Tuesday, March 19, 2024

Xu hướng hợp tác 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn

Thúc đẩy quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn, phát triển liên minh quân sự ba bên nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn được xem là ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở khu vực Đông Á.

Mỹ nỗ lực hàn gắn mối quan hệ đồng minh với Nhật – Hàn thông qua chuyến công du Châu Á

Các nhà phân tích cho rằng cùng với việc Tổng thống Yoon Suk-yeol lên cầm quyền, sự gia tăng các mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc cũng như những tác động trên diện rộng của việc Nga xâm lược Ukraine đối với châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác an ninh Mỹ-Nhật-Hàn sẽ được tăng cường và hệ thống đồng minh của Mỹ ở Đông Á cũng sẽ được củng cố.

Chính phủ mới của Hàn Quốc cam kết “sửa chữa” liên minh Mỹ- Hàn

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chính thức nhậm chức vào ngày 10/5 và 11 ngày sau đó, Tổng thống Joe Biden tới Hàn Quốc để gặp người đồng cấp. Xung quanh lời cam kết trong chiến dịch tranh cử của Yoon Suk-yeol về tái thiết liên minh Hàn-Mỹ, các nhà phân tích cho rằng quan hệ Mỹ-Hàn sẽ phát triển suôn sẻ hơn dưới thời chính phủ mới của Hàn Quốc.

Trong giai đoạn tranh cử, Yoon Suk-yeol từng nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ xây dựng liên minh Hàn-Mỹ thành một liên minh toàn diện mang tính chiến lược cùng chia sẻ các giá trị cốt lõi như tự do và dân chủ, kinh tế thị trường và nhân quyền. Ông cũng cho biết trên cơ sở liên minh Hàn-Mỹ, Hàn Quốc sẽ quyết định cách thức phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và liên Triều.
Vào ngày công bố kết quả chiến thắng, Yoon Suk-yeol đã có cuộc điện đàm với Biden. Ngày 3/4, Yoon Suk-yeol cũng đã cử một phái đoàn tham vấn chính sách đến Mỹ để trao đổi những ý tưởng của ông về quan hệ song phương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-youl họp báo chung tại thủ đô Seoul – Hàn Quốc ngày 21-5 Ảnh: REUTERS

Victor Cha, chuyên gia về vấn đề Hàn Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng Yoon Suk-yeol có quan điểm thống nhất với chính quyền Biden về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông nói: “Lấy tuyên bố hòa bình làm ví dụ, nhóm chuyển tiếp của Yoon Suk-yeol từng nói rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh phải là kết quả của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, chứ không phải là điểm xuất phát của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa”. Điều này có sự đồng điệu với chính quyền Biden.

Kể từ thời chính quyền Trump, Mỹ và Hàn Quốc đã có bất đồng trong một loạt vấn đề lớn như tuyên bố kết thúc chiến tranh, chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến và thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng. Theo Victor Cha, lý do khiến liên minh Mỹ-Hàn có vẻ tốt lên trong thời chính quyền Biden là vì hai bên đã phối hợp trong nhiều vấn đề.

Về mối quan hệ Mỹ-Hàn trong tương lai, Victor Cha cho rằng Yoon Suk- yeol sẽ tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự của Biden và người tiền nhiệm tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ năm 2021, triển khai hợp tác trong nhiều lĩnh vực như vật liệu bán dẫn, pin ô tô điện, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và hàng không vũ trụ.

Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Biden, nỗ lực xây dựng một liên minh toàn diện hơn với Mỹ và tham gia khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Ông có khả năng sẽ tăng tần suất các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Do chính quyền Moon Jae-in tập trung vào đối thoại với Bình Nhưỡng, nên các cuộc tập trận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ đã ít diễn ra hơn trong vài năm qua.

Thủ tướng Joe Biden và Thủ tướng Yoon Suk-youl

Ngoài ra, Yoon Suk-yeol cũng đề xuất triển khai thêm một Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để giúp Seoul tránh khỏi mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.

Về vấn đề xử lý quan hệ với Trung Quốc, có khả năng lập trường của chính phủ mới của Hàn Quốc cũng được Mỹ hoan nghênh. Robert A. Manning, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng trong khi các yếu tố như quan hệ kinh tế với Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên sẽ được xem xét, chính quyền mới sẽ vẫn có một cách tiếp cận “kiểm tra và cân bằng” đối với Bắc Kinh. Ông cho biết đây là phản ứng của Hàn Quốc đối với hành động bắt nạt của Trung Quốc trong quá khứ và nó cũng sẽ được những người Hàn Quốc có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc ủng hộ.

Yoon Suk-yeol đã chỉ trích “chính sách ngoại giao mơ hồ” của chính quyền Moon Jae-in nhằm duy trì sự cân bằng giữa Mỹ với Trung Quốc. Về đối ngoại, ông chỉ trích chính quyền Moon Jae-in đã không xác định được lập trường rõ ràng bất cứ khi nào Mỹ và Trung Quốc xảy ra mâu thuẫn, tạo cho người ta cảm giác Hàn Quốc xa lánh đồng minh Mỹ, nghiêng về Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp trả đũa kinh tế đối với Hàn Quốc do việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa giai đoạn cuối (THAAD), chính quyền Moon Jae-in đã đề xuất chính sách “ba không”, đó là không triển khai THAAD, không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và không theo đuổi liên minh quân sự với Mỹ và Nhật Bản.

