn là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, cùng nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
Phố cổ Hà Nội sở hữu hệ thống di tích dày đặc, có giá trị lớn, tuy nhiên bị tác động nặng nề bởi cuộc sống của người dân. Trước thực trạng này, quận Hoàn Kiếm đã có những nỗ lực lớn trong việc di dời dân ra khỏi di tích, đầu tư tu bổ, tôn tạo đền, chùa, miếu mạo để giữ lại vốn quý của lịch sử.
* Dân sống cùng di tích
Theo thống kê, trong khu Phố cổ Hà Nội có tới 121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác, trong đó có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am…
Phố Cầu Đông cuối thế kỷ XIX
Đền Bạch Mã và Ô Quan Chưởng mang có vị thế là một bộ phận cấu thành của Thăng Long – Hà Nội qua suốt hàng ngàn năm hình thành và phát triển; nhà 48 Hàng Ngang mang dấu tích lưu niệm hai nhân vật lịch sử vĩ đại của đất nước là Đức vua Lý Công Uẩn (giai đoạn định đô và xây dựng kinh đô Thăng Long) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn Cách mạng tháng 8/1945 và Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9/1945 đánh dấu sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); chợ Đồng Xuân là di tích cách mạng kháng chiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngoài ra còn có nhiều đình thờ tổ nghề: đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, đình Tú Thị…
Tuy nhiên, tình trạng di tích trong khu Phố cổ bị xâm phạm diễn ra phổ biến, đặc biệt là tình trạng các hộ dân ở lẫn trong khuôn viên di tích. Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng cho biết, chỉ riêng các di tích có yếu tố thờ cúng trên địa bàn khu Phố cổ hiện có 30 di tích với 152 hộ dân (khoảng 530 nhân khẩu) sinh sống; 40 di tích khác không còn yếu tố thờ cúng với 209 hộ dân (khoảng 704 nhân khẩu) sinh sống.
Phường Hàng Đào là địa bàn có nhiều di tích có hộ dân ở lẫn trong đó. Trong đó, đình Hoa Lộc Thị, 90A Hàng Đào, ngôi đình thờ tổ nghề nhuộm vải có tới 6 hộ dân với 13 nhân khẩu sinh sống ở toàn bộ tầng 1 của ngôi đình. Bởi vậy, nơi thờ tự phải đặt trên tầng hai với một gian thờ nhỏ. Ngay cả mặt tiền của di tích dù ngay ở phố Hàng Đào nhưng người đi qua cũng khó nhận biết. Vì vậy, người ta phải hết sức chật vật đi qua cửa hàng mới có thể đến thắp hương tại di tích.
Hay đền Bà Móc, 27 Nguyễn Thiệp (phường Đồng Xuân) có tới 16 hộ dân đang sinh sống với 67 nhân khẩu; đình Đông Môn, số 8 Hàng Cân (phường Hàng Đào) có 6 hộ dân sinh sống với 16 nhân khẩu; đình Phủ Từ, số 19 Hàng Lược (phường Hàng Mã) có 11 hộ dân sinh sống với 47 nhân khẩu; đặc biệt đình Trương Thị, số 48-50-52 Hàng Bạc có tới 50 hộ dân sinh sống với 161 nhân khẩu…
Chợ Cầu Giấy xưa
Bên cạnh đó, tình trạng di tích bị lấn chiếm làm nơi bán hàng, tập trung vật dụng diễn ra phổ biến ở Phố cổ Hà Nội. Không khó để bắt gặp tình trạng này tại các di tích trong Phố cổ. Bàn ghế, đồ dùng, ô dù, bạt che mưa nắng… xếp ngổn ngang, che khuất cảnh quan di tích. Hầu hết các di tích đều bị lấn chiếm, thu hẹp diện tích rất nhiều so với trước kia và nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng xung quanh.
* Trả lại giá trị cũ cho di tích
Là địa bàn vùng lõi của Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay, Hoàn Kiếm mang đậm đặc các giá trị văn hóa, lịch sử hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Để giữ gìn vốn di sản quý, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa làm động lực phát triển kinh tế – xã hội, quận Hoàn Kiếm tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản trên địa bàn.
Đề án “Tập trung bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế”, đã được triển khai từ nhiều năm qua, hoàn trả lại không gian cảnh quan, kiến trúc cho hàng chục di tích, được đông đảo nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Hàng năm, quận Hoàn Kiếm đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa để giải phóng mặt bằng và tu bổ di tích, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng tại địa bàn dân cư, góp phần bảo vệ và tôn vinh các di sản văn hóa.
Chợ Đồng Xuân xưa
Nhiều di tích như: Đình Đông Thành, phố Hàng Vải: đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc; đền Quan Đế, phố Hàng Buồm; quán chùa Huyền Thiên, phố Hàng Khoai; chùa Vĩnh Trù, phố Hàng Lược; chùa Kim Cổ, phố Đường Thành… đã di dời hàng chục gia đình ra khỏi khuôn viên di tích, sau đó được tu bổ, chỉnh trang tạo diện mạo khang trang, đẹp hơn. Đặc biệt, đình Kim Ngân từ chỗ có tới 25 hộ gia đình sinh sống nhưng bằng nỗ lực của quận đã di dời hộ dân, giải phóng mặt bằng để tu bổ, tôn tạo lại di tích.
Hiện giờ, đình Kim Ngân không chỉ là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa mà còn là một điểm đến được đưa vào khai thác trong nhiều tour du lịch phố cổ Hà Nội. Đình Đông Thành, phố Hàng Vải trước kia là nơi ở của 13 hộ dân với 52 nhân khẩu, đồng thời là trụ sở của một đội quản lý thị trường. Sau rất nhiều nỗ lực, đình Đông Thành đã được di dời các hộ dân ra khỏi di tích, đầu tư tu bổ, trả lại không gian, kiến trúc ban đầu.
Hiện tại, quận Hoàn Kiếm cũng đang thực hiện tu bổ, tôn tạo lại đình Hà Vỹ, phố Hàng Hòm, dự kiến khánh thành vào tháng 4/2023. Nơi đây cũng từng là nơi ở của 4 hộ dân và cổng ra vào bị sử dụng làm nơi bán hàng. Nhưng với nỗ lực của chính quyền quận Hoàn Kiếm, việc di dời hộ dân cũng hoàn thành và đình đang được tiến hành tu bổ. Đình Trung Yên, ngõ Trung Yên có 3 hộ dân sinh sống và đến nay quận cũng đã giải phóng xong mặt bằng, chuẩn bị tiến hành trùng tu, tu bổ di tích.
Tuy vậy, với số lượng di tích trong khu Phố cổ Hà Nội lớn, còn rất nhiều đình, chùa, miếu mạo bị xâm phạm, do vậy, việc trùng tu, tu bổ hoàn trả lại không gian cho di tích sẽ còn lâu dài. Nhưng với nỗ lực của quận Hoàn Kiếm, các giá trị vốn quý của di sản cũng từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị, để Hoàn Kiếm trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Đinh Thuận/TTXVN