Được coi là “công xưởng thế giới” nhưng các hoạt động thương mại của Trung Quốc lao dốc vì cách chống dịch gắt gao và nhu cầu trên toàn cầu suy yếu.
Theo Nikkei Asian Review, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 4 do nhu cầu toàn cầu suy yếu. Cùng với đó là việc Thượng Hải và các trung tâm công nghiệp khác buộc phải đóng cửa để theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0).
Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 9/5, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 3,7% so với một năm trước đó lên 273,6 tỷ USD, giảm mạnh từ mức tăng 15,7% của tháng 3.
Trong khi đó, nhập khẩu chỉ tăng 0,7% lên 222,5 tỷ USD. Con số này phản ánh nhu cầu suy yếu tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Nhu cầu toàn cầu lao dốc
Nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc chịu áp lực từ lạm phát toàn cầu tăng cao, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác nâng lãi suất. Thêm vào đó, niềm tin của người tiêu dùng đối với triển vọng kinh tế và việc làm cũng suy yếu.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư lo ngại chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại trong ngành công nghiệp ôtô, điện tử và những ngành công nghiệp khác trên toàn cầu.
“Tình trạng gián đoạn do dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới các hoạt động thương mại, nhưng trở ngại chính là nhu cầu nước ngoài suy yếu”, ông Julian Evans-Pritchard của Capital Economics bình luận.
“Chúng tôi cho rằng khối lượng xuất khẩu sẽ giảm hơn nữa trong những quý tới”, vị chuyên gia dự báo.
Giới quan sát cho rằng hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ cải thiện trong tháng 5, sau khi số ca nhiễm mới trên cả nước giảm đi. Nhưng tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cam kết theo đuổi chiến lược Zero-Covid. Điều này có thể đè nặng lên hoạt động sản xuất, bán lẻ và thương mại tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 9,5% lên 46 tỷ USD, còn nhập khẩu tăng nhẹ 0,9%, đạt 13,8 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc tăng 19,4% lên 51,1 tỷ USD.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tương đối thấp, nhưng việc nước này quyết liệt theo đuổi chiến lược Zero-Covid đã khiến 25 triệu cư dân tại Thượng Hải mắc kẹt trong nhà.
Đến nay, các nhà chức trách đã nới lỏng kiểm soát đối với Thượng Hải, nhưng những hạn chế được thắt chặt tại Bắc Kinh và một số thành phố khác.
Cách chống dịch gắt gao
Ngay cả khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh, tình trạng gián đoạn vẫn sẽ lan rộng trên toàn cầu và kéo dài nhiều năm. “Tình hình thậm chí có thể tồi tệ hơn năm ngoái”, ông Jacques Vandermeiren – CEO của cảng Antwerp (Bỉ), cảng biển đông đúc thứ 2 châu Âu (tính theo khối lượng container) – cảnh báo.
Trung Quốc chiếm khoảng 12% khối lượng thương mại toàn cầu. Những yêu cầu chống dịch khiến các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, hoạt động vận chuyển của xe tải bị gián đoạn, nhiều cảng biển ùn ứ.
Ban quản lý tại cảng Thượng Hải – cảng biển đông đúc nhất thế giới – cho biết cảng này vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa mà cảng xử lý mỗi ngày giảm 30% so với bình thường. Một phần nguyên nhân là tình trạng thiếu tài xế xe tải chở hàng.
“Tài xế xe tải đều sợ sẽ phải cách ly 14 ngày nếu giao hàng tới nhà máy. Do đó, họ có thể bỏ qua việc giao hàng và chuyển sang làm việc khác”, ông Johan Annell tại hãng tư vấn Asia Perspective bình luận.
“Một khi các hoạt động xuất khẩu được nối lại, số lượng lớn tàu sẽ cập cảng Bờ Tây nước Mỹ, chúng tôi cho rằng thời gian chờ có thể tăng lên đáng kể”, bà Julie Gerdeman – Giám đốc điều hành của công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics – cảnh báo.
Trong ngắn hạn, tình trạng tắc nghẽn sẽ gây thiệt hại đáng kể cho thương mại toàn cầu, vốn đã lao dốc vào năm 2020 và phục hồi trong năm ngoái. Về dài hạn, điều này có thể tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều công ty tìm cách chuyển mạng lưới sản xuất về nước và các quốc gia lân cận trong bối cảnh môi trường kinh doanh bất ổn.
Thêm vào đó, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng hoá nhập khẩu suy yếu bởi cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp bất động sản, vốn đóng góp hơn 20% vào GDP và hàng triệu việc làm. Cách chống dịch gắt gao của chính quyền Bắc Kinh cũng khiến người tiêu dùng Trung Quốc không dám chi tiêu.
Nhu cầu tại Trung Quốc lao dốc có thể làm giảm nhập khẩu các loại hàng hoá như dầu, quặng sắt và hàng tiêu dùng trên toàn cầu.
(Theo Nikkei Asian Review)
Theo: Cánh cò