Tham gia nhiều hơn vào các công việc của châu Á-Thái Bình Dương

Ngoài việc tăng cường quan hệ Mỹ-Hàn, triển khai ngoại giao tôn trọng lẫn nhau với Trung Quốc, Yoon Suk-yeol cũng cho biết ông muốn từ bỏ cách làm truyền thống đối với Triều Tiên trước đây, tức là điều chỉnh chính sách xoay quanh Triều Tiên, lấy liên minh Mỹ-Hàn làm cơ sở để mở rộng quan hệ ngoại giao ở Liên minh châu Âu (EU) và châu Á.

Đối thoại Tứ giác An ninh QUAD dẫn dắt chính sách tăng cường của Mỹ với châu Á

Tìm cách tham gia các nhóm công tác về vaccine, biến đổi khí hậu và công nghệ cốt lõi theo cơ chế Đối thoại an ninh 4 bên (Bộ tứ) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia có thể là bước đầu tiên để chính quyền Yoon Suk- yeol tham gia các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 3/5, người phát ngôn của Yoon Suk-yeol là Bae Hyun-jin, cho biết trong cuộc gặp giữa Yoon Suk- yeol với đại sứ Australia tại Hàn Quốc, ông đã bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của Australia để Hàn Quốc có thể tham gia nhóm làm việc Bộ tứ.

Trong chiến dịch tranh cử, Yoon Suk-yeol nói rằng để “sửa chữa” liên minh Hàn-Mỹ, ông sẽ là người đầu tiên tham gia nhóm làm việc theo cơ chế Bộ tứ và sau đó tham gia Bộ tứ với tư cách thành viên đầy đủ vào một thời điểm thích hợp.

Nhật Bản cố gắng lấp đầy khoảng trống lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Khác với Hàn Quốc, Nhật Bản là nước tích cực thúc đẩy và thực hiện “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ.

Trong một tuyên bố liên quan đến chuyến thăm Nhật Bản của Biden, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết việc Nga xâm lược Ukraine đã gây những tác động lớn đến trật tự quốc tế, cần phải củng cố liên minh Mỹ-Nhật hơn nữa và cùng hợp tác chặt chẽ để đạt được một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa có chuyến thăm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Trọng tâm của chuyến thăm lần này của Kishida là phối hợp lập trường giữa các nước Đông Nam Á với Mỹ và Nhật Bản về việc Nga xâm lược Ukraine và cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Bruce Klingner, nghiên cứu viên cấp cao về vấn đề Đông Bắc Á tại Quỹ Di sản (Mỹ) cho rằng liên minh với Mỹ là lựa chọn tốt nhất cho Nhật Bản.

Theo ông, Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc thành lập một liên minh hùng mạnh với Mỹ, tình hình xung quanh Nhật Bản rất tồi tệ vì quy mô cũng như những hạn chế của quân đội nước này. Ở một khía cạnh nào đó, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã đặt nền tảng cho ý tưởng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Mỹ và Đối thoại an ninh 4 bên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tokyo – Nguồn: Reuters.

Năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Shinzo Abe đã đề xuất cái gọi là “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia có cùng giá trị trong một khu vực rộng lớn từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Tháng 11/2017, trong chuyến thăm các nước châu Á, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã trở thành chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền mới của Mỹ, đồng thời đạt được thỏa thuận với Shinzo Abe về chiến lược này.

Chính quyền Abe từ lâu đã tìm kiếm sự đảm bảo an ninh của Mỹ, liên minh Mỹ-Nhật trở thành nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình, với hy vọng Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Chính quyền Yoshihide Suga kế nhiệm sau này cũng kế thừa toàn bộ đường lối của chính quyền Abe.

Robert A. Manning, thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết kể từ thời Shinzo Abe, Nhật Bản đã tích cực tăng cường vai trò lãnh đạo của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để bù đắp những thiếu sót của Mỹ. Sau khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dưới sự điều phối và lãnh đạo của Nhật Bản, 11 thành viên ban đầu của TPP đã ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông cũng cho rằng Nhật Bản từ thời Thủ tướng Abe đã lấp đầy khoảng trống lãnh đạo của chính quyền Trump, thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ. Nhật Bản coi Ukraine là một bước ngoặt trong trật tự thế giới phương Tây, do đó luôn nhấn mạnh liên minh với Mỹ.

Robert A. Manning cũng cho rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục phát huy vai trò ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai và đã đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở khu vực châu Á. Ngày 22/4, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản-Philippines đã tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng “2 + 2” đầu tiên tại Tokyo để xem xét mở rộng hơn nữa hợp tác quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng khu vực và việc Nga xâm lược Ukraine. Ngày 2/5, ông Fumio Kishida và nhà lãnh đạo Thái Lan đã cùng công bố thỏa thuận quốc phòng mới và kế hoạch thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Nhật Bản chú trọng đến vấn đề Đài Loan

Cũng theo Robert A. Manning, Nhật Bản làm như vậy nhằm hy vọng sẽ đóng vai trò trong việc định hình trật tự thế giới thời hậu xung đột Ukraine. Nhật Bản nhanh chóng điều chỉnh các bước hợp tác với các đồng minh phương Tây, sử dụng các biện pháp trừng phạt và lập trường cứng rắn chưa từng có, thậm chí phá vỡ các quy tắc bằng cách cung cấp hỗ trợ thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine. Trong nhiều thập kỷ, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản đã giữ cho đất nước không xảy ra xung đột quân sự với nước ngoài.

Nhật Bản và Đài Loan sẽ ký hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ làm trung gian

Bruce Klingner cho rằng nếu cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine làm thay đổi Nhật Bản, thì chính Nhật Bản mới là nước lo lắng vấn đề Đài Loan. Nếu Nga có thể tấn công Ukraine, liệu Trung Quốc có tấn công Đài Loan không?

Kể từ năm 2021, nhiều quan chức và cựu quan chức Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về tác động của vấn đề an ninh Đài Loan đối với an ninh của nước này, trong đó đáng chú ý nhất là phát biểu của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Tháng 12/2021, Shinzo Abe từng nói rằng nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan, liên minh Nhật-Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là trở ngại lớn nhất cho liên minh quân sự ba bên
Các phân tích cho rằng trở ngại lớn nhất khi tăng cường quan hệ ba bên Mỹ-Nhật-Hàn chính là mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Hàn Quốc. Kể từ năm 2019 đến nay, xích mích ngoại giao và đối đầu dư luận giữa Nhật Bản với Hàn Quốc về các vấn đề lịch sử như phụ nữ mua vui và lao động cưỡng bức đã gia tăng. Quan hệ Nhật-Hàn ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đây cũng là một mối lo của chính quyền Biden. Chuyến công du châu Á của Biden lần này cũng tạo cơ hội cải thiện quan hệ Nhật-Hàn.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết ông mong muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản và đã có hành động. Ông hy vọng sẽ gặp Fumio Kishida sau cuộc gặp với Biden. Ngày 24/4, Yoon Suk-yeol đã cử một phái đoàn đến Nhật Bản để tìm cách thiết lập lại quan hệ ngoại giao song phương. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào thời điểm đó cũng nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc phải cải thiện quan hệ để cùng hợp tác với Mỹ đối phó với thách thức của các quốc gia bất hảo.

Bruce Klingner cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc có khả năng được cải thiện, lãnh đạo hai nước đều có mong muốn cải thiện quan hệ. Một nhân tố khác là chính quyền Biden đang có cách tiếp cận thực tế hơn ở hậu trường, thúc giục hai bên tập trung vào các mối đe dọa an ninh cùng quan tâm. Hơn nữa, những biểu hiện của Trung Quốc và Triều Tiên càng cho thấy rõ ba nước cần phải hợp tác để đối phó với những mối đe dọa an ninh này.

Liệu có thể có một liên minh Mỹ – Nhật – Hàn trong tương lai?

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc rất nhạy cảm và mong manh. Thường thì một hành động hay một câu nói nhỏ của nhau cũng có thể gây xáo trộn trong mối quan hệ giữa hai nước.

Bruce Klingner cho rằng trong tình hình hiện nay, vẫn khó có thể bàn tới việc thiết lập một liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn chặt chẽ hoặc thậm chí tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ba bên. Một cách tiếp cận tốt hơn là lồng ghép cuộc tập trận quân sự ba bên trong một cuộc tập trận quy mô lớn hơn.

Trước yêu cầu gần đây của chính phủ Mỹ và Nhật Bản về việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Nhật-Hàn ở vùng biển xung quanh Bán đảo Triều Tiên, chính quyền Moon Jae-in ngày 31/3 đã nhắc lại rằng điều đó là không thể.

Trong tình hình quan hệ Hàn-Nhật hiện nay không thể tiến hành tập trận Hàn-Mỹ-Nhật. Yoon Suk-yeol cũng vạch ranh giới với đề xuất của Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, người phát ngôn của Yoon Suk-yeol cũng nói rằng tập trận chung Hàn-Mỹ-Nhật và hợp tác an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật là hoàn toàn khác nhau, chính phủ mới sẽ nghiên cứu thúc đẩy phương án hợp tác an ninh ba bên mang tính thực dụng và hiệu quả hơn.

Victor Cha cho rằng trong tương lai, Seoul sẽ nỗ lực hơn nữa để khôi phục quan hệ song phương với Tokyo, cải thiện sự phối hợp ba bên Hàn-Mỹ- Nhật trong việc lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp với Triều Tiên, chia sẻ thông tin tình báo và khả năng phòng thủ và răn đe.

Bảo Trâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG